Văn nghệ dân gian Quảng Ninh 5 năm nhìn lại

Trong những năm vừa qua, các hội viên văn nghệ dân gian đã sáng tạo được những công trình văn nghệ dân gian có giá trị, tổ chức nhiều hoạt động biểu diễn, truyền dạy văn nghệ dân gian phục vụ đắc lực các sự kiện kinh tế chính trị của tỉnh, của đất nước.

Chiếu chèo dân gian ở khu du lịch làng quê Yên Đức (TX Đông Triều).

Tại Quảng Ninh hiện có Hội Văn nghệ Dân gian Quảng Ninh, tổ chức hội tương đương với Hội VHNT Quảng Ninh và Chi hội Văn nghệ dân gian trực thuộc Hội VHNT Quảng Ninh. Hội Văn nghệ Dân gian Quảng Ninh hiện có hơn 300 hội viên bao gồm cả lĩnh vực sưu tầm truyền dạy và biểu diễn văn nghệ dân gian. Hội viên của Hội sinh sống ở khắp các địa phương trong tỉnh, trong đó tập trung đông nhất trên địa bàn thành phố Hạ Long. Hội còn phát triển được 28 câu lạc bộ văn nghệ dân gian tại cơ sở với trên 1.000 thành viên tham gia biểu diễn các làn điệu dân ca, giới thiệu 4 hội viên được kết nạp vào Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam.

Chi hội Văn nghệ dân gian là chi hội ra đời muộn nhất của Hội VHNT Quảng Ninh. Trước năm 2014, Chi hội chỉ có 7 hội viên (Lê Đồng Sơn, Cao Đức Bình, Phạm Quốc Duyệt, Đỗ Đăng Đường, Trương Thị Bích Hường, Nguyễn Đức Tý và Phạm Thanh Quyết) hoạt động tương đối mờ nhạt. Từ năm 2014 đến nay, Chi hội có thêm 6 hội viên được Hội VHNT Quảng Ninh kết nạp chuyển về sinh hoạt ở Chi hội Văn nghệ dân gian (gồm Đỗ Bi, Ngô Trung Hòa, Hoàng Quốc Thái và Vy Thị Tuyến). Chi hội Văn nghệ dân gian hiện có 13 hội viên trong đó có 8 người là hội viên các hội chuyên ngành trung ương.

Nhiều hội viên thường xuyên đi thực tế, điền dã sưu tầm văn hóa văn nghệ dân gian. Các hội viên đã sưu tầm nghiên cứu và xuất bản được 31 tập sách về văn hóa văn nghệ dân gian; tham gia nhiều công trình tập thể về văn hóa văn nghệ dân gian của các địa phương trong tỉnh và của Hội. Về cá nhân, hội viên Ngô Trung Hòa có tập sách “Góp phần bảo tồn lễ hội dân gian vùng biển Quảng Ninh” được tặng giải khuyến khích Giải thưởng Văn nghệ Hạ Long giai đoạn 2011-2015. Hội viên Trần Quốc Hùng biên soạn xuất bản được 5 tập sách: “Phong tục và nghi lễ vòng đời của người Sán Dìu ở Quảng Ninh”, “Dân tộc Sán Dìu hội tụ và phát triển”, “Quang Hanh đất và người”, “Văn hóa dân gian của người Sán Dìu ở làng Quang Hanh”, “Hôn nhân và gia đình các dân tộc Sán Dìu và Khơ mú ở Việt Nam”. Hội viên Trần Quốc Hùng còn có nhiều công trình được áp dụng vào thực tiễn như: “Cộng đồng các dân tộc thiểu số Quảng Ninh, thực trạng và giải pháp tạo sinh kế bền vững”, Nghiên cứu đề xuất các giải pháp bảo tồn phát huy giá trị dân ca Sán Dìu Việt Nam”, “Lễ hội Khíu Pếnh on dân tộc Sán Dìu Quảng Ninh”, “Tổng tập văn học dân gian dân tộc Sán Dìu ở Quảng Ninh”, “Văn hóa dân gian người Dao Thanh Phán vùng biên giới Quảng Ninh”, “Luật tục và tri thức dân gian của người Dao ở Quảng Ninh”, “Vận dụng luật tục của người Dao, Sán Chỉ trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh vào việc quản lý và xây dựng cộng đồng tự quản thôn, bản vùng dân tộc thiểu số phát triển bền vững trong thời kỳ hội nhập.

