Vàng & dầu tăng, chứng khoán mệt mỏi

Quý I đầu tiên của năm 2018 đã trôi qua với không ít sự kiện trên thế giới khiến các nhà đầu tư phải lưu tâm như Hoa Kỳ và Trung Quốc đứng trước cuộc chiến thương mại, địa chính trị căng thẳng sau khi liên quân Hoa Kỳ-Anh-Pháp không kích Syria... Thị trường thế giới sẽ ra sao sau những biến động vừa qua?

Vàng chờ... USD
Hội đồng Vàng thế giới (WGC), cơ quan có trụ sở tại London (Anh), nhận định lãi suất chỉ đạo của Hoa Kỳ không còn ảnh hưởng đến giá vàng, mà đồng USD một lần nữa trở thành một chỉ dấu mạnh mẽ về xu hướng giá của kim loại quý này. Xu hướng này sẽ tiếp tục trong những tháng tới. Theo WGC, một trong những lý do khiến USD vượt qua lãi suất để làm chỉ dấu hướng đi của giá vàng là do đồng USD phản ánh những kỳ vọng của nhà đầu tư về lạm phát trong chính sách tiền tệ của nền kinh tế lớn nhất thế giới. Đồng thời, xu hướng này cũng phản ánh kỳ vọng về chênh lệch lãi suất giữa Hoa Kỳ và các nền kinh tế lớn, cũng như quan điểm của nhà đầu tư về mất cân bằng thương mại. Tất cả các yếu tố trên đều sẽ ảnh hưởng đến giá vàng.

Dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ đạt 3,9% trong năm 2018 và năm 2019. Con số này cao hơn mức 3,8% IMF đưa ra trước đó cuối năm 2017. Sự phục hồi này là nhờ vào các điều kiện tài chính tốt, đà phát triển mạnh, lòng tin thị trường được cải thiện tại các thị trường châu Mỹ và châu Âu. Tuy nhiên, nguy cơ hạn chế thương mại và các biện pháp đáp trả trong thời gian qua sẽ làm suy yếu lòng tin của nhà đầu tư và khiến tăng trưởng toàn cầu sớm đi chệch hướng.
Ông Maurice Obstfeld,
Cố vấn kinh tế kiêm Giám đốc Nghiên cứu của IMF

“Điều cần lưu ý là sự tương quan giữa giá vàng và đồng USD không có tính đối xứng. Trong lịch sử, đồng USD yếu là chỉ báo cho giá vàng tăng mạnh. Xu hướng giá của vàng cần được hiểu rộng hơn là vàng như một sự bảo đảm cho tiền tệ chứ không chỉ riêng cho đồng USD. Điều này được thấy rõ trong nhiều giai đoạn khi các đồng tiền chính suy yếu, các nhà đầu tư mua vàng để phòng ngừa rủi ro, thí dụ như cuộc khủng hoảng nợ ở châu Âu.

Vàng là kênh trú ẩn an toàn. Ngoài ra, ở thời điểm mà rủi ro địa chính trị gia tăng cao có khả năng tác động đến nền kinh tế toàn cầu, vàng sẽ được lựa chọn. Chúng tôi tin rằng các nhà đầu tư được hưởng lợi từ việc nắm giữ, phân bổ đầu tư cho vàng như một hình thức đa dạng hóa thanh khoản và danh mục đầu tư” - WGC phân tích.

Trong khi đó, nhà phân tích Steffen Grosshauser của Công ty mua bán vàng trực tuyến BullionVault dự đoán giá vàng sẽ tăng mạnh so với giá đồng USD và có thể cán mốc 1.450USD/ounce trong năm 2018. Còn công ty tư vấn về vàng Metal Focus trong bản báo cáo mới Gold Focus 2018 (Tiêu điểm vàng năm 2018) cũng cho rằng giá vàng sẽ tăng mạnh do những dự báo kém khả quan về tăng trưởng nền kinh tế Hoa Kỳ, đồng USD yếu và sự sụt giảm của thị trường chứng khoán toàn cầu. Theo Metal Focus, từ tháng 4 đến tháng 6, giá vàng sẽ dao động trong khoảng từ 1.290-1.360USD/ounce trước khi xuất hiện đà tăng mạnh kéo đến hết năm 2018.

Thị trường chứng khoán đang có nhiều dấu hiệu bất ổn.

Dầu hướng mốc 76USD/thùng
Chuyên gia chiến lược tiền tệ Ilya Spivak nhận định, giá dầu thô sẽ tăng do căng thẳng địa chính trị. Đơn cử như sự gia tăng thù địch giữa Saudi Arabia và lực lượng Houthi do Iran ủng hộ ở Yemen có thể dẫn đến leo thang xung đột, gây gián đoạn nguồn cung dầu. Cùng lúc đó, tại Libya, cảng xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất của nước này đã phải tạm ngừng hoạt động để sửa chữa sau khi các cuộc tấn công làm hư hại hệ thống đường ống cung cấp dầu.

Kênh CNBC chia sẻ quan điểm về giá dầu tăng nhưng dựa trên phân tích về biểu đồ giá. Theo đó, không có gì ngạc nhiên khi giá dầu ở mức gần 66USD/thùng và có thể còn tăng lên gần 76USD/thùng hoặc hơn trong thời gian tới. CNBC đưa ra 3 yếu tố cần xem xét để phân tích về giá dầu.

