Vẫn phải là văn hóa từ chức!

'Việc thông qua Nghị quyết này sẽ mở ra 'văn hóa từ chức' ở Việt Nam, điều mà các nước tiên tiến đã có rồi. Nghị quyết này đặc biệt quan trọng, phản ánh đúng nguyện vọng của đông đảo cử tri. Việc này sẽ làm cho những người được bầu cố gắng nhiều hơn, có trách nhiệm hơn để hoàn thành nhiệm vụ'.

Quan điểm trên của ông Lê Như Tiến – nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội từng chia sẻ cách đây hơn 10 năm trước việc Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII là kỳ họp đầu tiên triển khai thực hiện Nghị quyết số 35/2012/QH13 của Quốc hội về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn, dường như tới nay vẫn rất đáng quan tâm.

Cách đây gần 10 năm, ngày 27/4/2014, dư luận và báo chí Hàn Quốc đã khá xôn xao trước việc Thủ tướng Hàn Quốc Chung Hong-Won đã tuyên bố xin từ chức để nhận trách nhiệm vụ chìm phà Sewol làm hơn 300 người thiệt mạng. Theo hãng tin AFP, ông Chung tuyên bố: “Tôi xin lỗi vì đã không thể ngăn chặn tai nạn này xảy ra và không phản ứng phù hợp sau đó. Tôi tin rằng tôi, với vai trò thủ tướng, phải nhận trách nhiệm và từ chức”.

 Trưởng Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thị Thanh trình bày Tờ trình về dự thảo nghị quyết. Ảnh: An Đăng/TTXVN

Trưởng Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thị Thanh trình bày Tờ trình về dự thảo nghị quyết. Ảnh: An Đăng/TTXVN

Ngày 23/1/2022, Tổng thống Armenia Armen Sarkissian cũng ra thông báo ông sẽ từ chức vì văn phòng của ông không có khả năng tác động đến chính sách đất nước trong thời kỳ khủng hoảng. “Đây không phải là một quyết định dựa trên cảm xúc. Nó xuất phát từ thực tế hợp lý, cụ thể”, AFP dẫn tuyên bố của Tổng thống Sarkisian.

Những động thái từ chức như của ông Chung Hong-Won, ông Armen Sarkissian hay Thủ tướng Áo Sebastian Kurz, cựu Thủ tướng Italy Giuseppe Conte, cựu Thủ tướng Malaysia Muhyiddin Yassin hay cựu Thủ tướng Thụy Điển Stefan Lofven đã không còn là chuyện hiếm trên chính trường thế giới. Thậm chí, với nhiều nơi, đã hình thành cái gọi là “văn hóa từ chức”. Tuy nhiên, tại Việt Nam, “văn hóa từ chức” dù đã là cụm từ không mới, thậm chí được đưa ra bàn thảo, bình luận rất nhiều nhưng có thực thi được hay không lại vẫn là câu hỏi ngỏ. Thực tiễn trong trong khoảng 10 năm qua (tính đến tháng 6/2022), các cơ quan của Đảng đã kỷ luật hơn 170 cán bộ cấp cao diện T.Ư quản lý, trong đó có 33 Ủy viên, nguyên Ủy viên T.Ư Đảng, hơn 50 sĩ quan cấp tướng. Tuy nhiên, đến trước Hội nghị T.Ư lần thứ sáu năm 2022, gần như không có cán bộ nào chủ động xin từ chức do bị kỷ luật, dù uy tín giảm sút.

Chuyên gia Nguyễn Trần Bạt - người sáng lập InvestConsult Group (Công ty tư vấn chuyên nghiệp đầu tiên ở Việt Nam về đầu tư và kinh doanh), khi trả lời phỏng vấn đã từng cho rằng, xưa nay trên nghị trường Quốc hội, câu chuyện từ chức và văn hóa từ chức đã được nhắc đến nhiều, nhưng theo ông vẫn ở trạng thái “chơi chữ”.

PGS.TS Bùi Đình Phong thì cho rằng, trước hết và căn bản, từ chức thuộc về văn hóa, về đạo lý của người làm quan, thể hiện tính liêm sỉ và giá trị công bộc. Theo ông, lòng tự trọng của một bộ phận cán bộ, đảng viên ngày càng giảm sút, mờ nhạt. Số quan chức này chỉ biết đặt cái lợi cá nhân lên trên hết, trước hết. Họ sẵn sàng bỏ ra ngoài tai mọi dư luận xã hội, miễn là giữ được ghế, thậm chí chạy tuổi để thêm nhiệm kỳ. Không có liêm sỉ thì mấy ai có thể dễ dàng “cởi áo từ quan”, tự nguyện xin thôi giữ chức vụ khi chưa hết nhiệm kỳ.

Ông Lê Như Tiến - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội khi chia sẻ với báo chí thì nhấn mạnh: Tôi đã từng phát biểu, không phải chỉ những người có tỳ vết, bị kỷ luật đâu, mà có những trường hợp không đủ uy tín, năng lực, dù chưa đến mức bị kỷ luật nhưng nếu cảm thấy vị trí này, công việc này quá nặng với mình, thấy gánh không nổi, hay vì lý do sức khỏe, gánh nặng từ phía gia đình… họ cũng nên xin từ chức. Điều đó cũng tạo điều kiện tốt cho người khác phát triển. Hay với những ai không dám làm, không dám quyết, thiếu bản lĩnh, sợ làm sai, thì anh có còn là cán bộ nữa không? Nhất là với cán bộ cấp cao, cán bộ chiến lược đòi hỏi phải có sự quyết đoán, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm… Khi không còn những cái “dám” đó nữa, tự nhiên anh trở thành vật cản cho cơ quan, tổ chức, thậm chí là vật cản cho xã hội, chức vụ càng cao, lực cản càng lớn. Cho nên, nếu cán bộ mà sợ trách nhiệm, không dám làm cũng nên xin từ chức. Nếu cảm thấy công việc đang làm là gánh nặng với mình thì nên trao gánh nặng đó cho người khác đủ sức đảm đương. Sức vóc bản thân chỉ gánh được 50 cân, mà bắt gánh 100 cân thì gánh sao nổi? Với một chiếc áo quá rộng, dù có đẹp đến mấy, giá trị đến mấy cũng không nên mặc.

