Vẫn tranh cãi phạt hay không phạt lỗi vượt đèn vàng

Từ khi Nghị định 46/2016 quy định xử phạt lỗi vượt đèn vàng như vượt đèn đỏ đến nay vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều, nhất là khi Quy chuẩn 41:2016 chưa làm rõ thế nào là tiến gần vạch dừng...

Nhiều người cố tăng tốc để vượt qua vạch dừng ở những giây đếm ngược tín hiệu đèn xanh kết thúc, tránh bị phạt đèn vàng (Chụp tại nút giao Vũ Phạm Hàm Nguyễn Khang đi cầu 361) - Ảnh: Tạ Tôn

Khó xác định khái niệm gần vạch dừng

Ngày 16/3, ông Nguyễn Xuân Tiến, trú tại Lục Ngạn, Bắc Giang điều khiển xe ôtô đến khu vực ngã tư QL31 thuộc khu vực thị trấn Chũ (Lục Ngạn, Bắc Giang). Khi cách vạch dừng khoảng 2m, đèn tín hiệu chuyển sang màu vàng, không kịp phanh, ông Tiến tiếp tục di chuyển quá vạch dừng. Ngay sau đó, ông bị CSGT xử phạt vi phạm lỗi không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông, cụ thể là vượt đèn vàng. Với vi phạm này, ông Tiến bị xử phạt 1,6 triệu đồng.

“Không chấp nhận nên tôi đã khiếu nại. Tốc độ của xe lúc xảy ra sự việc khoảng 40km/h nên việc dừng xe trước vạch sẽ rất khó khăn, mất an toàn, xe khác đâm vào rất nguy hiểm. Tuy nhiên, trong văn bản trả lời tôi, Công an huyện Lục Ngạn khẳng định, việc xử phạt là đúng và không có cơ sở để xác định việc tôi dừng xe trước vạch sơn ở khoảng cách trên 2m sẽ gây nguy hiểm”, ông Tiến cho hay.

Tại cuộc họp xem xét điều chỉnh những tồn tại, bất cập của Quy chuẩn 41:2016 về báo hiệu đường bộ và Thông tư 91/2015 về tốc độ xe cơ giới đường bộ được Bộ GTVT tổ chức mới đây, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho rằng, Quy chuẩn 41:2016 và Thông tư 91 có nhiều tích cực, được dư luận đồng tình. Tuy nhiên, một số quy định còn bất cập, chưa có sự đồng thuận cao. Trên tinh thần đó, Bộ trưởng yêu cầu nghiên cứu, khắc phục ngay những bất cập về báo hiệu đường bộ và tốc độ được quy định tại Quy chuẩn và Thông tư trên để phù hợp với thực tiễn và phải hoàn thành trong năm 2018.

Trước đó, anh Phạm Xuân Chúc (Hà Nội) đã kiện quyết định xử phạt vi phạm hành chính của Trưởng Công an TX Từ Sơn (Bắc Ninh) và quyết định giải quyết khiếu nại của Giám đốc Công an tỉnh này. Theo anh Chúc, cuối năm 2016, khi qua ngã tư có đèn giao thông trên tỉnh lộ 277 (Bắc Ninh), anh bị CSGT xử phạt 1,6 triệu đồng và tước GPLX 60 ngày vì lỗi vượt đèn vàng. Anh Chúc cho rằng, anh đang vượt vạch sơn thì đèn tín hiệu chuyển sang màu vàng và việc xử phạt không đúng, yêu cầu hủy quyết định xử phạt và bồi thường 1 nghìn đồng.

Đề cập vấn đề này, TS. Khương Kim Tạo, chuyên gia giao thông cho rằng, Luật GTĐB 2018 quy định, tín hiệu đèn vàng là phải dừng trước vạch dừng, trừ trường hợp đã đi quá vạch dừng thì được đi tiếp. Tuy nhiên, luật lại không quy định rõ về thời điểm bắt đầu xuất hiện màu đèn, nên mệnh lệnh có hiệu lực trong suốt thời gian tồn tại màu đèn tương ứng.

“Cơ quan chức năng hiểu quy định được áp dụng khi tín hiệu đèn vàng bắt đầu được bật lên, nhưng người thi hành luật lại cho rằng, quy định của luật được áp dụng trong suốt quá trình đèn vàng được bật lên. Trong khi đó, Công ước Viên 2008 lại quy định, trong trường hợp phương tiện giao thông đi “quá gần” vạch dừng khi đèn vàng bật lên thì được đi tiếp”, ông Tạo phân tích và đề xuất: “Cần phải quy định thời gian cụ thể được vượt đèn vàng, thời gian nào sẽ bị phạt. Từ đó, chúng ta cần phải lắp đặt thiết bị tính thời gian. Như thế tránh oan uổng cho người tham gia giao thông”.

