Vang mãi chiến công trên bầu trời Hà Nội

Cùng với chiến thắng Bạch Đằng, Đống Đa, Điện Biên 'chấn động địa cầu'..., chiến thắng 'Điện Biên Phủ trên không' là một trong những chiến công vĩ đại nhất trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc Việt Nam thế kỷ XX.

Đơn vị pháo cao xạ bảo vệ Thủ đô Hà Nội đã bắn rơi nhiều máy bay B52 trong 12 ngày đêm cuối năm 1972. Ảnh: Tư liệu

Cách đây vừa tròn 45 năm, vào những ngày cuối tháng 12-1972, quân và dân Thủ đô Hà Nội đã cùng với lực lượng phòng không quốc gia và các địa phương lân cận làm nên một “Điện Biên Phủ trên không”, đập tan uy thế của không lực Hoa Kỳ, buộc Mỹ phải ký Hiệp định Pa-ri chấm dứt chiến tranh xâm lược Việt Nam. Thắng lợi đó đã diễn ra trong hoàn cảnh lịch sử đặc biệt của một giai đoạn đặc biệt, đó là: Mặt trận đấu tranh chính trị, ngoại giao của chúng ta đã đạt được kết quả quan trọng trên trường quốc tế. Cuộc tiến công chiến lược Xuân - Hè năm 1972, đã đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước bước vào giai đoạn quyết định. Quân và dân ta đã giải phóng phần lớn tỉnh Quảng Trị. Tình hình đó đã làm cho chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của Mỹ đứng trước nguy cơ sụp đổ hoàn toàn. Để cứu vãn tình thế, ngày 6-4-1972, Tổng thống Mỹ Ních-xơn ra lệnh huy động phần lớn lực lượng Không quân và Hải quân ở khu vực Đông Nam Á tiến hành cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ hai đối với miền Bắc với quy mô lớn hơn, tính chất ác liệt, tàn bạo hơn rất nhiều so với cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ nhất.

Tuy nhiên, việc đế quốc Mỹ dùng máy bay ném bom chiến lược B52 đánh phá Thủ đô Hà Nội cuối năm 1972 đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh dự báo cách đó 5 năm về trước. Người nhận định: “Dù sớm hay muộn, đế quốc Mỹ cũng đưa B52 đánh ra Hà Nội, trước khi chúng chịu thua trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, phải dự kiến trước mọi tình huống càng sớm càng tốt để có thời gian chuẩn bị”. Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng ta đã đẩy mạnh công tác xây dựng lực lượng Phòng không và Không quân.

Từ những năm 1966, ta đã đưa một số đơn vị vào chiến trường Quân khu 4 để trực tiếp nghiên cứu đánh B52. Dưới sự chỉ đạo của Quân ủy Trung ương, Bộ Tổng Tham mưu, Bộ Tư lệnh Phòng không - Không quân đã nghiên cứu, xây dựng kế hoạch đánh B52, bảo vệ Hà Nội. Sau khi kế hoạch được thông qua, Bộ Tổng Tham mưu đã khẩn trương triển khai thế trận phòng không ba thứ quân. Coi trọng thế trận phòng không nhân dân, phát huy cao độ sức mạnh tổng hợp của thế trận chiến tranh nhân dân cả về lực lượng, phương tiện, chuẩn bị ý chí, quyết tâm cho mọi người dân Thủ đô, tạo thế chủ động, sẵn sàng đối phó với mọi âm mưu, thủ đoạn đánh phá của địch.

Bài học kinh nghiệm lịch sử đấu tranh giữ nước của dân tộc ta cho thấy: Càng chủ động chuẩn bị cho chiến tranh bao nhiêu thì khả năng giành chiến thắng càng lớn bấy nhiêu. Và đúng như ta đã dự báo, vào hồi 19 giờ 15 phút, ngày 18-12-1972, Bộ Tổng Tham mưu phát lệnh báo động, và 25 phút sau, máy bay B52 của Mỹ từ nhiều hướng đồng thời ném bom xuống Hà Nội, Hải Phòng và nhiều thành phố khác ở miền Bắc. Cuộc tập kích đường không chiến lược tháng 12-1972 của đế quốc Mỹ là một cuộc ném bom hủy diệt vô cùng man rợ.

