Vấn vương xòe Thái Tây Bác

Múa xòe có từ bao giờ, không ai nhớ. Chỉ biết từ xa xưa, người Thái đã có câu hát: 'Không xòe không vui/ không xòe cây ngô không ra bắp/Không xòe cây lúa không trổ bông/Không xòe trai gái không thành đôi'. Bởi vậy, trong cuộc vui nào, đồng bào Thái cũng múa xòe. Vì rằng: 'Anh không xòe thì hoa héo đi/ Em không xòe trời xuân qua đi...'. Với người Thái Tây Bắc nói chung và người Thái Mai Châu nói riêng, múa xòe như một phần của cuộc sống.

Câu lạc bộ Nhịp điệu vui khỏe (Mai Châu) thường xuyên luyện tập, biểu diễn các điệu xòe Thái,

góp phần bảo tồn văn hóa dân tộc.

Đắm say điệu xòe

Đến thung lũng Mai Châu trong bóng chiều chạng vạng, cô gái dân tộc Thái Hà Thị Nhung đưa chúng tôi đến ngôi nhà sàn khang trang nằm giữa bản. Sau chào hỏi, chủ và khách cùng ngồi xuống mâm cơm với những món đặc sản của đồng bào Thái: thịt gác bếp, xôi ngũ sắc, cá suối nướng, rau rừng... cùng chén rượu, câu chuyện giữa chủ và khách trở nên gần gũi, thân thiện hơn.

Khi men rượu làm hồng đôi má, nhạc bắt đầu được khơi lên. Các cô gái Thái xúng xính trong bộ áo cóm, váy nhung, nắm tay nhau thành vòng tròn, chuyển động dần theo vòng quay quanh đống lửa, trong lời ca tha thiết: "Anh đến Mai Châu khi mùa xuân sang... Rượu cần đêm nay mê say lòng người, cô gái Thái với nụ cười tươi bên ánh lửa hồng, hồng duyên đôi má...”. Vòng xòe chuyển động nhịp nhàng, những đôi bàn tay nắm chặt tung lên, hạ xuống, khi giãn ra xa, khi chụm lại gần đống lửa. Vòng xòe ngày càng lớn dần, bởi số người nhập cuộc ngày càng đông, không mấy người có thể từ chối được lời mời tha thiết, chân thành của các thiếu nữ: "Đừng sợ say, đôi tay ngà, chén em dâng đầy, chén em dâng đầy...”. Bên ánh lửa bập bùng, những khách lạ bỗng thành quen, nhiều người chưa từng xòe cũng không ngần ngại nắm chặt tay nhau, hòa theo điệu múa.

"Ðiệu xòe, điệu xòe có từ bao giờ, mà vẫn mê say như thuở nào…”. Ðúng như những ca từ trong ca khúc "Ðiệu xòe thương nhau” của nhạc sĩ Vương Khon, không ai biết chính xác điệu xòe có từ bao giờ. Sinh ra và lớn lên ở Mai Châu, sống và gắn bó với cái nôi của đồng bào Thái ở Hòa Bình nên Hà Thị Nhung xòe rất đẹp, cô chia sẻ: Từ khi sinh ra, mỗi người dân tộc Thái đã được nuôi dưỡng, lớn lên cùng với điệu xòe. Xòe giữ vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần của đồng bào. Xòe Thái không những đẹp về nghệ thuật mà còn mang tính nhân văn, thể hiện tinh thần gắn kết cộng đồng, tạo sức hút đặc biệt, khiến người vào xòe dù lớn, nhỏ, lạ, quen luôn say mê như thuở ban đầu.

Nối vòng xòe rộng mãi

Để hiểu thêm về xòe, Nhung dẫn chúng tôi đến nhà Nghệ nhân Hà Ươm - một "bảo tàng sống” về văn hóa Thái ở Mai Châu. Ông lý giải tỏ tường: Do sống giữa thiên nhiên hùng vĩ, cùng với sự cần cù, tinh thần sáng tạo trong công cuộc chinh phục thiên nhiên nên mỗi khi hoàn thành một công việc trọng đại, người Thái lại nắm tay nhau quanh đống lửa nhảy múa ăn mừng. Điệu xòe hình thành, phát triển từ đó. Những điệu xòe đều mô phỏng bước đi của cha ông khi khai phá đất đai, phát rẫy, trồng lúa, lấy nước, tung khăn, mời rượu… Tất cả đều diễn tả sinh động và tinh tế về cuộc sống, thể hiện những ước mơ, khát vọng của người Thái Tây Bắc. Bởi vậy, mỗi dịp lễ, tết hay trong ngày vui của dòng họ, gia đình, của bản làng, nhất là khi nhà đón khách quý…, vòng xòe thường được tổ chức như một nghi lễ dân gian để đón mừng. Linh hồn của xòe Thái chứa đựng trong các điều xòe cổ, như: xòe khăn, xòe quạt, xòe sạp... trong đó xuất hiện sớm và truyền thống, phổ biến nhất là xòe vòng.

Hiện nay, người Thái có trên 30 điệu xòe, song tất cả đều bắt nguồn từ 6 điệu xòe cổ. Ở mỗi điệu xòe, họ sẽ gửi vào đó những mong ước riêng, như điệu xòe "Nhôm khăn” với chiếc khăn thổ cẩm nhiều màu sắc tung bay theo từng nhịp trống, thể hiện sự vui tươi, phấn khởi khi mùa màng bội thu; điệu xòe "Đổn hôn” tượng trưng cho sự son sắt, thủy chung, cho tình người khi gặp sóng gió, khó khăn trong cuộc sống…

Lâu nay tại đất Mai Châu, các nghệ nhân già luôn nghĩ cách gìn giữ các điệu xòe cổ, vốn là cái hồn dân vũ của người Thái. Với nhiệt huyết của mình, họ vẫn truyền dạy cho con cháu từng cử chỉ, động tác múa xòe. Đó cũng là lý giải của trưởng xóm Lác - Hà Công Hồng khi chúng tôi thắc mắc về khả năng tổ chức và trình độ biểu diễn khá chuyên nghiệp của các đội văn nghệ ở bản. Ông cho biết thêm: Bản Lác có hàng chục đội xòe - văn nghệ không chuyên, các diễn viên đều là người dân trong bản, các nghệ nhân truyền nghề cho nhau hoặc cán bộ phòng Văn hóa huyện hướng dẫn, đào tạo thêm. Hơn nữa, đây cũng là loại hình nghệ thuật dân gian đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại tại phiên họp diễn ra ngày 15/12/2021. Do vậy, việc bảo tồn, quảng bá, nối vòng xòe rộng mãi không chỉ là trách nhiệm, còn là niềm tự hào của mỗi cư dân trong đồng bào dân tộc Thái.

Hải Yến

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/16/174606/van-vuong-xoe-thai-tay-bac.htm