Vang vọng khúc tráng ca Điện Biên

69 năm đã đi qua kể từ Ngày Chiến thắng Điện Biên Phủ (7-5-1954 - 7-5-2023) “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, nhưng khí thế, quyết tâm của toàn dân tộc Việt Nam trong “56 ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt” vẫn còn vẹn nguyên qua những lời ca, điệu nhạc hào hùng.

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa, đi cùng với những chiến sĩ Điện Biên anh hùng còn có lực lượng văn nghệ sĩ. Bằng tình cảm, trách nhiệm của người nghệ sĩ trước thời đại, nhiều nhạc sĩ đã trở thành những nhà chép sử bằng âm nhạc. Để đến hôm nay, mỗi lần nhắc tới chiến thắng Điện Biên Phủ, trong lòng mỗi người lại thầm vang lên những lời ca, điệu nhạc như: Qua miền Tây Bắc, Hành quân xa, Trên đồi Him Lam, Giải phóng Điện Biên… Những ca khúc bất hủ đó không chỉ kịp thời cổ vũ tinh thần quân, dân trong thời khắc lịch sử hào hùng của dân tộc, mà còn góp phần lưu giữ, lan tỏa giá trị của chiến thắng Điện Biên Phủ trong lòng mỗi người dân Việt Nam.

Hình ảnh về chiến thắng Điện Biên Phủ. Ảnh tư liệu.

Bài hát Qua miền Tây Bắc được nhạc sĩ Nguyễn Thành viết vào năm 1952, khi ông đang tham gia chiến dịch Tây Bắc. Đây là một trong những ca khúc hay về Điện Biên. Điều mang đến cảm nhận đặc biệt cho công chúng đến từ địa danh đèo Khâu Vạc - một cửa ngõ tiến vào Điện Biên, nơi nhạc sĩ ngồi viết ca khúc này. Nhưng yếu tố quan trọng hơn chính là giá trị nghệ thuật to lớn của tác phẩm. Ca khúc đầy chất thơ và cũng rất hiện thực đã vẽ bức tranh Tây Bắc với suối sâu, đèo cao thật đẹp. Vẻ đẹp của quê hương Tây Bắc như càng thúc giục mỗi người con, người chiến sĩ quyết tâm đánh đuổi quân thù để quê hương không phải chịu cảnh đau thương đô hộ. Với tấm lòng chân thật, nghĩa tình đối với Tây Bắc, nhạc sĩ đã khắc họa thành công quyết tâm, ý chí của quân dân ta: “Qua miền Tây Bắc núi vút ngàn trùng xa/Suối sâu đèo cao bao khó khăn vượt qua/Bộ đội ta vâng lệnh Cha già/Về đây giải phóng quê nhà/Đất nước miền Tây Bắc đau thương từ bao lâu dưới ách loài giặc tàn ác/Quân với dân một lòng không phân biệt xuôi ngược/Cùng đồng tâm tiêu diệt hết quân thù”.

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, nhạc sĩ Đỗ Nhuận đã trực tiếp theo bước chân những chiến sĩ Điện Biên trên khắp các mặt trận để vừa tham gia biểu diễn phục vụ, cổ vũ tinh thần chiến sĩ, vừa sáng tác, ghi lại những cảm xúc, tình cảm chân thật nhất về chiến dịch lịch sử của dân tộc. Chính vì thế, ông đã đóng góp vào kho tàng âm nhạc dân tộc 3 ca khúc xuất sắc ở thời điểm trước, trong và sau khi chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng. Trong đó, ca khúc Hành quân xa đã phản ánh chân thực cuộc chiến tranh chính nghĩa, hào hùng của dân tộc ta. Theo lời kể của nhạc sĩ Đỗ Nhuận được ghi lại trong một số tài liệu, năm 1953, ông cùng các chiến sĩ hành quân từ huyện Đại Từ (tỉnh Thái Nguyên) qua đèo Khế đến Thượng Bằng La (tỉnh Yên Bái). Đoàn quân di chuyển ngày đêm nhưng lại chưa biết địa điểm tập kết ở đâu. Trong lúc nghỉ chân giữa chặng hành quân, nhiều ý kiến bàn luận, phán đoán và có một đồng chí đứng lên nói lớn: “... Đời chúng ta, đâu có giặc là ta cứ đi”. Chính câu nói này đã trở thành xúc cảm để ông viết nên ca khúc Hành quân xa. Bài hát với ca từ giản dị, tự nhiên, ngắn gọn nhưng vô cùng sâu sắc: “Hành quân xa dẫu có nhiều gian khổ/Vai vác nặng ta đã đổ mồ hôi… Chí căm thù bởi bọn thực dân nó áp bức/Đời chúng ta đâu có giặc là ta cứ đi”.