“Trong 12 ngày đêm, Mỹ đã sử dụng 663 lần chiếc B52 và 3.920 lần chiếc máy bay chiến thuật, ném xuống Hà Nội, Hải Phòng và một số mục tiêu trọng yếu khác trên miền Bắc nước ta hơn 100 ngàn tấn bom đạn. Riêng Thủ đô Hà Nội, chúng đã sử dụng 441 lần chiếc B.52 cùng hàng ngàn lần chiếc máy bay chiến thuật, ném hơn 10 ngàn tấn bom. Chúng đã hủy diệt nhiều khu phố, làng mạc, phá sập 5.480 ngôi nhà, trong đó, gần 100 nhà máy, xí nghiệp, trường học, bệnh viện, nhà ga, giết hại 2.368 dân thường, làm bị thương 1.355 người khác”.

Sau sự kiện “Điện Biên Phủ trên không”, các nhà sử học quân sự Mỹ đã cho rằng: “Trong 12 ngày đêm, Mỹ đã tiến hành một cuộc ném bom rải thảm mà sự tàn phá đã lớn hơn sự tàn phá của các cuộc chiến tranh từ trước cho đến bấy giờ. Khối lượng bom đạn ném xuống tương đương với 5 quả bom nguyên tử mà Mỹ đã ném xuống Nhật Bản năm 1945. Tổng thống Mỹ Nixon và các nhà chiến lược quân sự Mỹ đã tin chắc rằng với sức mạnh tàn phá ấy, Hà Nội nhất định sẽ khuất phục”.

Tuy nhiên, chúng đã nhầm. Quân và dân Hà Nội đã chủ động, thông minh và sáng tạo trong cách đánh, đã làm nên một “Điện Biên Phủ trên không”, đánh bại hoàn toàn cuộc tập kích chiến lược đường không của Mỹ, bắn rơi 81 máy bay các loại, trong đó có 34 máy bay ném bom chiến lược B52, làm sụp đổ hoàn toàn uy lực của không lực Hoa Kỳ trên trường quốc tế, góp phần quyết định thắng lợi trên mặt trận đấu tranh chính trị và ngoại giao, buộc Mỹ phải ký Hiệp định Paris 1973, mở đường cho sự sụp đổ hoàn toàn của chế độ ngụy quyền ở miền Nam.

Sau 45 năm nhìn lại chiến thắng lịch sử “Điện Biên Phủ trên không”, chúng ta càng thấy tự hào về tài thao lược trong đường lối chính trị và chỉ đạo nghệ thuật quân sự Việt Nam của Đảng ta. Đây là một trong những chiến thắng vĩ đại nhất của dân tộc ta trong thế kỷ XX, là trang sử vẻ vang của truyền thống đấu tranh dựng nước và giữ nước trong thời đại Hồ Chí Minh...

Tháng năm qua đi, những dấu tích chiến tranh có thể bị phai mờ theo quy luật của thời gian, nhưng tầm vóc và ý nghĩa lịch sử của chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không” vẫn mãi mãi âm vang trong tâm trí của mỗi con người Việt Nam và nhân loại tiến bộ trên thế giới. Đặc biệt, những bài học kinh nghiệm được rút ra từ đây vẫn nguyên vẹn giá trị để nghiên cứu, vận dụng trong sự nghiệp xây dựng lực lượng và thế trận chiến tranh nhân dân, quốc phòng toàn dân bảo vệ vững chắc toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc hôm nay và muôn đời con cháu mai sau.

Phát huy tinh thần chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không” trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN trong giai đoạn hội nhập quốc tế, chúng ta cần tiếp tục quán triệt sâu sắc và thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại... theo tinh thần Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XII của Đảng. Quán triệt sâu sắc phương hướng lãnh đạo của Đảng trong thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, an ninh trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa thời kỳ hội nhập quốc tế. Tập trung xây dựng QĐND Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, đáp ứng yêu cầu bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ thực hiện thắng lợi mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh”.

PGS, TS Vũ Đăng Hiến

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/vang-mai-chien-cong-tren-bau-troi-ha-noi/