Vẫn lo 'sốt giá' ngày Tết

Tết Nguyên đán 2020 đã đến gần, nhưng thay vì tất bật tìm mua gạo, đỗ, thịt lợn,... để chuẩn bị cho nồi bánh chưng như các năm trước, năm nay gia đình ông Thụ (trú tại thôn Vân Gia, phường Trung Hưng, thị xã Sơn Tây, Hà Nội) vẫn 'bình chân như vại'.

Ông Thụ tâm sự: Tết năm nào, gia đình ông cũng gói hai chục bánh chưng. Nhưng giờ nhu cầu ăn uống không nhiều như trước, con cháu về chơi thấy đồ nếp là không ai “động đũa” cho nên đến sau Tết còn thừa hơn chục chiếc, để mốc meo rồi phải bỏ đi, rất lãng phí. Thế nên năm nay, nghe lời khuyên của cậu cả, ông Thụ quyết định ra chợ mua vài chiếc bánh để cúng Tết. Còn với gia đình anh Giang (cán bộ công chức tại Hà Nội), áp lực mua sắm Tết đã không còn, từ nhiều năm nay sau khi đón Giao thừa, ngay sáng mồng 1 Tết, cả nhà anh lại lên đường du lịch. “Tết là dịp nghỉ xả hơi của cả năm, do đó thay vì lu bu nấu nướng, nhậu nhẹt, gia đình tôi thường đi du lịch. Du lịch Tết vừa rẻ, lại vắng người cho nên dịch vụ cũng tốt hơn ngày thường”, anh Giang chia sẻ.

Mức sống ngày càng được cải thiện, thói quen mua sắm, tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán của người dân đã thay đổi khá nhiều. Từ chỗ ăn Tết nặng về vật chất, tập trung cho mua sắm, tích trữ lương thực, thực phẩm, bánh mứt kẹo,… nay người dân đã chuyển sang sắm Tết gọn nhẹ, đơn giản hơn và để dành thời gian quan tâm đến đời sống tinh thần. Hàng hóa tại các hệ thống chợ, siêu thị, cửa hàng tiện ích ngày càng dồi dào, đa dạng, thậm chí nhiều nơi chợ họp từ mồng 3 Tết hay nhiều cửa hàng, chuỗi siêu thị có xu hướng phục vụ xuyên Tết. Chính sự thay đổi thói quen này đã góp phần giảm áp lực cầu cho thị trường, cùng với công tác bình ổn thị trường cũng như chuẩn bị hàng hóa được các bộ, ngành, địa phương triển khai hiệu quả.

Tuy nhiên, theo Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11-2019 đã tăng 0,96% so tháng trước, là mức tăng cao nhất của tháng 11 trong chín năm trở lại đây. Bên cạnh đó, có tới 9 trong số 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ có giá tăng, trong đó nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng cao nhất 2,74% (lương thực tăng 0,26%, thực phẩm tăng 4,11%). Nguyên nhân chủ yếu là do giá thịt lợn tăng tới 18,51% (tác động CPI chung tăng 0,78%), giá các sản phẩm chế biến từ thịt lợn và giá các mặt hàng thay thế tăng: Giá thịt quay, giò chả tăng 5,99%; giá thịt hộp, chế biến khác tăng 0,59%. Có thể thấy, giá thịt lợn vẫn tiếp tục tăng và ở mức cao không chỉ làm tăng CPI mà còn gây lo ngại thiếu hụt nguồn cung, “sốt” giá những tháng cuối năm. Trong tháng 11, giá thịt bò đã tăng 1,29%; thịt gà tăng 1,57%; cá, tôm tươi ướp lạnh tăng từ 0,89% đến 1,36%; giá thủy sản chế biến tăng 0,49%;... so tháng trước. Các chuyên gia nhận định, do Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán gần nhau, dự báo nhu cầu các mặt hàng sẽ tiếp tục tăng cao, nhất là giá thịt lợn có thể tăng “vượt kịch bản”. Do đó, phải có giải pháp ổn định nguồn cung hàng hóa. Các cơ quan quản lý nhà nước cần theo dõi sát diễn biến thị trường, nhất là các mặt hàng thiết yếu để chủ động có phương án bảo đảm cân đối cung cầu, ổn định thị trường, không để thiếu hàng, gián đoạn nguồn hàng, gây tăng giá đột biến trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán.

Nguyệt Bắc

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/kinhte/tin-tuc/item/42795302-van-lo-%E2%80%9Csot-gia%E2%80%9D-ngay-tet.html