Vẫn thiếu những trường đại học kiểu mới đáp ứng nhu cầu nhân lực để phát triển đất nước

Quy hoạch các trường công lập không phải là sự sáp nhập giải thể một cách cơ học để giảm số lượng trường công. Sự sắp xếp lại mạng lưới giáo dục đại học cũng không nên chỉ thuần túy là giải pháp hành chính rằng trường nào còn, trường nào giải thể, trường nào sáp nhập, rằng cho trường nào là trọng điểm, trường nào không.

Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định số 209/QĐ-TTg phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học và sư phạm thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 (Quyết định 209).

Góp ý về vấn đề này, Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho rằng, việc quy hoạch mạng lưới các trường đại học, cao đẳng trong bối cảnh hiện nay là cần thiết. Cuộc CMCN 4.0 đang phát triển nhanh chóng đề ra những yêu cầu mới cho đào tạo và nghiên cứu khoa học, cũng đưa nhiều công nghệ mới làm thay đổi phương thức đào tạo và mô hình nhà trường. Giáo dục mở đang mở ra nhiều khả năng to lớn để phát triển. Sự hội nhập sâu rộng cũng tạo sự giao thoa với thế giới trong giáo dục và khoa học. Bên cạnh đó, đất nước đang trong tình hình ,buộc phải phát triển sức mạnh, trước hết là sức mạnh trí tuệ như một lẽ sống còn.

Việc đánh giá, quy hoạch lại mạng lưới các trường đại học, sư phạm hiện nay là cần thiết. (Ảnh minh họa)

Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng cũng cho rằng việc quy hoạch lại các trường là cần thiết do ngân sách nhà nước đang quá tải nếu tiếp tục bao cấp cho hệ thống sự nghiệp to lớn trong đó có giáo dục.

"Nền đại học Việt Nam cũng có quá nhiều bất cập từ hệ thống đến các cơ sở đào tạo; có một số trường thực sự yếu kém về năng lực và chất lượng đào tạo. Rất thiếu những trường đại học kiểu mới đáp ứng nhu cầu nhân lực để phát triển đất nước trong thời kỳ mới. Nói chung hệ thống giáo dục của ta hiện nay mặc dù đã có nhiều cố gắng nhưng còn xa mới thỏa mãn được các tiêu chí cần có của một nền GDĐH tiên tiến là công bằng, chất lượng , hiệu quả và nhất thể hóa", Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam thẳng thắn chỉ rõ.

Hiệp hội này cũng cho rằng, tinh thần của Luật Quy hoạch việc sắp xếp lại các cơ sở GDĐH công lập không phải là sự sáp nhập giải thể một cách cơ học để giảm số lượng trường công lập. Sự sắp xếp lại mạng lưới giáo dục đại học cũng không nên chỉ bằng một thiết kế duy ý chí của người quản lý, không nên chỉ thuần túy là giải pháp hành chính rằng trường nào còn, trường nào giải thể, trường nào sáp nhập, rằng cho trường nào là trọng điểm, trường nào không. "Chuyện sáp nhập giải thể thường đụng đến rất nhiều người và hậu quả kéo theo nhiều việc đến vài năm chưa yên. Do đó cần có sự tính toán thận trọng, có bước đi phù hợp, có giải pháp thích hợp".

Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cũng kiến nghị những nội dung liên quan đến quy hoạch mạng lưới các trường đại học cao đẳng như:

Thực hiện tự chủ đầy đủ. Các trường sẽ tự khẳng định mình bằng phấn đấu bảo đảm chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học, tự bảo đảm về tài chính, về nhân lực, tự xây dựng thương hiệu mà tồn tại và phát triển.

Hai là khuyến khích các trường phát triển theo hướng đa ngành , đa lĩnh vực, đa cấp, bảo đảm quy mô kinh tế về số lượng người học để thích hợp với nền kinh tế thị trường và thị trường dịch vụ giáo dục. Các trường đơn ngành có quy mô nhỏ là sản phẩm của nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung trước đây, nay rất khó có điều kiện phát triển tốt trong điều kiện mới và trên thực tế các trường đang tự động từng bước đa ngành hóa, đa lĩnh vực hóa, đa cấp hóa. Đó là một xu thế nên chấp nhận.

Ba là thực hiện việc kiểm định chất lượng thực sự khách quan đáng tin cậy về cả đào tạo, nghiên cứu khoa học và minh bạch về tài chính. Lấy đó cùng với kết quả điều tra hàng năm tình hình việc làm của sinh viên tốt nghiệp làm cơ sở cho sự đánh giá của cơ quan quản lý và sự tín nhiệm của xã hội. Điều này tối quan trọng khi ta "mở" nhiều mặt, xóa nhiều ràng buộc trong quản lý.

Bốn là chấp nhận sự sàng lọc các đơn vị đào tạo theo cơ chế thị trường thông qua uy tín của thương hiệu, có sự định hướng của nhà nước thông qua khen thưởng, đầu tư và chế tài. Chế tài của nhà nước có thể từ thấp đến cao tới mức quyết định đóng cửa trường.

Năm là thực hiện phân tầng (theo sứ mệnh) các cơ sở GDĐH, phân cấp quản lý triệt để cho các địa phương. Khuyến khích các trường đăng ký về sứ mạng, mục tiêu và tầm nhìn của trường tương xứng với năng lực của trường mình và có thể thay đổi trong quá trình phát triển. Về phía nhà nước cũng nên chấp nhận sự khác biệt tương đối rộng về năng lực giữa các trường, có nghĩa là chấp nhận một phổ tương đối rộng về năng lực từ các trường đầu đàn đến các trường yếu. Điều này cũng là một thực tế của quá trình phát triển .

Sáu là việc xuất hiện các trường top đầu trước hết phải do sự vận động tự thân vươn lên mà nổi trội bằng sự tự khẳng định mình thông qua thực hiện chủ trương tự chủ đại học. Nhà nước có thể tập trung đầu tư cho những trường này cũng như đầu tư vào một số ngành, một số lĩnh vực quan trọng ở những trường có sở trường tương ứng để tạo thành các trọng điểm quốc gia.

Bảy là việc sắp xếp điều chỉnh nên được chuẩn bị thật kỹ về về quan điểm, tư duy, đặc biệt là các chính sách cụ thể. Bộ Giáo dục Đào tạo nên thiết kế một hành lang pháp lý đủ rộng mà đủ chặt, xây dựng một kế hoạch toàn diện từ lộ trình đến sự giám sát. Không nên coi sắp xếp lần này như là một đợt cấp tập, làm thật nhanh rồi kết thúc mà nên coi đó là sự sắp xếp thường xuyên, giai đoạn đầu có thể làm nhiều việc hơn, sau đó còn có sự điều chỉnh tiếp tục theo hướng tự lựa chọn tốt nhất.

Tám là nên suy nghĩ toàn diện và tổng thể về phương hướng đổi mới cả hệ thống giáo dục đại học, từ đó mới tính được việc sắp xếp mạng lưới trường. Quy hoạch mạng lưới các cơ sở GDĐH công lập phải được soạn thảo xuất phát từ Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội và Chiến lược phát triển giáo dục của đất nước trong những năm tới./.

PV/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/giao-duc/van-thieu-nhung-truong-dai-hoc-kieu-moi-dap-ung-nhu-cau-nhan-luc-de-phat-trien-dat-nuoc-842774.vov