Vẫn phải vay nhưng đầu tư hiệu quả

Theo Bộ Tài chính, dự kiến đến cuối năm 2018, các chỉ tiêu an toàn nợ công đảm bảo trong giới hạn được Quốc hội cho phép và thấp hơn dự kiến trong kế hoạch tài chính trung hạn (chỉ tiêu nợ công trên GDP năm 2016 là 63,7%, ước thực hiện năm 2017 ở mức 61,4% và dự kiến đến cuối năm 2018 khoảng 61-62%).

Tỷ trọng nợ trong nước đã tăng dần từ mức 40% năm 2011, lên khoảng 60% năm 2017, góp phần đảm bảo an ninh tài chính quốc gia; kỳ hạn phát hành bình quân trái phiếu chính phủ năm 2017 tăng lên mức 12,74 năm, lãi suất phát hành bình quân giảm xuống còn 5,98%/năm, giúp làm giảm áp lực trả nợ cho ngân sách nhà nước.

Tuy nhiên, Bộ Tài chính cũng thừa nhận, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quản lý nợ công thời gian qua còn một số tồn tại, thách thức. Đó là mặc dù các chỉ số an toàn nợ công vẫn đang nằm trong tầm kiểm soát, quy mô nợ công nhìn chung đang tiệm cận giới hạn được Quốc hội cho phép (nợ công không quá 65% GDP, nợ Chính phủ không quá 54% GDP, nợ nước ngoài của quốc gia không quá 50% GDP), nhưng áp lực huy động vốn vay cho đầu tư phát triển kinh tế - xã hội và mở rộng hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp tăng mạnh.

Bên cạnh đó, chi phí huy động vốn có xu hướng tăng, khi Việt Nam trở thành quốc gia có thu nhập trung bình và phải dần tiếp cận với các khoản vay nước ngoài kém ưu đãi, vay thương mại. Việc Chính phủ tập trung vào tăng tỷ lệ huy động vốn vay trong nước để chuẩn bị cho việc giảm tiếp cận các khoản vay ưu đãi nước ngoài, sẽ khiến chi phí huy động cao hơn so với trước đây.

Những công trình cấp thiết vẫn phải vay vốn đầu tư, nhưng phải được giám sát chặt chẽ.

Cùng với đó, công tác huy động vốn, nhất là đàm phán, ký kết ODA và vay ưu đãi nước ngoài chưa khớp với kế hoạch đầu tư công trung hạn và kế hoạch vay, trả nợ giai đoạn 2016-2020. Việc giải ngân vốn nước ngoài gặp một số khó khăn nhất định, số giải ngân đạt thấp so với kế hoạch. Lũy kế 6 tháng đầu năm, các cơ quan liên quan đã ký kết 4 hiệp định vay với tổng trị giá 193,2 triệu USD.

Ước tính giải ngân nguồn vốn vay ODA, vay ưu đãi bằng 21% kế hoạch và thấp hơn so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân do việc phân khai kế hoạch chậm; các cơ quan trong nước cũng thận trọng hơn trong việc đề xuất, chủ trương đầu tư do mức độ ưu đãi của nguồn vốn nước ngoài tiếp tục giảm.

Trong điều kiện còn thâm hụt ngân sách, đương nhiên nợ của Chính phủ sẽ tiếp tục tăng về giá trị tuyệt đối. Nghĩa vụ trả nợ gốc do đó cũng tăng lên. Một trong những nguyên lý căn bản được quy định tại Luật Ngân sách nhà nước cũng như tại Luật Quản lý nợ công, Chính phủ chỉ đi vay để bù đắp thâm hụt ngân sách cho đầu tư phát triển, không vay nợ cho chi thường xuyên.

Trong khi nhu cầu vốn đầu tư của khu vực công còn lớn để đảm bảo tăng trưởng kinh tế, tạo nền tảng cơ sở hạ tầng cho đất nước thì việc vay nợ là cần thiết. Tuy nhiên, phải đặc biệt chú trọng đến chất lượng đầu tư, tránh dàn trải, lãng phí. Điều này cũng được Đảng, Quốc hội chỉ ra và cần thiết phải có biện pháp để cải thiện, cụ thể là cần cải thiện hơn nữa hệ số ICOR.

Trong thời gian tới, trước nhu cầu đầu tư phát triển vẫn còn lớn, bội chi ngân sách còn cao (năm 2018 là 3,7%GDP) nên vẫn phải tăng cường huy động nguồn vốn vay trong nước, nước ngoài. Để thực hiện việc huy động vốn trong bối cảnh kiểm soát an toàn nợ công, nợ nước ngoài của quốc gia, theo các chuyên gia tài chính cần tiếp tục triển khai các giải pháp về cơ cấu lại ngân sách nhà nước và nợ công.

Trong đó, đầu tư từ nguồn vốn vay chỉ tập trung cho các dự án quan trọng, có tác động lan tỏa để từng bước kiểm soát tốc độ gia tăng dư nợ công thấp hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế và tỷ lệ trượt giá; tăng tỷ trọng dự toán chi đầu tư phát triển trong tổng chi ngân sách nhà nước; giảm tỷ trọng dự toán chi thường xuyên; tăng kỳ hạn vay, giảm lãi suất, bảo đảm an ninh tài chính quốc gia; chủ động cân đối nguồn vốn vay trong và ngoài nước theo hướng tối ưu hóa chi phí vay trước bối cảnh Việt Nam đã trở thành nước có thu nhập trung bình, không còn khả năng tiếp cận vốn vay ODA với ưu đãi cao như trước đây…

Một báo cáo của Ngân hàng Thế giới cũng từng chỉ ra, mặc dù tỷ lệ nợ công của Việt Nam vẫn trong giới hạn được Quốc hội cho phép, và nếu tính theo chuẩn mực quốc tế cũng tương đương với các nước có cùng trình độ phát triển và bình quân các nước trong khu vực. Song nếu xu hướng tăng nợ công tiếp tục tăng như trong một số năm vừa qua, có thể Việt Nam phải đối mặt với những rủi ro về tính bền vững nợ.

Quang Minh

Nguồn SGĐT: http://saigondautu.com.vn/kinh-te/van-phai-vay-nhung-dau-tu-hieu-qua-60538.html