Vàng, dầu, chứng khoán 'nhảy múa' cùng bất ổn Trung Đông

Trước bất ổn Trung Đông, giới đầu tư đang ưa thích tài sản an toàn như vàng, trái phiếu, tiền tệ quốc gia ổn định thay vì chứng khoán toàn cầu.

Rạng sáng ngày 8/1, Iran đã nã ít nhất 9 quả rocket vào căn cứ không quân Mỹ ở Iraq càng khẳng định hơn về sự bất ổn ở khu vực Trung Đông.

Rạng sáng ngày 8/1, Iran đã nã ít nhất 9 quả rocket vào căn cứ không quân Mỹ ở Iraq càng khẳng định hơn về sự bất ổn ở khu vực Trung Đông.

Có thể thấy hành động của giới đầu tư rất nhạy với bất ổn ở Trung Đông.

Đầu tiên phải kể tới giá dầu Brent đã bật tăng từ vùng 66.4 USD/thùng lên vùng giá 69.8 USD/thùng, tức tăng hơn 5,12% và không có dấu hiệu ngừng tăng, với diễn biến hai bên trả đũa lẫn nhau như hiện tại có thể khẳng định căng thẳng ở Trung Đông khó mà có thể giảm trong tương lai gần, điều này vô hình chung sẽ ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Giá dầu là nguyên liệu đầu vào của nhiều ngành nghề khác như vận tải, logistics, các doanh nghiệp sản xuất... Điều này sẽ ảnh hưởng tới chi phí đẩy kéo theo giá nguyên liệu tăng lên làm cho chi phí sản xuất tăng lên trên toàn cầu. Người tiêu dùng trên thế giới sẽ là người chịu thiệt nhất khi phải trả số tiền lớn hơn khi tiêu dùng hàng hóa, điều này có thể đẩy nền kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại do áp lực lạm phát chi phí đẩy từ giá dầu.

Chính vì vậy, rủi ro bất ổn ở Trung Đông đang có nguy cơ ảnh hưởng gián tiếp tới các doanh nghiệp trên toàn cầu từ chi phí nguyên liệu có thể tăng trong tương lai gần.

Giới đầu tư tài chính đã hành động rất nhanh nhạy, chọn các kênh giữ tài sản hơn là cổ phiếu. Quan sát diễn biến từ kênh đầu tư vàng, trái phiếu, ngoại tệ các quốc gia ổn định sẽ đều thấy được hiện tương như vậy. Trái lại thị trường cổ phiếu ở các khu vực liên tục đỏ lửa.

Cụ thể, giá vàng đã bật tăng mạnh từ vùng 1.481 OUNCE/USD lên vùng 1.588 OUNCE/USD, tăng 7,22%. Hai đồng tiền là Yên Nhật và Franc Thụy Sĩ tiếp tục hút dòng tiền, hai đồng tiền này đồng loạt lên giá so với các rổ tiền tệ khác, trong đó Yên Nhật đã lên giá 1,1% so với USD, Franc Thụy Sĩ lên giá 3% so với USD. Có thể thấy, giới đầu tư đang ưa thích nắm giữa tiền tệ của các quốc gia có hoạt động ổn định thay vì các quốc gia bất ổn.

Quan sát diễn biến giai đoạn cuối năm, thị trường trái phiếu Mỹ có hồi phục lại khá nhiều kể từ tháng 8/2019 khi có tín hiệu từ thỏa thuận thương mại Mỹ Trung có tiến triển, sự hồi phục diễn ra ở nhiều kỳ hạn từ 1, 2, 5 tới 10 năm, đặc biệt là kỳ hạn dài 5 và 10, lợi tức kỳ hạn 5 năm hồi phục từ 1,334% lên 1,764%, kỳ hạn 10 năm hồi phục từ 1,527% lên 1,923%.

Tuy nhiên, bước sang năm 2020, khi xuất hiện bất ổn ở Trung Đông, lợi tức trái phiếu có dấu hiệu đảo chiều giảm so với giai đoạn trước đó. Có thể thấy, nỗ lực kích cầu của Ngân hàng Trung ương toàn cầu, và triển vọng đàm phán thương mại đã nhanh chóng bị giới đầu tư phớt lờ đi khi nhu cầu đầu tư vào trái phiếu lại tiếp tục gia tăng, được biết lợi tức trái phiếu tỷ lệ nghịch với nhu cầu đầu tư trái phiếu.