Hội viên Phạm Thanh Quyết xuất bản cuốn Hát đúm làng đảo Hà Nam. Hội viên Lê Đồng Sơn xuất bản sách Văn hóa Yên Hưng và là đồng tác giả sách Uông Bí đất và người”. Hội viên Phạm Quốc Duyệt có Dặm dài Quan Lạn. Hội viên Hoàng Quốc Thái có Văn hóa dân gian làng chài thủy cư trên Vịnh Hạ Long”. Nhiều hội viên đã tham gia vào các công trình tập thể do Sở Văn hóa - Thể thao, Hội Văn nghệ dân gian Quảng Ninh chủ trì như: Nghiên cứu sưu tầm tục hát nhà tơ - hát cửa đình tại xã Vạn Ninh, TP Móng Cái, Nghiên cứu sưu tầm bảo tồn giá trị di sản văn hóa phi vật thể hát nhà tơ - hát cửa đình tại các huyện Đầm Hà, Vân Đồn và TP Móng Cái; Nghiên cứu biên soạn bộ tài liệu dạy tiếng Dao Thanh Y, tỉnh Quảng Ninh. Nhìn chung, các công trình xuất bản đã đóng góp to lớn vào sự nghiệp xây dựng đời sống văn hóa và phát triển kinh tế xã hội của tỉnh và các địa phương.

Bên cạnh đó, nhiều chương trình bảo tồn văn nghệ dân gian trên địa bàn tỉnh đã được thực hiện và đem lại kết quả tốt như: “Hát Soóng cọ” của người Sán Chỉ, “Hát Then - đàn Tính” của người Tày ở huyện Bình Liêu, tục “hát dân ca” và “cấp sắc” của người Dao Thanh Phán và Dao Thanh Y ở huyện Hoành Bồ; sưu tầm, phục dựng “lễ Đại phan” của người Sán Dìu ở huyện Vân Đồn, “Lễ cầu mùa” của người Sán Chỉ (xã Đại Dực, huyện Tiên Yên), phục dựng lễ hội đình Tràng Y (xã Đại Bình, huyện Đầm Hà), sưu tầm xuất bản sách Ca dao Vùng mỏ, sưu tầm và tổ chức liên hoan hát nhà tơ, hát - múa cửa đình ở Quảng Ninh. Tỉnh nhà cũng có 31 Nghệ nhân Ưu tú, 1 Nghệ nhân Nhân dân và 62 Nghệ nhân dân gian Việt Nam.

Phục dựng lễ hội đại phan tại xã Thống Nhất huyện Hoành Bồ.

Ông Nguyễn Quang Vinh, Chủ tịch Hội Văn nghệ Dân gian Quảng Ninh, cho biết: Trong thời gian tới, Hội sẽ tiếp tục hoàn thành đề tài “Địa danh Quảng Ninh”; đề xuất thành lập Quỹ “Sưu tầm, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân gian các dân tộc Quảng Ninh”, lập dự án “Văn hóa dân gian Quảng Ninh phục vụ phát triển du lịch”, lập đề tài nghiên cứu khoa học “Đặc trưng văn hóa thợ mỏ Quảng Ninh”, phối hợp tổ chức liên hoan “Đi tìm câu hát giao duyên ở Quảng Ninh”, tổ chức các lớp bồi dưỡng các loại hình văn nghệ dân gian, xúc tiến thành lập Trung tâm Nghiên cứu, bảo tồn văn hóa dân gian ứng dụng.

Phạm Học

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/van-hoa/201907/van-nghe-dan-gian-quang-ninh-5-nam-nhin-lai-2448586/