Vận tải và cảng biển góp phần đem lại lợi nhuận lớn cho VIMC

Lĩnh vực vận tải và cảng biển vẫn nắm giữ vai trò then chốt, chủ lực đem lại doanh thu và lợi nhuận lớn cho Tổng công ty Hàng hải Việt Nam trong thời gian tới.

Xếp dỡ hàng hóa container tại một cảng biển Việt Nam. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Xếp dỡ hàng hóa container tại một cảng biển Việt Nam. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Trong bối cảnh ngành hàng hải gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng chiến tranh Nga-Ukraine kéo dài, chính sách “zero COVID” của Trung Quốc, lạm phát tăng cao… tuy nhiên, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) đã đạt lợi nhuận vượt kế hoạch đề ra trong năm 2022 nhờ sự đóng góp của vận tải biển và cảng biển.

Vốn chủ sở hữu âm đảo chiều dương

Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2023 vào chiều 6/1, theo báo cáo của VIMC, trong năm 2022, sản lượng hàng thông qua cảng ước đạt 124 triệu tấn (đạt 93% so kế hoạch), doanh thu hợp nhất ước đạt 15.041 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 3.129,5 tỷ đồng (vượt 124% so kế hoạch). Trong đó, lợi nhuận khối vận tải biển năm 2022 chiếm tỷ trọng cao nhất, ước đạt 1.869 tỷ đồng.

“Thời điểm 5-7 năm trước vốn chủ sở hữu VIMC từ âm 7.600 tỷ đồng nay đã đảo chiều dương và hiện đạt hơn 13.800 tỷ đồng. Đời sống người lao động ngày càng được cải thiện với mức lương bình quân năm 2022 là 16,6 triệu đồng/người trong toàn hệ thống,” ông Nguyễn Cảnh Tỉnh, Tổng giám đốc VIMC bày tỏ niềm vui trước kết quả sản xuất của đơn vị.

Chỉ ra nguyên nhân, ông Tĩnh cho rằng, các doanh nghiệp vận tải biển đã luôn nỗ lực bám sát, tận dụng cơ hội thị trường, tối ưu hóa các hợp đồng tài chính, duy trì các hợp đồng với mức giá tốt, tìm kiếm được các nguồn hàng, phát triển các tuyến dịch vụ mới và thu về những kết quả đáng khích lệ trong bối cảnh thị trường nội địa đang cạnh tranh gay gắt như hiện nay.

Tuy nhiên, Tổng giám đốc VIMC thừa nhận những khó khăn mà ngành vận tải biển bắt đầu phải đối mặt với nhiều nguy cơ, thách thức trong năm 2023 như chỉ số thuê tàu hàng của thị trường đi xuống; thị trường tàu container quốc tế, giá cước vận tải liên tục giảm mạnh; thị trường vận chuyển container nội địa sản lượng hàng hóa luôn ở mức thấp trong khi nguồn cung tàu tuyến nội địa gia tăng; tuổi tàu VIMC cao (20 năm) khó cạnh tranh hãng tàu nước ngoài.

Đánh giá hoạt động sản xuất kinh doanh của khối cảng biển tiếp tục chịu áp lực cạnh tranh gay gắt, các cảng mới liên tục ra đời kéo theo tình trạng dư cung, ông Tĩnh cho hay, dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, kết quả của khối cảng biển năm 2022 vẫn cơ bản hoàn thành được các chỉ tiêu, đóng góp tích tực vào kết quả chung mà điển hình là lợi nhuận đạt 1.550 tỷ đồng.

Trong bối cảnh thị trường thị trường liên tục biến động do ảnh hưởng từ bởi nhiều yếu tố như chiến tranh, dịch bệnh…, VIMC đã thường xuyên theo dõi, cập nhật, nghiên cứu, phân tích và dự báo thị trường vận tải biển, cảng biển và logistics trong nước và quốc tế; đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển các tuyến vận tải mới để đảm bảo khối vận tải biển kịp thời tận dụng cơ hội thị trường, đàm phán tăng giá, giành được các hợp đồng tốt nhất; kết nối với các doanh nghiệp cảng biển để tăng sức cạnh tranh cũng như tạo chuỗi dịch vụ khép kín và cung cấp giải pháp tổng thể cho khách hàng…

Bám sát triển khai thực hiện 3 đề án lớn

Năm 2023, VIMC nhận định, thị trường tàu hàng rời, tàu container sẽ suy giảm mạnh do lạm phát cao và gia tăng ở nhiều quốc gia, suy thoái toàn cầu ảnh hưởng tới năng lực mua sắm hàng hóa, lượng hàng tồn kho tích trữ nhiều.