Thống kê các kênh đầu tư hiện tại như vậy để thấy giới đầu tư trước bất ổn Trung Đông đang ưa thích tài sản an toàn như vàng, trái phiếu, tiền tệ quốc gia ổn định thay vì chứng khoán toàn cầu.

Nếu như tình trạng Trung Đông tiếp tục kéo dài, sẽ ảnh hưởng tới tâm lý các nhà đầu tư, đặc biệt nhà đầu tư mua chứng chỉ quỹ. Khi tâm lý không ổn định, lo sợ bất ổn xảy ra, các nhà đầu tư mua chứng chỉ quỹ rút tiền liên tục tại các quỹ chỉ số như ETFs, thì buộc các quỹ này phải bán cổ phiếu trên toàn cầu để lấy tiền trả lại cho nhà đầu tư.

Một hiệu ứng domino này nếu xảy ra sẽ tạo nên áp lực quá lớn cho thị trường tài chính toàn cầu, đây là rủi ro hiện hữu đối với thị trường tài chính.

Đối với doanh nghiệp đang gặp áp lực chi phí đẩy từ giá dầu, nếu tiếp tục tăng sẽ khiến giá thành sản phẩm cuối cùng buộc phải tăng, nếu điều này xảy ra khả năng tiêu thụ hàng hóa có thể giảm xuống, ảnh hưởng tiêu cực tới tăng trưởng dài hạn của doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp đa quốc gia.

Trong giai đoạn 10 năm qua, chưa bao giờ bất ổn thế giới lại diễn ra với tần suất nhiều như hiện nay.

Năm 2019 đó là biểu tình lan rộng các quốc gia từ châu Âu, châu Mỹ, châu Á…, đặc biệt là cuộc biểu tình ở Pháp khi tăng trưởng kinh tế thấp, tỷ lệ thấp nghiệp cao, thu nhập bình quân đầu người giảm…, đã làm cho cuộc biểu tình nhanh chóng vượt ra biên giới Pháp lan sang các nước trong khu vực châu Âu, các các châu lục khác.

Ở chấu Á, biểu tình ở Hong Kong (Trung Quốc) ban đầu chỉ là chống đạo luật dẫn độ về đại lục nhưng sau đã lan ra đòi quyền lợi do chênh lệch thu nhập và giá bất động sản quá cao.

Ngoài ra, nhiều cuộc biểu tình khác như ở Chile, Lebanon, Barcelona, Haiti, London, Belfast…

Có thể thấy sự phản hồi của thị trường khi đã có biểu tình sẽ dẫn tới hiệu ứng domino xuất hiện biểu tình ở nhiều nơi và tần suất nhiều hơn.

Đầu năm 2020 lại chứng kiến sự bất ổn khi Tổng thống Mỹ ra lệnh không kích căn cứ Iran làm thiếu tướng Iran thiệt mạng Qasem Soleimani. Đặc biệt, tinh thần dân tộc đã đẩy lên cao trào khi rất nhiều người dân nước này tham gia tang lễ thiếu tướng và giẫm đạp lên nhau, xuất hiện người bị thương và thiệt mạng, điều này càng làm tinh thần dân tộc gia tăng và khó có thể hòa giải trong một sớm một chiều ở khu vực Trung Đông.

Rạng sáng ngày 8/1, Iran đã nã ít nhất 9 quả rocket vào căn cứ không quân Mỹ ở Iraq càng khẳng định hơn về sự bất ổn ở khu vực Trung Đông.

Iran đang đe dọa sẽ phong tỏa Eo biển Hormuz

Bên cạnh đó, Eo biển Hormuz - cửa ngõ kết nối khu vực vịnh Ba Tư với Ấn Độ Dương, đây là khu vực tiếp giáp với Iran, Iraq, Ả Rập Xê Út Qatar, UAE, Kuwait…, là nơi xuất phát của nguồn dầu xuất khẩu lên tới 18 triệu thùng mỗi ngày, đồng thời cũng là cửa ngõ chiếm hơn 50% lượng dầu tiêu thụ trên toàn thế giới, hiện nay Iran đang đe dọa sẽ phong tỏa Eo biển Hormuz.

Vũ Duy Bắc (bacduyvu@gmail.com)

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/chung-khoan/vang-dau-chung-khoan-nhay-mua-cung-bat-on-trung-dong-310271.html