Ông Bùi Hoài Sơn – Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội (ĐBQH khóa XV) thì nhấn mạnh: Việc từ chức nên được xem là một trong những đặc điểm quan trọng của nền hành chính văn minh dựa trên phẩm giá và lòng tự trọng, tinh thần trách nhiệm, bản lĩnh của những nhà lãnh đạo có tâm với nước, với dân. Khi chúng ta đã quan niệm như vậy thì hành động tự nguyện xin thôi đảm nhiệm chức vụ sẽ trở thành chuyện hết sức bình thường.

Điều rất đáng mừng là mọi sự đã, đang có những chuyển biến khi thời gian gần đây, từ những hiệu ứng tích cực trong công tác cán bộ, cho thấy Quy định 41 về miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ và Thông báo kết luận số 20 của Bộ Chính trị về bố trí cán bộ bị kỷ luật được ban hành tháng 9/2022 không chỉ góp phần thay thế những cán bộ bị kỷ luật, uy tín giảm sút mà còn bước đầu hình thành văn hóa từ chức.

Trở lại câu chuyện ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn (sửa đổi)... đang được báo chí và dư luận rất quan tâm tại kỳ họp Quốc hội lần này. Trình bày tờ trình dự thảo nghị quyết, Trưởng Ban công tác đại biểu (ĐB) Nguyễn Thị Thanh cho biết Nghị quyết 85/2014 chỉ nêu hai tiêu chí về căn cứ đánh giá mức độ tín nhiệm là phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, việc chấp hành hiến pháp, pháp luật và kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao. Về hệ quả lấy phiếu tín nhiệm, dự thảo nghị quyết trình QH quy định người được lấy phiếu tín nhiệm có quá nửa đến dưới 2/3 tổng số ĐBQH, ĐB HĐND đánh giá “tín nhiệm thấp” thì có thể xin từ chức. Trường hợp không xin từ chức thì cơ quan hoặc người có thẩm quyền giới thiệu người đó để QH, HĐND bầu hoặc phê chuẩn có trách nhiệm trình QH, HĐND tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm tại kỳ họp đó hoặc kỳ họp gần nhất.

Tại phiên thảo luận, đáng chú ý là ý kiến của ĐB Lê Thanh Vân (Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau). Ông bày tỏ băn khoăn về căn cứ để lấy phiếu tín nhiệm. Vì theo ông, thông tin qua báo chí thì cũng khó đầy đủ, báo cáo của từng chức danh được lấy phiếu tín nhiệm thì không có. Quy định của pháp luật cũng chưa nói các chức danh chịu sự giám sát, phê chuẩn, bầu… phải báo cáo trước QH, HĐND trước khi lấy phiếu tín nhiệm.

“Vậy căn cứ vào đâu? Giả sử như trước khi được bầu, các chức danh này có chương trình hành động như là khế ước thì ĐBQH sẽ có căn cứ để soi vào đó qua quá trình thực hiện nhiệm vụ. Vì không có nên ĐBQH khó đong đếm đâu là người làm được việc hay không. Dự thảo nghị quyết cũng không có quy định về báo cáo công tác” - ĐB Vân phân tích. Do đó, ông đề nghị dự thảo bổ sung quy định về căn cứ lấy phiếu tín nhiệm như báo cáo hoạt động giữa nhiệm kỳ hoặc trước khi bầu, phê chuẩn chức danh nào đó thì người đảm nhận chức danh đó phải có chương trình hành động.

Rõ ràng việc lấy phiếu tín nhiệm là sự đổi mới quan trọng trong đời sống chính trị đất nước nhằm thực hiện chủ trương của Đảng, các quy định của pháp luật, đề cao quyền làm chủ của nhân dân thông qua việc thực hiện quyền giám sát của Quốc hội đối với những cán bộ chủ chốt của Đảng và Nhà nước.

Tuy nhiên, từ những trăn trở như của Đại biểu Lê Thanh Vân cho thấy, quan trọng là tinh thần trách nhiệm, sự nghiêm túc, chính xác trong việc lấy phiếu tín nhiệm, như vậy, việc lấy phiếu tín nhiệm mới thực sự hiệu quả công tâm, khách quan. Và quan trọng nhất, qua mỗi lần lấy phiếu tín nhiệm, mỗi cán bộ sẽ biết được sự đánh giá, nhận xét của các đại biểu Quốc hội, đại diện cho cử tri đối mình như thế nào. Kết quả của sự đánh giá, nhìn nhận ấy là cơ sở để mỗi người cán bộ nhìn lại mình, cân nhắc, xem xét kỹ quá trình công tác của bản thân. Nếu thấy rõ không đủ tín nhiệm thì không gì hợp nhẽ hơn là đưa mình vào để trên cơ sở đó rút kinh nghiệm, hoặc đưa ra cho mình một quyết định. Lấy phiếu tín nhiệm và văn hóa từ chức gần gũi là vì vậy.

Nguyễn Hà

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/van-phai-la-van-hoa-tu-chuc-post249905.html