Vấn nạn hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ diễn biến phức tạp

Đối tượng vi phạm ngày càng có trình độ học vấn, hiểu biết chính sách, am hiểu nhu cầu thị trường và thường xuyên thay đổi phương thức, thủ đoạn để trốn tránh sự phát hiện, xử lý.

Vấn nạn hàng giả vẫn diễn biến phức tạp. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Vấn nạn hàng giả vẫn diễn biến phức tạp. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại vẫn diễn biến phức tạp trong thời gian qua. Đặc biệt vi phạm sở hữu trí tuệ đang là vấn đề nhức nhối, ảnh hưởng không nhỏ đến quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp chân chính.

Liên tiếp bắt giữ hàng vi phạm

Ngày 8/5, Đội 6, Cục Quản lý thị trường Hà Nội phối hợp với Phòng PA04- Công an thành phố Hà Nội kiểm tra kho chứa hàng của Công ty cổ phần thép tổng hợp An Phát và điểm tập kết hàng hóa của Công ty cổ phần đầu tư xây dựng BKH Việt Nam, phát hiện nhiều ống thép có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu của doanh nghiệp khác.

Cụ thể, tại địa chỉ BT.4 (Khu đô thị mới Cầu Bươu, Thanh Trì, Hà Nội), đoàn kiểm tra phát hiện 45 ống thép mạ kẽm nhãn hiệu HOA PHAT và logo các loại có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu đang được bảo hộ của Công ty Trách nhiệm hữu hạn ống thép Hòa Phát, cùng một máy in Citronix Model: Ci 700 Serial: 0409069E; 5 bản in lưới nhãn HOA PHAT và logo, 26 bản in lưới các loại.

Mở rộng kiểm tra tại tòa nhà Thiên niên kỷ (số 4 Quang Trung, Hà Đông, Hà Nội), Đoàn kiểm tra phát hiện thêm 8 ống thép mạ kẽm nhãn hiệu HOA PHAT và logo có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu đang được bảo hộ của Công ty Hòa Phát và khoảng 33 tấn ống thép các loại đã sơn màu đỏ.

Theo đại điện Công ty cổ phần đầu tư xây dựng BKH Việt Nam, số ống thép mạ kẽm trên (khoảng hơn 33 tấn) thuộc sở hữu của Công ty BKH. Đơn vị này mua của Công ty cổ phần thép tổng hợp An Phát sau đó chuyển đến tập kết tại công trường tòa nhà Thiên niên kỷ để thi công.

Trên Internet, hoạt động buôn bán hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ cũng rất phổ biến. Gần đây nhất, ngày 18/4, Cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội đã phối hợp với Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) đồng loạt tiến hành kiểm tra 3 địa điểm bán hàng và kho chứa hàng của 3 website menshop 79.com, menshopfashion.com và Ladystore tại số 9 ngõ 89 Thái Hà (quận Đống Đa); 150 Thượng Đình (quận Thanh Xuân) và số 10 Đặng Văn Ngữ (quận Đống Đa) và thu giữ gần 1.300 sản phẩm.

Đáng chú ý, các sản phẩm bị thu giữ gồm quần áo, giày dép, túi xách, ví da, thắt lưng, kính mắt… đều có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu nổi tiếng của nước ngoài như: Gucci, Louis Vuition, Hermers, Versace, Burberry…

Chỉ tính riêng trong tháng 5, có 1.977 vụ vi phạm đã bị lực lượng chống buôn lậu, gian lận thương mại Hà Nội xử lý với tổng số 978,4 tỷ đồng tiền phạt hành chính, truy thu thuế và bán hàng tịch thu.

Ông Chu Xuân Kiên, Quyền Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo 389 Hà Nội cho biết, mặc dù đã đạt được kết quả nhất định, nhưng tình trạng buôn lậu, sản xuất hàng giả, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ vẫn rất phức tạp, ảnh hưởng tới doanh nghiệp sản xuất chân chính, cũng như ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng...

- Lực lượng 389 Hà Nội xử lý vi phạm trong tháng Năm:

Cần sự vào cuộc của chủ sở hữu

Nói về vấn nạn hàng giả, hàng nhái, ông Phạm Văn Nghĩa, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Pin Hà Nội cho biết, công ty thiệt hại khá nhiều trong sản xuất, kinh doanh, do sản phẩm giả mẫu mã pin Hà Nội.

“Hằng năm, công ty đều đưa ra mẫu mới để chống hàng giả, nhưng chỉ hai tháng sau, trên thị trường đã xuất hiện sản phẩm giả y hệt, với mức giá chỉ bằng 1/2 hoặc 1/3 giá hàng thật,” ông Nghĩa cho hay.

Chia sẻ về công tác xử lý các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, đại tá Nguyễn Minh Tiến, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (Bộ Công an) cho rằng, hiện nay đối tượng vi phạm ngày càng có trình độ học vấn, hiểu biết chính sách, am hiểu nhu cầu thị trường và thường xuyên thay đổi phương thức, thủ đoạn để trốn tránh sự phát hiện, xử lý của lực lượng chức năng.

Bên cạnh đó, sự phát triển mạnh của mạng Internet đã tạo môi trường thuận lợi cho hàng giả, hàng kém chất lượng, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ bùng phát qua các hoạt động kinh doanh trên các trang mạng điện tử.

Hơn nữa, công tác phối hợp trong việc phát hiện, điều tra, xử lý các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ chưa chặt chẽ, chồng chéo. Có những vi phạm có thể xử lý được nhưng phải chờ kết luận của nhiều cơ quan liên quan khác nhau, nên dẫn đến vụ việc kéo dài...

Trong khi đó, ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường cho biết, ở Việt Nam hiện nay hàng giả rất phổ biến, đặc biệt là giả nhãn hiệu của các tập đoàn lớn.

Tuy nhiên, rất nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp Việt Nam thường có tâm lý e ngại phối hợp với các lực lượng chức năng do lo ngại sẽ giảm doanh số.

“Để cán bộ xác định một sản phẩm giả rất khó nếu không có sự phối hợp giữa hãng và Chủ thể quyền,” ông Linh nói.

Trước thực tế này, cùng với sự vào cuộc quyết liệt của lực lượng 389, ông Chu Xuân Kiên, quyền Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội lưu ý, để việc chống hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đạt hiệu quả, đòi hỏi cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan trong việc xây dựng văn bản bảo đảm tính thống nhất, đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho doanh nghiệp và người tiêu dùng nhận thức rõ hơn về tác hại của việc tiêu thụ hàng giả, hàng lậu và quyền sở hữu trí tuệ…

“Những trường hợp vi phạm nghiêm trọng cần được xử lý nghiêm và công khai để có tác dụng răn đe. Về phía doanh nghiệp, cần tập trung vào vấn đề xác lập quyền sở hữu trí tuệ để được pháp luật bảo vệ,” lãnh đạo Cục Quản lý thị trường Hà Nội nói./.

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/van-nan-hang-gia-vi-pham-so-huu-tri-tue-dien-bien-phuc-tap/572912.vnp