Vận tải hành khách công cộng: Nhiều tín hiệu mừng

Những tháng đầu năm 2018, số người dân đi lại bằng xe buýt trên địa bàn TP Hồ Chí Minh tiếp tục gia tăng khi cơ sở hạ tầng được đẩy mạnh đầu tư, các tuyến buýt mới được đưa vào hoạt động… Đây có thể coi là tín hiệu đáng mừng đối với vận tải hành khách công cộng của thành phố.

Trạm chờ tại Bến xe buýt Hàm Nghi (quận 1) được đầu tư hiện đại, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân.

Trao đổi với phóng viên Báo Hànôịmới, ông Trần Chí Trung, Giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng thành phố cho biết, chỉ trong 5 tháng đầu năm, khối lượng vận chuyển bằng xe buýt đạt gần 130 triệu lượt hành khách và gần 40% so với kế hoạch đề ra năm 2018, tăng 1,8% so với cùng kỳ năm 2017. Trung bình hệ thống buýt vận chuyển hơn 855.000 lượt hành khách/ngày. Đây được xem là tín hiệu rất khả quan đối với hoạt động vận tải hành khách công cộng sau nhiều năm nỗ lực “kéo” người dân đi lại bằng xe buýt.

Đến nay, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP Hồ Chí Minh đã điều chỉnh 20 đoạn lộ trình của 18 tuyến xe buýt để phù hợp với nhu cầu phân luồng giao thông và mạng lưới tuyến xe buýt; điều chỉnh 505 biểu đồ chạy xe của 105 tuyến xe buýt có trợ giá để phù hợp với nhu cầu đi lại của người dân.

Dự kiến đầu tháng 7 tới sẽ có 20 tuyến buýt điểm; mở thêm một số tuyến xe buýt từ trung tâm thành phố đến Sân bay Tân Sơn Nhất, các bến xe và ga Sài Gòn. Theo kế hoạch, hết tháng 6 sẽ hoàn tất việc áp dụng bán vé bằng máy in trực tiếp trên các tuyến xe buýt có trợ giá. Hiện đa số phương tiện đã được lắp đặt camera, thiết bị rao trạm và truyền dữ liệu về trung tâm.

Là người đi xe buýt gần 10 năm nay, bà Nguyễn Thị Bé, ngụ tại đường Tô Ngọc Vân (phường Linh Đông, quận Thủ Đức) cho hay, trước đây các tuyến xe buýt có lộ trình từ quận Thủ Đức vào trung tâm thành phố thường xuyên xảy ra cảnh móc túi, gây tâm lý hoang mang cho hành khách.

Thế nhưng, những năm gần đây tình trạng này gần như chấm dứt do trên xe buýt được trang bị hệ thống camera giám sát. Không những vậy, thái độ phục vụ của tài xế lẫn nhân viên phục vụ cũng chu đáo và niềm nở khiến hành khách có nhiều thiện cảm.

Tuy vậy, theo ông Trần Chí Trung, trong quá trình triển khai hoạt động vận tải hành khách công cộng cũng gặp một số khó khăn do việc sử dụng phương tiện giao thông cá nhân tiếp tục gia tăng, đồng thời các loại hình vận tải mới linh hoạt tiếp tục phát triển cạnh tranh trực tiếp đến hoạt động của xe buýt. Trong khi đó, nhận thức và thái độ phục vụ của một số lái xe, nhân viên phục vụ trên xe chưa đáp ứng yêu cầu của ngành và người dân.

Để tiếp tục duy trì bước phát triển trong năm 2018, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải hành khách công cộng, trong đó có việc thực hiện quy hoạch và sắp xếp lại mạng lưới tuyến theo kế hoạch, đầu tư đổi mới phương tiện phù hợp với đặc tính đô thị và thân thiện môi trường.

Đồng thời, đổi mới mô hình quản lý và nâng cao năng lực của các đơn vị vận tải như: Triển khai đề án tổ chức hợp tác xã theo mô hình mới, tiên tiến tham gia cung ứng sản phẩm dịch vụ bằng xe buýt; xây dựng làn đường dành riêng, làn ưu tiên cho xe buýt; hoàn chỉnh phương án đánh giá tiêu chuẩn chất lượng tối thiểu cho dịch vụ xe buýt...

Bên cạnh đó là việc ưu tiên phát triển cơ sở hạ tầng, dành quỹ đất hợp lý cho phát triển vận tải hành khách công cộng; đẩy nhanh tiến độ triển khai các tuyến tàu điện ngầm và xe buýt nhanh (BRT), kết hợp với triển khai phương án kết nối giao thông tại các nhà ga metro, dọc tuyến BRT vào các tuyến giao thông hiện hữu.

Đặc biệt là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong quản lý điều hành vận tải hành khách công cộng như: Hoàn thành đầu tư hệ thống vé điện tử xe buýt; triển khai dự án thẻ học đường (SSC) trong quản lý hoạt động đưa, đón học sinh...

Gia Bảo

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/giao-thong/905042/van-tai-hanh-khach-cong-cong-nhieu-tin-hieu-mung