Vàng đại nhảy vọt, Nga hái quả ngọt với sách lược Putin

Dự trữ vàng và ngoại tệ của Nga đã đạt gần 569 tỷ USD trong bối cảnh giá vàng tăng liên tục.

RT mới đây dẫn số liệu từ Ngân hàng Trung ương của Nga cho biết, dự trữ vàng của Nga cùng dự trữ ngoại tệ đã đạt gần 569 tỉ USD.

Kho dự trữ vàng chiến lược của Nga.

Dự trữ quốc tế của Nga tăng 2,7 tỉ USD, tương đương khoảng 0,5% so với tháng trước, và tăng hơn 50 tỉ USD kể từ tháng 7 năm ngoái.

Theo Ngân hàng Trung ương, dự trữ ngoại tệ đã giảm 0,1% trong tháng 6 xuống còn 438 tỉ USD. Trong khi đó, dự trữ vàng tăng 2,5%, lên tới 130,8 tỉ USD.

Nga cũng tăng sản lượng sản xuất vàng thêm 3,8% trong quý đầu năm so với cùng kỳ năm 2019. Sản lượng trong giai đoạn này bao gồm 65,87 tấn vàng khai thác (tăng hơn 7%) - theo Bộ Tài chính nước này.

Nga đã tăng cường dự trữ vàng và ngoại tệ trong 4 năm liên tiếp. Nước này cũng đang định hình lại dự trữ quốc tế của mình, cắt giảm tỉ trọng của đồng USD để dự trữ vàng và các loại tiền tệ khác.

Dự trữ quốc tế của Nga là các tài sản có tính thanh khoản cao bao gồm các cổ phiếu vàng, ngoại tệ và tài sản Quyền rút vốn đặc biệt (SDR) - thuộc quyền sử dụng của Ngân hàng Trung ương Nga và chính phủ. Mức nắm giữ hiện tại cao hơn mục tiêu 500 tỉ USD mà Ngân hàng Trung ương Nga đặt ra vài năm trước.

Chuyên gia Mỹ gọi dự trữ vàng là một chiến lược có lợi nhất trong giai đoạn hiện nay. Giá vàng tăng lên mức cao nhất trong gần 9 năm qua và được coi là "vũ khí lựa chọn" cho các nhà đầu tư vàng, đang dọn đường cho một kỷ lục mới trong nửa cuối năm 2020.

Ông Ross Norman, Giám đốc điều hành công ty cung cấp thông tin và tin tức về kim loại quý Metal Daily, orman nói với MarketWatch rằng, giá vàng tăng "không phải là phản ứng với đồng USD hay dịch COVID-19, mà là do tác động kinh tế trong quý 2", với sự tăng trưởng cung tiền M2 khổng lồ dẫn đến lo ngại về lạm phát, nợ và lợi nhuận thực âm. M2 là thước đo chính cho cung tiền của Mỹ.

Để đặt mua vàng, "vũ khí của sự lựa chọn rõ ràng là các quỹ hoán đổi danh mục (ETF) vàng và các giao dịch mua vàng cho đến nay đã vượt quá bất kỷ lục nào trong mọi năm trước" - ông Norman nói.

Trong khi đó, ông Juan Carlos Artigas, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu tại Hội đồng vàng thế giới, cho biết trong một tuyên bố: "Nhu cầu đầu tư vàng qua quỹ ETF đã phá vỡ nhiều kỷ lục trong năm nay khi các nhà đầu tư tìm kiếm sự an toàn trước những bất ổn kinh tế do COVID-19 gây ra".

Nhu cầu đầu tư ETF vàng có thể sẽ tiếp tục đà tăng mạnh của nó trong nửa cuối năm nay do lo ngại về tác động kinh tế của COVID-19 và tỷ lệ lây nhiễm virus kéo dài.

Ed Moy, nguyên Giám đốc Cục đúc tiền kim loại Mỹ (US Mint) từ năm 2006 đến 2011 (trong cuộc khủng hoảng tài chính), nói rằng, nhiều yếu tố tương tự đã nâng giá vàng từ khoảng 600 USD/ounce năm 2006 lên 1.900 USD vào năm 2011 đang dẫn đến sự tăng giá vàng hiện nay.

"Có một số lượng lớn các khoản kích thích tài chính và tiền tệ mà không có một con đường rõ ràng để tháo gỡ. Cùng với đó là một con đường không chắc chắn và khó khăn để phục hồi sau cuộc khủng hoảng kinh tế chưa từng có" - ông Moy, hiện đang là chiến lược gia trưởng tại nhà bán lẻ vàng Valaurum, nói với MarketWatch.

"Điều này gây ra mối lo ngại về lạm phát, khiến người ta đổ xô đến vàng như một sự đảm bảo an toàn" - ông Moy cho biết thêm.

Vị chuyên gia giải thích thêm: có một số khác biệt giữa tình hình hiện nay với giai đoạn 2006 đến 2011 của cuộc Đại suy thoái.

Một trong số khác biệt đó là lượng tiền của cả kích thích tài chính và tiền tệ đang và sẽ lớn hơn về cường độ và được thực hiện trong một khoảng thời gian ngắn hơn. Các cuộc biểu tình, bạo loạn và bất ổn ở Mỹ, cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sắp diễn là những nhân tố tác động lớn trong cơn bão kinh tế.

Trong khi đó, đại dịch COVID-19 khiến các cơ quan chính phủ sản xuất tiền kim loại quý phải ngừng sản xuất một phần hoặc toàn bộ, làm phá vỡ chuỗi cung ứng bình thường - ông Moy nói.

Chiến lược gia trưởng của Valaurum cảnh báo, dù giá vàng có thể chịu một số áp lực giảm từ các nhà đầu tư, song các yếu tố cơ bản cho thấy giá vàng còn tăng cao ở phía trước.

"Chúng ta có một con đường dài không chắc chắn phía trước để phục hồi và đó sẽ là giá vàng" - ông Moy cảnh báo.

Rõ ràng, một khi thế giới bước vào thời kỳ hỗn loạn, tìm đến vàng là phương án an toàn nhất mà nhiều nhà đầu tư hướng đến.

Đối với nước Nga, điều này đã được xác định rõ từ nhiều năm trước bởi nhà lãnh đạo tài ba Vladimir Putin.

Không giống như các loại tiền tệ, cổ phiếu hoặc trái phiếu khác, vàng là loại ngoại tệ mạnh nhất trên thế giới, là một tài sản không liên quan trách nhiệm đối với bên thứ ba, là sự bảo hiểm tốt chống lại biến động của đồng dollars. Do Mỹ không thể áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với vàng nên các quốc gia khác đang giảm lượng dự trữ bằng USD và tích cực mua vàng.

Ông Vladimir Miklashevsky, chiến lược gia tại ngân hàng nổi tiếng của Đan Mạch Danske Bank cho biết: “Việc thay thế số lượng lớn tài sản từ dollars sang vàng là một chiến lược cho phép Ngân hàng Nga kiếm được hàng tỷ USD chỉ trong vòng mấy tháng. Nga duy trì ổn định kinh tế vĩ mô bằng các công cụ trung lập về chính trị".

Hải Lâm

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/vang-dai-nhay-vot-nga-hai-qua-ngot-voi-sach-luoc-putin-3412358/