Vẫn phải... đăng ký doanh nghiệp

'Thủ tục đăng ký kinh doanh rất đơn giản, nhanh chóng, dễ dàng, chi phí không đáng kể và còn rất ít vướng mắc, nên chẳng có lý do gì mà các doanh nghiệp đặc thù cứ tiếp tục một mình một chợ'.

Luật sư Trương Thanh Đức - Chủ tịch HĐTV Công ty Luật BASICO khẳng định như vậy khi trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp về thủ tục đăng ký doanh nghiệp. Mới đây, tại Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật Doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất sửa đổi quy định áp dụng Luật Doanh nghiệp và các luật chuyên ngành, theo hướng: “Trường hợp luật chuyên ngành có quy định đặc thù về việc thành lập, tổ chức quản lý, tổ chức lại, giải thể và hoạt động có liên quan của doanh nghiệp thì áp dụng quy định của Luật đó, trừ thủ tục đăng ký doanh nghiệp”. - Hiện có 2 luồng ý kiến liên quan đến quy định này đó là, giữ nguyên như Luật hiện hành và sửa đổi như trên để tách quản lý chuyên ngành không phải đăng ký doanh nghiệp, xin Luật sư cho biết quan điểm của mình? Cần phân biệt hai loại thủ tục hoàn toàn khác nhau giữa thủ tục cấp phép do nhiều luật quy định và nhiều ngành thực hiện trong các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện với thủ tục đăng ký kinh doanh chung phải được thực hiện tại một đầu mối duy nhất, tạo thành một cơ sở dữ liệu quốc gia. Nếu cứ giữ nguyên như hiện nay, sẽ tiếp tục tạo ra sự thiếu thống nhất và kéo dài tình trạng, cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký kinh doanh nhưng lại không có thông tin của hàng vạn doanh nghiệp, gồm cả nhiều công ty niêm yết. Đăng ký doanh nghiệp mới là “giấy khai sinh” của mọi pháp nhân công ty và doanh nghiệp tư nhân. Còn cấp phép ở các cơ quan khác chỉ là các điều kiện kinh doanh mà thôi. Ví dụ, doanh nghiệp phải đăng ký thành lập doanh nghiệp vận tải taxi để đủ tư cách thực hiện các thủ tục xin phép và khi nào đủ điều kiện, thì xe mới được phép lăn bánh.

- Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, việc quy định như vậy sẽ phát sinh thêm thủ tục hành chính, chi phí cho doanh nghiệp mà hiệu quả quản lý nhà nước đem lại không nhiều, thưa Luật sư?

Thủ tục đăng ký kinh doanh rất đơn giản, nhanh chóng, dễ dàng, chi phí không đáng kể và còn rất ít vướng mắc, nên chẳng có lý do gì mà các doanh nghiệp đặc thù cứ tiếp tục kiểu một mình một chợ. Việc cấp phép và đăng ký kinh doanh là hai thủ tục hoàn toàn khác nhau và có hai mục tiêu quản lý khác nhau. Đăng ký kinh doanh là nghĩa vụ pháp lý bình đẳng, không có ngoại lệ đối với mọi pháp nhân và cá nhân có hoạt động kinh doanh chuyên nghiệp với một quy mô nhất định. Đã là pháp nhân thương mại thì đều phải đăng ký ở cơ quan đăng ký kinh doanh. - Vậy Luật sư có thể lý giải việc tại sao lại xảy ra tình trạng như vậy và hậu quả pháp lý là gì? Đấy chính là một trong những điểm bất cập của hệ thống pháp luật do các bộ, ngành muốn tạo ra sự đặc thù cho mình. Nguyên tắc thì đều phải đăng ký, nhưng một số luật chuyên ngành lại “lách luật” bằng cách giải thích Giấy phép hoạt động đồng thời chính là giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Thử hỏi rằng, có đặc thù nào hơn việc cấp phép thành lập ngân hàng thương mại, đòi hỏi yêu cầu cao và thủ tục chặt chẽ nhất trong số các doanh nghiệp, nhưng Giấy phép của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đâu có thay thế cho thủ tục đăng ký kinh doanh. Hay đặc thù như doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, trước đây chỉcần 1 thủ tục cấp phép, nay cũng đã buộc phải quy định thực hiện thống nhất thủ tục đăng ký kinh doanh giống như doanh nghiệp trong nước. Vì vậy không có lý gì để các doanh nghiệp chứng khoán, bảo hiểm, đấu giá, luật sư, công chứng,… lại không phải đăng ký kinh doanh theo quy định chung. Sự khác biệt trên còn dẫn đến điều vô lý, có 6 loại hình doanh nghiệp thành lập theo luật chuyên ngành, vì “hội nhập” vào cộng đồng doanh nghiệp, nên cứ có sự khác biệt về con dấu, người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp,... Thật vô lý khi ngân hàng thì được tự quyết định về hình thức, nội dung cũng như việc quản lý, sử dụng con dấu, trong khi con dấu của công ty chứng khoán thì lại vẫn phải theo quy định cụ thể của pháp luật và phải đăng ký tại cơ quan Công an như đối với các cơ quan nhà nước. - Vậy việc quy định tách biệt giữa đăng ký kinh doanh và việc cấp phép kinh doanh tại cơ quan quản lý chuyên ngành có phù hợp thông lệ quốc tế, thưa Luật sư?

Theo khuyến nghị của Lực lượng đặc nhiệm tài chính (FATF) về chống rửa tiền và tài trợ khủng bố, Việt Nam cần có quy định tất cả doanh nghiệp, tổ chức kinh tế phải được đăng ký tại cùng một cơ quan, nhằm đảm bảo việc quản lý thông tin về chủ sở hữu hưởng lợi.

Theo tôi, ngoài doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình phải đăng ký như hiện nay, còn cần phải tiến tới đăng ký mọi hoạt động kinh doanh của bất cứ pháp nhân nào có hoạt động kinh doanh, chứ không chỉ dừng lại ở việc đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp. - Xin cảm ơn Luật sư!

Ngọc Hà thực hiện

Nguồn DĐDN: https://enternews.vn/van-can-dang-ky-doanh-nghiep-156114.html