Vận tải phục hồi, tăng trưởng vượt bậc trong năm 2022

Hoạt động vận tải năm 2022 đã phục hồi trên cả 5 lĩnh vực, sản lượng các loại hình vận tải đều tăng trưởng ấn tượng.

Sản lượng vận tải tăng trưởng vượt bậc

Tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2022 và triển khai kế hoạch năm 2023 của Bộ GTVT diễn ra chiều nay (13/1), Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy cho biết, năm 2022, sản lượng các loại hình vận tải đều phục hồi, phát triển vượt bậc, chất lượng phương tiện, chất lượng phục vụ, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, cung cấp dịch vụ được đẩy mạnh, đáp ứng tốt nhu cầu đi lại của người dân, tiết kiệm chi phí xã hội.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy nhấn mạnh hoạt động vận tải năm 2022 đã phục hồi trên cả 5 lĩnh vực

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy nhấn mạnh hoạt động vận tải năm 2022 đã phục hồi trên cả 5 lĩnh vực

Sản lượng vận tải hàng hóa 12 tháng ước đạt 2.009 triệu tấn, tăng 23,7% so với cùng kỳ; luân chuyển hàng hóa 12 tháng ước đạt 441,3 tỷ tấn.km, tăng 29,4% so với cùng kỳ năm 2021.

Vận chuyển hành khách 12 tháng ước đạt 3.664 triệu lượt khách, tăng 52,8% so với cùng kỳ năm 2021; luân chuyển hành khách 12 tháng ước đạt 171,8 tỷ hành khách.km, tăng 78,3% so với cùng kỳ.

Trong đó, vận tải hàng không tăng 3%, đường bộ tăng 22,7%, đường thủy tăng 26,9%, đường biển tăng 27,9%, đường sắt tăng 9%.

Trong đó, vận chuyển hành khách 12 tháng lĩnh vực hàng không tăng 224,6%, đường biển tăng 56,7%, đường sắt tăng 205,6%, đường bộ tăng 51,6%, đường thủy tăng 52,9%.

"Kết quả trên cho thấy hoạt động vận tải năm 2022 đã phục hồi trên cả 5 lĩnh vực, đáng chú ý là vận tải hành khách ngành hàng không và đường sắt tăng trưởng 3 con số. Vận tải đường sắt bắt đầu có lãi sau 2 năm liên tục thua lỗ do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Theo đánh giá của Hiệp hội vận tải hàng không quốc tế (IATA), Việt Nam đứng vị trí số 1 trong danh sách 25 nước có thị trường hàng không nội địa phục hồi nhanh nhất thế giới.

Trong bảng xếp hạng 100 cảng container năm 2022 có lưu lượng hàng hóa qua cảng lớn nhất thế giới theo công bố của Tạp chí Lloyd’s List (Anh), Việt Nam có 3 cảng lọt trong top này gồm: Lạch Huyện (Hải Phòng), Cát Lái (TP. Hồ Chí Minh) và Cái Mép (Bà Rịa - Vũng Tàu)", Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy nhấn mạnh.

Nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp vận tải, Bộ GTVT đã đề xuất và triển khai nhiều giải pháp trong năm 2022

Kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp vận tải

Nhấn mạnh hiệu quả hoạt động vận tải là mục tiêu, thước đo của phát triển hệ thống hạ tầng, thể chế chính sách về vận tải, có tác động trực tiếp đến đời sống nhân dân và hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy cho biết, năm 2022 lĩnh vực vận tải phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là việc tăng giá mặt hàng xăng, dầu.

Nhưng duới sự chỉ đạo quyết liệt, sáng tạo, linh hoạt, kịp thời, xuyên suốt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và với tinh thần trách nhiệm, quyết tâm cao, bên cạnh công tác chỉ đạo, điều hành, điều phối hoạt động vận tải đã bảo đảm việc vận chuyển hàng hóa được thông suốt, an toàn, phục vụ đầy đủ, an toàn nhu cầu đi lại của Nhân dân, nhất là trong các dịp Lễ, Tết.

Cùng với đó, Bộ GTVT cũng tập trung rà soát, điều chỉnh, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để thúc đẩy hoạt động vận tải, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp vận tải.

Đặc biệt, để nắm bắt kịp thời, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT định kỳ tổ chức các buổi làm việc trực tuyến với các hiệp hội, doanh nghiệp và triển khai nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho hoạt động sản xuất kinh doanh, nhất là các giải pháp liên quan đến giảm cơ chế thuế, phí.

Điển hình như: Kiểm soát mức tăng giá nhiên liệu bằng các biện pháp giảm thuế bảo vệ môi trường; sử dụng quỹ bình ổn xăng dầu để điều tiết giá một cách khoa học, hợp lý, nghiên cứu chính sách hỗ trợ giảm 50% phí và lệ phí của phương tiện thủy ra vào các vùng nước để giao nhận hàng hóa tại khu vực cảng biển và bến thủy nội địa, nghiên cứu, xem xét phương án giảm thuế GTGT cho các dịch vụ vận tải từ 8 xuống 5% và điều tiết giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho doanh nghiệp vận tải từ 20% xuống 15%....Bên cạnh đó, Bộ cũng đã kịp thời phối hợp với Bộ Công thương trong việc giải cứu 100 container hạt điều xuất khẩu sang Italia; phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong việc giải cứu hàng nông sản bị ùn ứ tại cửa khẩu biên giới đường bộ với Trung Quốc.

Với nhiệm vụ thành viên Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, Bộ GTVT cũng tăng cường kiểm tra, đôn đốc và phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương liên quan thực hiện hiệu quả kế hoạch về công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trên các tuyến, địa bàn trọng điểm.

Năm 2022, hoạt động vận tải vẫn còn có tồn tại hạn chế như: Tình trạng xe khách tuyến cố định bỏ bến ra ngoài hoạt động; xe dù, bến cóc có chiều hướng gia tăng và diễn biến phức tạp; Tình trạng ùn tắc tại cảng hàng không Tân Sơn Nhất và tuyến phố lân cận do nhu cầu đi bằng đường hàng không tăng cao, hạ tầng cảng thì còn hạn chế; Ùn tắc giao thông tại TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh do mưa to, triều cường dâng cao gây ngập một số tuyến phố, ngày tổ chức các sự kiện lớn, lễ hội lớn trên địa bàn; hạ tầng giao thông như các tuyến vành đai chưa hoàn thiện.

Yến Chi - Nam Khánh

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/van-tai-phuc-hoi-tang-truong-vuot-bac-trong-nam-2022-d579081.html