Đầu tiên là cách biểu đồ hàng tuần “trình diễn” giao dịch về dầu. Tính năng nổi bật trên biểu đồ là ngưỡng hỗ trợ mạnh gần 43USD và ngưỡng kháng cự gần 54USD. Bắt đầu từ tháng 4-2016, giá dầu đã duy trì trên ngưỡng hỗ trợ này và chuyển động đi ngang kéo dài. Vùng hỗ trợ gần 43USD và vùng kháng cự gần 54USD khiến biên độ giao dịch quanh mức 11USD. Việc giá dầu hiện trên 65USD cộng thêm biên độ dự báo đã đưa ra các nhận định mức giá sẽ tiến gần 76USD/thùng.

Yếu tố thứ hai là sự thay đổi trong chỉ số GMMA (Guppy Multiple Moving Average-sử dụng tâm lý nhà đầu tư và hoạt động để hiểu bản chất của xu hướng). Trên biểu đồ, nhóm trung bình dài hạn tách biệt và vượt trội, điều này thể hiện sự hỗ trợ mạnh mẽ, nhất quán của nhà đầu tư đối với xu hướng tăng giá. Mức độ tách biệt giữa GMMA dài hạn và ngắn hạn cũng ổn định, một lần nữa khẳng định sức mạnh và sự ổn định của xu hướng tăng giá dầu.

Đây không phải là một xu hướng đột phá thất thường do các phản ứng đối với các yếu tố rủi ro toàn cầu mà là xu hướng tăng bền vững và ổn định. Nhóm trung bình ngắn hạn, phản ánh cách các nhà giao dịch đang suy nghĩ, cho thấy mức độ biến động thấp. Điều này cho chúng ta biết rằng các nhà giao dịch cũng tự tin rằng xu hướng này sẽ tiếp tục.

Yếu tố thứ 3 là đường xu hướng tăng bắt đầu từ điểm neo gần 43USD/thùng vào tháng 6-2017. Đường xu hướng này đóng vai trò hỗ trợ và cung cấp định nghĩa tốt về xu hướng tăng giá. Mục tiêu xu hướng đầu tiên là gần 65USD/thùng, trong khi mục tiêu xu hướng thứ hai tiến đến 76USD/thùng và có khả năng còn cao hơn... Biểu đồ cho thấy đây là sự thay đổi chính xác trong xu hướng dài hạn và mức giá có biến động thấp. Hay nói cách khác, đây là tất cả các đặc tính của một xu hướng tăng giá mạnh mẽ của dầu thô trong thời gian tới.

Báo động chứng khoán
Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones gần như giảm hoàn toàn vào năm 2018, nhưng Chuyên gia kinh tế David Tice tin rằng mọi thứ có thể tồi tệ hơn nhiều trên thị trường chứng khoán. Ông David Tice đã đưa ra 3 lý do để cảnh báo các nhà đầu tư “đã đến lúc rút tiền và chạy” khỏi thị trường chứng khoán.

Mối đe dọa đầu tiên các nhà đầu tư phải lưu ý là một cuộc chiến thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc. Ngày 22-3 vừa qua, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã công bố kế hoạch áp đặt thuế nhập khẩu trị giá 50 tỷ USD đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc. Để trả đũa, Trung Quốc tuyên bố áp thuế nhập khẩu hàng hóa Hoa Kỳ trị giá khoảng 3 tỷ USD. Dù chưa có một dấu hiệu rõ ràng cho thấy Hoa Kỳ và Trung Quốc sẽ tham gia vào một cuộc chiến tranh thương mại đầy đủ, nhưng theo chuyên gia David Tice, động thái của Hoa Kỳ sẽ để lại hậu quả tiêu cực lâu dài cho nền kinh tế nước này.

Lý do thứ 2 cảnh báo về sự bất ổn tiềm ẩn cho thị trường chứng khoán là những diễn biến liên quan đến Syria. Hoa Kỳ, Anh và Pháp đã ném bom 3 địa điểm ở Syria, nhắm vào các cơ sở mà liên minh cho rằng là nơi nghiên cứu, sản xuất vũ khí hóa học. Điều này để đáp trả cái mà Hoa Kỳ và các đồng minh phương Tây gọi là một cuộc tấn công bằng vũ khí hóa học do quân đội Chính phủ Syria thực hiện tại thị trấn Douma. Nga đã phản ứng mạnh mẽ cuộc không khích của Hoa Kỳ và đồng minh vào Syria và tuyên bố “không loại bỏ” khả năng về xung đột giữa Nga và Hoa Kỳ.

Và chính tuyên bố của Tổng thống Donald Trump nhắm vào Nga trên Twitter cá nhân rằng: “Nga hãy sẵn sàng, tên lửa đang đến đẹp, mới và thông minh” là yếu tố thứ 3 để David Tice tin rằng rối loạn trên thị trường chứng khoán có thể xảy ra. “Căng thẳng trong quan hệ quốc tế luôn tạo ra những lo lắng trên thị trường. Tất nhiên không có cách nào để xác định thời gian sụp đổ thị trường chứng khoán. Nhưng điều đó có nghĩa là hãy chuẩn bị cho bất kỳ khả năng nào” - David Tice khẳng định.

Đức Hoàng (tổng hợp)

Nguồn SGĐT: http://saigondautu.com.vn/the-gioi/vang-dau-tang-chung-khoan-met-moi-57485.html