Ngày 13-3-1954, chiến dịch Điện Biên Phủ bắt đầu với trận Him Lam. Chỉ sau 5 giờ chiến đấu, bộ đội ta đã chiếm và làm chủ được cứ điểm này. Trong niềm vui thắng trận, nhạc sĩ Đỗ Nhuận đã sáng tác ca khúc Trên đồi Him Lam thể hiện khí thế chiến đấu hừng hực của quân ta với ý chí, khát vọng chiến thắng, khát vọng hòa bình. Bài hát ra đời đã kịp thời cổ vũ mạnh mẽ tinh thần của quân và dân ta: “Hôm qua đánh trận Điện Ɓiên/Ϲhiến hào xuất kích đồi Him Lam ta tiến vào/Đột phá, tiêm đao tiến đánh vào/Đi mở đường thắng lợi ba tháng đổ mồ hôi ta tới đâу/Quуết diệt cho hết quân thù…”. Bài hát được cất lên giữa chiến trường như lời thúc giục bước chân của những người lính Điện Biên thêm vững vàng. Từ thắng lợi của trận đánh, thông qua lời bài hát, nhạc sĩ Đỗ Nhuận cũng đã dự cảm về thắng lợi của toàn chiến dịch Điện Biên.

Và dự cảm đó đã thành hiện thực. “Ngày 7-5-1954, chúng tôi đang cuốc, rải đá thì vào buổi chiều, một đồng chí liên lạc từ mặt trận đạp xe qua, reo to: Mường Thanh địch hàng rồi! Giải phóng Điện Biên rồi. Tất cả đoàn văn công ngừng tay cuốc, ôm nhau nhảy không cần nhạc đệm… Tôi lại đàn, lại hát. Đêm hôm đó, tôi ngồi viết bên bếp nhà sàn đỏ lửa, thâu đêm, suốt sáng... ” (trích hồi ký Âm thanh cuộc đời của nhạc sĩ Đỗ Nhuận). Bài hát Giải phóng Điện Biên đã được nhạc sĩ sáng tác trong niềm hân hoan trước tin thắng trận như thế, để trong suốt 69 năm qua và mãi đến mai sau, ca khúc này luôn đồng hành với chiến thắng Điện Biên Phủ. Mỗi dịp kỷ niệm Ngày Chiến thắng Điện Biên Phủ, chúng ta lại tự hào cất lên lời ca: “Giải phóng Điện Ɓiên, bộ đội ta tiến quân trở về/Giữa mùa nàу hoa nở, miền Tâу Ɓắc tưng bừng vui/Ɓản mường xưa nương lúa mới trồng/Kìa đàn em bé giữa đồng nắm taу xòe hoa…”. Bài hát vừa thể hiện được không khí mừng vui ngày giải phóng, vừa là lời tri ân đến những lực lượng đã cùng nhau hợp thành sức mạnh trong chiến dịch, từ những người dân công tiền tuyến âm thầm thồ lương, tải đạn tiếp tế cho chiến trường, đến những chiến sĩ Điện Biên anh hùng, dũng cảm vượt qua nguy nan; đồng bào Tây Bắc thắm đượm nghĩa tình... Đặc biệt thông qua bài hát đã nói hộ tình cảm của quân dân từ chiến trường Điện Biên kính dâng lên Bác Hồ. Bài hát cũng truyền đi thông điệp về xây dựng đất nước, góp phần dựng xây hòa bình hôm nay.

Giang Đình

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/chinh-tri/202305/vang-vongkhuc-trang-ca-dien-bien-cf71eca/