Vàng trong nước khó vượt ngưỡng 30 triệu đồng

Sau 5 ngày biến động mạnh giá vàng thế giới đã tái lập mốc 1.200 USD, tuy nhiên, giá vàng trong nước vẫn chưa thể trở về mốc 28 triệu đồng như phiên giữa tuần vừa qua.

Thách thức ngưỡng cản 28 triệu đồng Nếu như trong tuần trước, giá vàng thế giới gần như rơi tự do từ mốc 1.235,70 USD/ounce phiên thứ hai (17/5) xuống còn 1.177 USD/ounce vào ngày thứ sáu tuần trước do áp lực bán chốt lời, thì ngay từ phiên đầu tuần, chính lực cầu tăng mạnh của các nhà đầu tư đã kéo giá vàng trở về mức 1.210 USD/ounce trong phiên sáng nay (28/5). Theo phân tích của ông Phạm Xuân Dũng, Trưởng phòng kinh doanh Công ty cổ phần vàng bạc Phú Quý, vàng thế giới vẫn nhận được sự hỗ trợ rất mạnh của các yếu tố kinh tế và lạm phát trên thế giới. "Đáng chú ý là Quĩ tín thác đầu tư vàng SPDR Gold Trust liên tục đẩy mạnh mua vàng dự trự, bất chấp giá vàng thế giới "neo" ở mức trên 1.200 USD và nhiều nhà đầu tư vẫn coi vàng là công cụ trú ẩn an toàn nên giá khó mà giảm sâu được," ông Dũng nhìn nhận. Về giá vàng trong nước, theo ông Dũng, hiện giá trong nước và thế giới đã xích gần nhau hơn, nhưng nhìn chung, lực cầu và áp lực chốt lời của các nhà đầu tư trong nước đang có ảnh hưởng lớn đến giá vàng. "Giá trong nước vẫn diễn biến theo giá thế giới, nhưng trong ngắn hạn vàng vẫn chỉ dao động quanh ngưỡng 27,2-28 triệu đồng/lượng. Nếu mức giá tụt giảm nhanh thì giao dịch sẽ khởi sắc, tuy nhiên nếu giá chỉ tăng giảm trên dưới 150.000 đồng thì nhà đầu tư vẫn nghe ngóng là chủ yếu," ông Dũng nói. Tính từ đầu tuần đến nay, giá vàng trong nước đã có 3 ngày đầu tăng giá mạnh và giảm dần trong hai ngày cuối tuần (26-27/5). Tuy nhiên, giá vàng trong nước vẫn chưa thể bứt phá khỏi ngưỡng 28 triệu đồng/lượng, mức giá được coi là đánh dấu sự chốt lời mạnh mẽ của các nhà đầu tư trong nước trong phiên ngày 17/5. Theo thông tin từ Công ty cổ phần vàng bạc Phú Quý, Hà Nội, lượng giao dịch bình quân của tuần này đã giảm gần 1/3 so với 10 ngày trước đó, với số lượng vàng giao dịch chỉ từ 3.000-6.000 lượng/ngày so với con số 10.000-13.000 lượng/ngày của ngày 17/5. Lực cầu sẽ quyết định giá trong nước Bằng phương pháp phân tích cơ bản, ông Bảo Quí, một chủ đại lý kinh doanh vàng SJC ở Hà Nội cho rằng, trong đợt sóng ngắn vừa qua (khi giá vàng lập đỉnh ở mức 28 triệu đồng) nhiều nhà đầu trong nước đã không tự tin lắm, do vậy đã ào ạt bán ra chốt lời đẩy giá trong nước xuống mạnh hơn cả giá thế giới, vì vậy khi giá thế giới nhanh chóng lấy lại đà tăng giá thì giá trong nước cũng chỉ chậm chạp điều chỉnh theo. Về vấn đề này, ông Phạm Xuân Dũng cũng cho rằng, nhà đầu tư trong nước vẫn chủ yếu là ngắn hạn, nên trong việc đầu tư vàng vẫn theo kiểu tự phát và sẵn sàng bán tháo bằng mọi giá, "đó không phải là cách đầu tư, mà cần nhìn vào diễn biến của giá thế giới để có những hướng đi đúng đắn," ông Dũng chia sẻ. Cũng theo ông Dũng, để giá vàng trong nước ngang bằng với giá thế giới bên cạnh vấn đề tỷ giá, nhà đầu tư trong nước sẽ đóng vai trò hết sức quan trọng. "Hiện vàng vẫn là kênh đầu tư hấp dẫn trên thế giới nhưng có nắm được cơ hội hay không thì còn tùy thuộc vào nhà đầu tư trong nước," ông Dũng nói. Ngoài ra, ông Dũng cũng nhấn mạnh, cần phải nhìn nhận mặt bằng giá không có tác dụng đỡ giá, mà có thể hiểu tại mặt bằng đó tạo ra một vùng giao dịch trong một quãng thời gian nhất định. "Nên tương lai, biến động thị trường không hẳn phụ thuộc vào đó, song xét về dài hạn khoảng dao động giá càng lâu, càng bền thì có thể có thể lấy mặt bằng giá đó để đón cơ hội đầu tư" Còn nhận định của ông Bảo Quí thì cho rằng, áp lực chốt lời đã khiến vàng trở thành công cụ "lướt sóng" của nhiều nhà đầu tư trong nước, vì vậy, "dù giá thế giới có tăng rất mạnh nhưng vàng trong nước cũng khó vượt mức 30 triệu đồng/lượng trong năm nay"./. Đức Duy (Vietnam+)

Nguồn TTXVN: http://www.vietnamplus.vn/home/vang-trong-nuoc-kho-vuot-nguong-30-trieu-dongluong/20105/46850.vnplus