Văn phòng Chủ tịch nước công bố 6 luật

Sáng nay (14/12), Văn phòng Chủ tịch nước họp báo công bố 6 bộ luật.

Phó Chủ nhiệm Thường trực Văn phòng Chủ tịch nước Giang Sơn công bố Lệnh của Chủ tịch nước.

Phó Chủ nhiệm Thường trực Văn phòng Chủ tịch nước Giang Sơn công bố Lệnh của Chủ tịch nước về việc công bố 6 Luật. Sáu luật gồm: Luật Lâm nghiệp; Luật Thủy sản; Luật Quản lý nợ công; Luật Quy hoạch; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài.

Luật Lâm nghiệp năm 2017 có 12 chương với 108 điều, tăng 4 chương và 20 điều so với Luật Bảo vệ và Phát triển rừng năm 2004. Luật Lâm nghiệp có hiệu lực từ ngày 01/01/2019.

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Vũ Văn Tám, Luật Lâm nghiệp có nhiều điểm mới như: Mở rộng phạm vi điều chỉnh theo hướng liên kết theo chuỗi các hoạt động lâm nghiệp từ quản lý, bảo vệ, phát triển, sử dụng rừng, kinh doanh, chế biến và thương mại lâm sản (Điều 1); thể hiện rõ lâm nghiệp là ngành kinh tế - kỹ thuật đặc thù, gồm tất cả các hoạt động gắn liền với sản xuất hàng hóa và dịch vụ liên quan đến rừng (Khoản 1, Điều 2). Đây là một trong những điểm mới quan trọng nhất, có liên quan đến toàn bộ nội dung cũng như cấu trúc của Luật.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Vũ Văn Tám

Luật Thủy sản gồm 9 chương với 105 Điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2019.

Nội dung mới của Luật như: Quy định về đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản (Điều 10); Quy hoạch về bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản, điều tra đánh giá nguồn lợi thủy sản (Điều 11, 12); Quy định về Quỹ bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản tại điều 21 và khuyến khích thành lập Quỹ cộng đồng (Điều 22)…

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Vũ Văn Tám nhấn mạnh, nội luật hóa các nội dung liên quan đến chống đánh bắt bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (IUU) trong đó có khuyến nghị của Ủy ban châu Âu (EC). Nhất là quy định các hành vi khai thác IUU và chế tài nghiêm khắc với chủ tàu, thuyền trưởng vi phạm; sửa đổi mức trần phạt tiền đối với lĩnh vực thủy sản trong Luật xử lý vi phạm hành chính: “Mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực quản lý nhà nước về thủy sản đối với cá nhân là 1.000.000.000 đồng”.

Luật Quản lý nợ công gồm 10 chương, 63 Điều quy định về hoạt động quản lý nợ công bao gồm huy động, sử dụng vốn vay, trả nợ và các nghiệp vụ quản lý nợ công. Luât này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/8/2018.

Luật Quy hoạchcó 6 chương, 59 Điều và 03 phụ lục, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/03/2018.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng gồm 3 Điều. Trong đó, Điều 1 sửa đổi, bổ sung 32 điều; bổ sung mới 28 điều; Điều 2 về điều khoản thi hành, Điều 3 về quy định chuyển tiếp. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 15/01/2018.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài phạm vi điều chỉnh của Luật chỉ quy định sửa đổi, bổ sung đối với 11 điều trong số 36 điều của Luật. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2018.

D.T

KTNT

Nguồn KTNT: https://kinhtenongthon.vn/van-phong-chu-tich-nuoc-cong-bo-6-luat-post1329.html