Vấn nạn hàng giả, hàng nhái: Việc xử lý chưa đủ sức răn đe

Hiện nay, tình trạng vi phạm về hàng giả, hàng kém chất lượng và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) là vấn đề gây bức xúc trong dư luận xã hội, tác động tiêu cực tới đời sống người dân. Nạn hàng giả, hàng nhái, xâm phạm quyền SHTT vẫn diễn biến phức tạp, xuất hiện những xu hướng mới, tinh vi hơn, chuyên nghiệp hơn.

Các lực lượng chức năng phối hợp kiểm tra phòng, chống hàng giả, hàng nhái tại khu vực cửa khẩu Tân Thanh, tỉnh Lạng Sơn. Ảnh: Bình Minh

Các lực lượng chức năng phối hợp kiểm tra phòng, chống hàng giả, hàng nhái tại khu vực cửa khẩu Tân Thanh, tỉnh Lạng Sơn. Ảnh: Bình Minh

Mới đây, tại diễn đàn hàng giả, hàng nhái - thực trạng và giải pháp, bà Nguyễn Ngọc Tuyết Trinh, Giám đốc đối ngoại và truyền thông L'Oreál Việt Nam thông tin, có thời điểm, các sản phẩm giả, nhái sản phẩm của chúng tôi chiếm lĩnh thị trường với thị phần lên đến 75%. L’Oreal đã gửi công văn kêu cứu đến các cơ quan Chính phủ và trong tất cả các cuộc họp giữa tập đoàn và Văn phòng Thủ tướng, vấn đề này cũng được nêu tên. Bà Trinh lấy ví dụ, như thời điểm hiện tại, thị trường mỹ phẩm của LOreal tại Việt Nam gần như đang được thống trị bởi hàng xách tay và hàng giả đến hơn 60% (số liệu được dựa trên kênh phân phối trên cả 2 kênh online và offline của tập đoàn).

Qua một số khảo sát của các lực lượng chức năng cho thấy, hiện nay, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng có mặt ở nhiều phân khúc của thị trường, từ các cửa hàng tạp hóa trên các phiên chợ vùng sâu, vùng xa đến hè phố các đô thị, thậm chí len lỏi, trà trộn vào cả những siêu thị cao cấp ở những đô thị lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh nhằm "thử thách" mức độ sành sỏi của khách hàng.

Theo ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ quản lý thị trường, Tổng cục Quản lý thị trường, Bộ Công thương, để trốn tránh sự kiểm tra, kiểm soát của lực lượng chức năng, các đối tượng vi phạm đã có sự phân công chặt chẽ, với các phương thức như hình thành các đầu mối chuyên cung cấp nguyên vật liệu, linh phụ kiện, đầu mối chuyên sản xuất các loại bao bì, tem, nhãn giả; hàng giả được sản xuất dưới dạng gia công sản phẩm chưa hoàn chỉnh (bán sản phẩm) ở một nơi, sau đó, đặt gia công ở một nơi khác để lắp ráp, đóng gói thành phẩm; thành phẩm sau khi có đơn đặt hàng mới được gắn nhãn mác giả mạo nhãn hiệu, nguồn gốc xuất xứ hàng hóa và giao liền cho khách hàng đặt mua, sản xuất đến đâu, tiêu thụ đến đó, không cất trữ chờ tiêu thụ...

Ông Đạt cho biết thêm, từ những tổ chức, đường dây chuyên nghiệp đến hộ kinh doanh nhỏ lẻ, người bán hàng rong đều có thể sử dụng rất nhiều chiêu thức khác nhau để lừa dối người tiêu dùng. Chẳng hạn, đơn giản như trường hợp người bán hàng rong bán hoa quả, khoai tây, hành tỏi... xuất xứ Trung Quốc, khi người tiêu dùng hỏi nguồn gốc thì họ sẵn sàng nói là hàng của Việt Nam để người tiêu dùng mua hàng của mình.

Đặc biệt, tình trạng gian lận thương mại, cạnh tranh không lành mạnh, kinh doanh hàng giả, xâm phạm quyền SHTT thông qua mạng internet ngày càng phổ biến và diễn biến phức tạp, trong khi các chế tài xử lý vi phạm vẫn chưa được hoàn thiện.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Hữu Tuấn, Trưởng phòng Quản lý thương mại điện tử, Cục Thương mại điện tử và kinh tế số, Bộ Công thương cho biết: “Việc kiểm tra, xử lý các vi phạm trên internet là rất khó khăn, đặc biệt là việc thu thập thông tin, manh mối cũng như chứng cứ đảm bảo căn cứ pháp lý để xử lý vi phạm hành chính. Thậm chí, có trường hợp bán hàng tại Việt Nam, nhưng cơ sở chính lại ở nước ngoài (server tại nước ngoài); trang web, cơ sở giới thiệu sản phẩm ở một nơi, nhưng xuất hàng lại ở nơi khác. Các đối tượng sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng nhái ngay tại nhà ở, trong thôn xóm để trốn tránh, dễ tẩu tán tang vật nếu bị phát hiện, kiểm tra”.