Trung tá Nguyễn Mạnh Hùng, Phó trưởng phòng PC67 Công an TP Hà Nội cho rằng, từ khi Quy chuẩn 41:2016 được thực hiện, nhiều người cố tăng tốc để vượt qua vạch dừng ở những giây đếm ngược tín hiệu đèn xanh kết thúc, tránh bị phạt đèn vàng. Điều này rất nguy hiểm, tăng nguy cơ TNGT.

“Quy định về đèn vàng rất rõ, không được vượt quá vạch dừng nếu có tín hiệu đèn vàng. Bởi theo nguyên tắc, khi đi vào khu dân cư đông người hay các trường hợp quy định trong luật, người tham gia giao thông phải giảm tốc độ phương tiện. Từ đó, trường hợp không kịp dừng đèn vàng là khó xảy ra. Tuy nhiên, nhiều người lại cố tình hiểu sai luật để bao biện cho hành vi của mình”, Trung tá Hùng cho biết.

Khắc phục thế nào?

Ông Đỗ Hữu Bằng, Giám đốc hãng xe khách Sao Việt cho rằng, việc phạt người vượt đèn vàng mục đích chính là thay đổi hành vi người dân. Vấn đề pháp luật ban hành công dân phải thực thi. Tuy nhiên, Quy chuẩn 41 vẫn gây tranh cãi trong xã hội, xoay quanh câu chuyện đèn vàng, phạt hay không phạt? Do đó, cần rõ ràng hơn nữa trong xây dựng luật. Có hoặc không để tránh hiểu lầm và tranh cãi.

Theo TS. Khương Kim Tạo, phải phân thành các trường hợp được phép hoặc không được phép vượt đèn vàng khi nhận thấy phía sau có nguy hiểm hay không. “Về góc độ khoa học, chúng ta không được phép phạt những người vượt đèn vàng khi ở quá gần vạch dừng. Khi chúng ta có các thiết bị để đo lường được ai có thể kịp dừng trước vạch dừng khi đèn vàng, thái độ của người đó cố tình hay không khi vượt đèn vàng, chúng ta có thể phạt theo quy định”, ông Tạo nói.

Ở góc độ quản lý Nhà nước, ông Vũ Ngọc Lăng, Vụ trưởng Vụ An toàn giao thông (Tổng cục Đường bộ VN) cho rằng, Luật GTĐB quy định, khi đèn vàng phải dừng lại trước vạch dừng, trừ trường hợp đã đi quá vạch dừng thì được đi tiếp. Khi xây dựng Quy chuẩn 41, Việt Nam đã gia nhập Công ước Viên, trong đó cũng quy định, tín hiệu vàng xuất hiện người điều khiển phương tiện phải dừng lại trước vạch, trừ trường hợp đã đi quá vạch và trường hợp tiến sát tới vạch dừng mà xét thấy nguy hiểm thì được phép đi tiếp. Mục tiêu là khuyến khích sự tự giác của người tham gia giao thông, đồng thời có những chế tài để kiềm chế những trường hợp cố tình vi phạm. Quy chuẩn 41:2016 về báo hiệu đường bộ cũng đã nêu rất rõ điều này.

“Làm thế nào để người tham gia giao thông an toàn nhất và khuyến khích tính tự giác nhất? Trong trường hợp cuối cùng mới xử phạt. Trong trường hợp người tham gia vô tình qua đèn thì chỉ nên nhắc nhở”, ông Lăng nói.

Cũng theo ông Lăng, để tránh tranh cãi, Bộ GTVT đã giao Tổng cục Đường bộ VN nghiên cứu các phương án. Hướng nghiên cứu thêm vạch phụ trước vạch dừng sẽ khó khả thi.

“Tổng cục đang nghiên cứu theo hướng căn cứ vào đồng hồ đếm ngược của tín hiệu đèn xanh, người tham gia giao thông hoàn toàn có thể làm chủ được đồng hồ. Nếu nút giao nào tín hiệu đèn có đồng hồ đếm ngược thì người tham gia giao thông phải chấp hành dừng lại trước vạch dừng, trường hợp đã đi quá mới được đi tiếp. Trường hợp nút giao không có đồng hồ đếm ngược sẽ khó dừng trước vạch dừng. Tổng cục cũng đang nghiên cứu để khắc phục”, ông Lăng cho biết.

Trần Duy

Nguồn ATGT: http://www.atgt.vn/van-tranh-cai-phat-hay-khong-phat-loi-vuot-den-vang-d272957.html