Vang mãi bài ca thống nhất

Trong không khí những ngày tháng 4 lịch sử, những bài ca của một thời máu lửa lại hát vang. Dù đã 49 năm nhưng những ca khúc thắng trận ngày đó cho đến hôm nay vẫn mang cảm xúc 'vui sao nước mắt lại trào' của ngày 'vui như trong đêm mơ'.

Qua từng chiến dịch, từng trận thắng lại có ngay những ca khúc “nóng hổi” ngay trên chiến trận làm nức lòng người, theo nhịp bước của những đoàn quân chiến thắng từ Tây Nguyên ngược ra Huế, Đà Nẵng..., lại xuôi vào Nam qua Phan Rang, Phan Thiết, rừng miền Đông Nam bộ, đồng bằng miền Tây Nam bộ, cho đến điểm cuối cùng là thành phố Sài Gòn.

Với tinh thần “Kịp thời nhất, nhanh chóng nhất, táo bạo nhất...”, các nhạc sĩ trong và ngoài quân đội lúc bấy giờ đã dõi theo từng bước tiến quân, từng trận đánh để có những ca khúc hừng hực khí thế chuyển ra mặt trận, phát trên làn sóng Đài Tiếng nói Việt Nam, cổ vũ, động viên kịp thời quân và dân trên từng chặng đường chiến dịch.

Bài hát “Ta đang sống những ngày tươi đẹp nhất” được nhạc sĩ Vĩnh Cát sáng tác vào thời gian chúng ta đang giành chiến thắng tại Buôn Ma Thuột và nhiều tỉnh miền Trung. Bài hát với những ca từ tràn đầy khí phách và lạc quan đã kịp thời phản ánh khí thế sôi sục của những ngày cuối cùng trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử giải phóng hoàn toàn miền Nam. Từ cuối tháng 3 và cả tháng 4/1975, Ðài Tiếng nói Việt Nam liên tục phát sóng ca khúc này trên làn sóng hàng ngày sau những bản tin chiến thắng.

Chiến dịch Tây Nguyên mở đầu cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 của quân và dân ta, mở ra thời cơ tổng tiến công chiến lược trên toàn miền Nam để quân và dân ta tiếp tục thực hiện các đợt tiến công quân sự lớn, phát triển cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 đi đến thắng lợi hoàn toàn. Ở thời điểm này, nhiều bài hát với âm thanh hùng tráng, mang đậm âm hưởng của đồng bào Tây Nguyên đã ra đời, như: "Những tiếng ca vang trên đất này" (nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn), "Hát mừng Tây Nguyên giải phóng" (nhạc sĩ Cầm Phong), "Sông Đắk Rông mùa xuân về" (nhạc sĩ Tố Hải)… Những ca khúc với âm thanh rộn ràng, hùng tráng, vang vọng như tiếng cồng chiêng trong những ngày lễ hội của đồng bào các dân tộc vùng cao nguyên đất đỏ bazan.

Chiến dịch Huế - Đà Nẵng (từ ngày 21 đến 29/3/1975) là một trong ba chiến dịch lớn của quân giải phóng trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975. Cùng với thắng lợi của chiến dịch Tây Nguyên, thắng lợi của chiến dịch Huế - Đà Nẵng đã làm thay đổi hẳn cục diện chiến tranh, tạo ra những điều kiện rất cơ bản để giải phóng Sài Gòn và toàn bộ miền Nam một cách nhanh chóng.

Thời điểm này các nhạc sĩ lại kịp thời sáng tác những bài hát như: "Gửi Huế giải phóng" (nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương), "Huế của ta ơi" (nhạc sĩ Thanh Phúc),… hay "Chào Đà Nẵng giải phóng" (nhạc sĩ Phạm Tuyên), "Đà Nẵng ơi! Chúng con lại về" (nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu), "Hát về Đà Nẵng kiên cường" (nhạc sĩ Cao Việt Bách), "Đà Nẵng quê ta giải phóng rồi" (nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn)…

Các ca khúc được sáng tác vào thời điểm sôi động này có sức mạnh thông tấn lớn, là tiếng kèn xung trận có tiếng vang mạnh mẽ trong trái tim từng người dân, từng chiến sĩ. Những bài hát hừng hực khí thế được phát trên Đài tiếng nói Việt Nam, truyền ra chiến trường đã tiếp thêm sức mạnh cho đoàn quân giải phóng tiến về miền Nam tiếp tục giành thắng lợi ở những trận đánh quyết định.