Lĩnh vực cảng biển của VIMC sẽ tiếp tục gặp nhiều bất lợi do nguồn hàng có nguy cơ suy giảm bởi các yếu tố đầu vào của thị trường và số lượng đơn hàng sụt giảm khiến các nhà máy phải hoạt động cầm chừng, đóng cửa; xuất nhập khẩu của Việt Nam đã có dấu hiệu chững lại bắt đầu từ quý 4/2022.

Phía VIMC cũng thừa nhận lĩnh vực dịch vụ hàng hải của Tổng công ty bị mất nhiều thị phần khi quy mô hoạt động nhìn chung còn hạn chế, chưa có bước đột phá, thiếu tính đồng bộ và tạo kết nối chuỗi; chính sách giá kém linh hoạt, khả năng chống đỡ với áp lực cạnh tranh ngày càng kém.

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, ông Nguyễn Ngọc Cảnh, Phó Chủ tịch Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp trao cờ thi đua của Chính phủ cho các đơn vị của VIMC. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Với những phân tích này, VIMC đưa ra kịch bản điều hành sản xuất kinh doanh của năm 2023 bao gồm sản lượng vận tải biển dự kiến 17,7 triệu tấn; sản lượng khối cảng biển 134,7 triệu tấn; doanh thu hợp nhất 13.354 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế 2.330 tỷ đồng.

“Mục tiêu của VIMC năm nay là hoàn thiện hệ sinh thái với trọng tâm phát triển hệ thống cảng nước sâu làm cơ sở hình thành và phát triển chuỗi dịch vụ cho hàng container và hàng rời; nâng cao hiệu quả hoạt động đầu tư, đảm bảo tiến độ triển khai các dự án đầu tư trọng điểm: dự án đầu tư bến 3,4 Lạch Huyện, dự án cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, dự án cảng nước sâu Liên Chiểu,” ông Tĩnh nhấn mạnh.

Đánh giá cao VIMC đã vượt qua mọi thách thức, đoàn kết nỗ lực và đạt thành tích ghi nhận, phát biểu chỉ đạo hội nghị, ông Nguyễn Ngọc Cảnh, Phó Chủ tịch Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp cho biết năm 2022, VIMC duy trì đà tăng trưởng 20% cả doanh thu và lợi nhuận so với kế hoạch đề ra. VIMC là điểm sáng về hoạt động tăng trưởng ổn định và lợi nhuận cao so với kế hoạch trong 19 Tập đoàn, Tổng công ty của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.

“Tổng công ty Hàng hải Việt Nam đi bằng cả 2 chân (vận tải biển, cảng biển), nếu phát huy được bổ trợ lẫn nhau giữa 2 lĩnh vực này thì sự tăng trưởng và phát triển bền vững của VIMC theo đúng chỉ đạo của Chính phủ thời gian tới phải tăng trưởng xanh, bền vững và tăng trưởng tuần hoàn,” ông Cảnh nói.

Ông cũng cảnh báo VIMC không thể chủ quan trong năm nay vì còn nhiều biến động, rủi ro khó lường như địa chính trị thế giới, lạm phát gia tăng, ảnh hưởng lượng hàng hóa vận tải, chi phí nguyên nhiên liệu đầu vào đứt gãy chuỗi cung ứng, tỷ giá, lãi suất… ảnh hưởng tới nền kinh tế nói chung và VIMC nói riêng.

Yêu cầu doanh nghiệp hàng hải chủ lực cần chủ động, sáng tạo đưa dự báo kịp thời để tháo gỡ ngay lập tức khó khăn để điều hành sản xuất không bị gián đoạn phù hợp với thị trường thực tiễn, theo ông Cảnh, cả 3 đề án gồm chiến lược phát triển, tái cơ cấu, kế hoạch sản xuất kinh doanh 2023-2025 đã được Đảng ủy Khối Doanh nghiệp cơ quan Trung ương cho ý kiến và cơ bản đồng thuận và sẽ sớm hoàn thiện phê duyệt. Do đó, VIMC bám sát chủ động xây dựng kế hoạch triển khai đi vào hoạt động đảm bảo đạt được mục tiêu chiến lược đề ra thời gian tới./.

Việt Hùng (Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/van-tai-va-cang-bien-gop-phan-dem-lai-loi-nhuan-lon-cho-vimc/839883.vnp