Ngoài ra, khi xã hội càng phát triển, nhu cầu tiêu dùng của người dân qua mạng internet ngày càng cao, việc chủ động phát hiện vi phạm trên mạng gặp rất nhiều khó khăn, hạn chế, do các đối tượng vi phạm thường giới thiệu trên website là mẫu hàng chính hãng, nhưng lại giao hàng giả hoặc không rõ nguồn gốc, không bảo đảm chất lượng, trong khi bản thân người mua rất khó phát hiện, do khả năng nhận biết của người tiêu dùng về hàng thật - hàng giả, hàng nhái còn nhiều hạn chế.

Ở góc độ pháp luật, theo Thượng tá Đỗ Đức Tạo, Phó Trưởng phòng 11, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, Bộ Công an, vấn đề thực thi pháp luật hiện nay, việc thu thập chứng cứ để xác định dấu hiệu thu lời bất chính theo quy định tại Điều 226, Bộ luật Hình sự gặp khó khăn do đối tượng phạm tội thường sử dụng ký hiệu đặc biệt để quy ước hàng hóa hoặc không ghi chép sổ sách, quá trình mua đi bán lại không có hóa đơn, chứng từ. Bên cạnh đó, công tác định giá hàng hóa vi phạm gặp khó khăn, thông thường phải thuê thẩm định giá, tiến hành theo đúng trình tự nên rất mất thời gian.

Đặc biệt, Nghị định 99/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp cũng quy định hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, mức xử phạt cao nhất là phạt tiền không quá 250 triệu đồng đối với giá trị hàng hóa vi phạm trên 300 triệu đồng (mà không quy định mức trị giá hàng hóa tối đa để xử lý hình sự) nên dù trị giá hàng hóa vi phạm có thể lên đến hàng tỷ đồng hoặc nhiều hơn, cơ quan chức năng vẫn có thể xử lý hành chính.

Theo Báo cáo đặc biệt 301 của Văn phòng Đại diện thương mại Hoa Kỳ (USTR), năm 2019, Việt Nam vẫn nằm trong Danh sách theo dõi (watching list) về tình trạng bảo hộ quyền SHTT. Ông Phan Ngân Sơn, Phó Cục trưởng Cục SHTT, Bộ Khoa học và Công nghệ nhận định, hiện nay, các vụ xử lý về xâm phạm quyền SHTT vẫn chủ yếu thông qua biện pháp hành chính, các vụ việc bị xử lý hình sự còn rất ít, thể hiện các chế tài xử phạt của Việt Nam chưa nghiêm, chưa đủ sức răn đe đối tượng vi phạm.

“Thực tiễn trên dẫn đến tình trạng một vi phạm vừa có thể xử lý bằng biện pháp hình sự, vừa có thể xử lý bằng biện pháp hành chính và thông thường, các cơ quan thực thi pháp luật chọn hình thức xử lý hành chính vì thủ tục và quy trình xử lý đơn giản hơn rất nhiều đối với thủ tục để xử lý vụ việc bằng biện pháp hình sự. Thực tế này gây tác động xấu đến ý thức tuân thủ pháp luật của chủ thể vi phạm pháp luật và các cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm” - Thượng tá Tạo cho biết.

Ở góc độ khác, ông Phan Ngân Sơn, Phó Cục trưởng Cục SHTT, Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, do nhiều nguyên nhân, thời gian qua, tình hình sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng xâm phạm SHTT tại Việt Nam vẫn có những diễn biến phức tạp, thủ đoạn ngày càng tinh vi. Vì lợi nhuận, các đối tượng tham gia sản xuất, buôn bán hàng giả, bất chấp những hậu quả pháp lý.

Ông Sơn nhấn mạnh, trong bối cảnh hội nhập quốc tế, phải tôn trọng và bảo vệ quyền SHTT mới mong được đối tác đối xử ngược lại như vậy. Vấn đề vi phạm quyền SHTT tạo ra tâm lý không yên tâm cho các nhà đầu tư nước ngoài, ngăn cản thu hút đầu tư nước ngoài, đây là lợi ích dài hạn mà Việt Nam cần hướng tới, do đó, phải nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân trong xã hội nhằm bảo vệ và nghiêm túc thực thi cam kết về SHTT, qua đó, sẽ khuyến khích sáng tạo và thu hút đầu tư trong và ngoài nước.

Bình Minh

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/van-nan-hang-gia-hang-nhai-viec-xu-ly-chua-du-suc-ran-de/