Liên tiếp các tỉnh Bình Định với thành phố Quy Nhơn, Phú Yên với thị xã Tuy Hòa, Khánh Hòa với thành phố Nha Trang và quân cảng Cam Ranh được giải phóng theo bước chân thần tốc tiến quân. Các địa danh này cũng kịp thời có ngay những ca khúc chiến thắng: Bình Định quê ta (Trần Hữu Pháp), Mùa xuân Quy Nhơn, Mùa xuân Bình Định (Dân Huyền), Quảng Ngãi quê em sáng xuân nay (Ánh Dương), Chào Nha Trang giải phóng (Hoàng Hà), Nha Trang mùa xuân nay biển hát (Thịnh Trường), Những thành phố bên bờ biển cả (Phạm Đình Sáu)...

Và thời khắc lịch sử của dân tộc không thể nào quên ngày 30/4/1975, niềm vui của toàn dân tộc đã được khắc họa trong nhiều khúc nhạc lời ca, vang lên khắp mọi miền Tổ quốc, tiêu biểu như: "Mùa xuân trên thành phố Hồ Chí Minh" (nhạc sĩ Xuân Hồng); "Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng" (nhạc sĩ Phạm Tuyên); "Đất nước trọn niềm vui" (nhạc sĩ Hoàng Hà) hay "Tiếng hát Thành phố mang tên Người" (lời Đăng Trung, nhạc Cao Việt Bách)…

Bài hát "Mùa xuân trên thành phố Hồ Chí Minh" có màu sắc tươi sáng, là một bài hát cách mạng nhưng hoàn toàn không cứng nhắc mà tình cảm, trữ tình; dự báo một cuộc sống mới, tương lai tốt đẹp của dân tộc đang chào đón. Hình ảnh TP. Hồ Chí Minh rợp bóng cờ bay trong mùa xuân đại thắng được khắc họa trong bài hát như giúp chúng ta liên tưởng đến hình ảnh niềm vui vỡ òa, nụ cười rạng rỡ xen lẫn những giọt nước mắt hạnh phúc trên gương mặt của hàng ngàn người dân Sài Gòn đổ xuống đường chào mừng đoàn quân giải phóng, thống nhất đất nước. Đây là một trong 6 tác phẩm tiêu biểu của nhạc sĩ Xuân Hồng đã được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật.

Còn bài hát "Đất nước trọn niềm vui" được nhạc sĩ Hoàng Hà sáng tác với cảm xúc dâng trào khi nghe tin chiến thắng dồn dập của các cánh quân giải phóng đang tiến thẳng vào Sài Gòn, nhạc sĩ đã viết nên ca khúc báo hiệu ngày vui của dân tộc đang đến rất gần. Nhạc phẩm là tiếng lòng của tác giả, thể hiện niềm hạnh phúc vô biên khi đất nước hoàn toàn giải phóng: “Hội toàn thắng náo nức đất nước/ Ta muốn bay lên say ngắm sông núi hiên ngang/ Ta muốn reo vang hát ca muôn đời Việt Nam/ Tổ quốc anh hùng”.

Tên bài hát "Đất nước trọn niềm vui" về sau đã được chọn làm tên của một tuyển tập nhạc ấn hành năm 1975 và tái bản năm 1985 về đề tài sự kiện 30/4/1975. Bài hát được giao cho Đài Tiếng nói Việt Nam và ca sĩ Trung Kiên thể hiện lần đầu tiên. Bài hát còn được phát trên Đài Phát thanh Giải phóng lần đầu vào sáng 1/5/1975 cùng với ca khúc “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng” của nhạc sĩ Phạm Tuyên.

Bài hát "Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng" được nhạc sĩ Phạm Tuyên sáng tác trong không khí Nhân dân cả nước vỡ òa trong hạnh phúc sau bao nhiêu hy sinh, mất mát, đấu tranh kiên cường trong suốt 30 năm để thắng lợi. Ca khúc được lãnh đạo Đài Tiếng nói Việt Nam cho dàn hợp xướng 40 người tập luyện để kịp phát thanh. Theo nhạc sĩ Phạm Tuyên, chưa có buổi thu thanh bài hát nào ở Đài Tiếng nói Việt Nam mà từ người kéo đàn đến nhạc trưởng cũng như ca sĩ đều rưng rưng nước mắt như thế. Khi ca khúc được thu âm xong thì chính nhạc sĩ cũng khóc.

Mỗi khi nghe những giai điệu của các ca khúc mừng chiến thắng, thêm một lần như sống lại thời khắc lịch sử của dân tộc, thêm một lần tự hào với những “di sản” của các thế hệ cha ông đã để lại cho hôm nay, để thêm yêu hơn Tổ quốc, có tinh thần trách nhiệm cao hơn gìn giữ, bảo vệ, xây dựng đất nước Việt Nam vững mạnh và trường tồn.

P.V (th)

Nguồn Đắk Nông: https://baodaknong.vn/vang-mai-bai-ca-thong-nhat-210200.html