Vành đai bất khả xâm phạm của tổng thống Mỹ

Nhân sự kiện Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần 2 được tổ chức ở Việt Nam, vấn đề an toàn của Tổng thống Donald Trump một lần nữa thu hút sự quan tâm của dư luận.

Nhân chuyến thăm Việt Nam để tham dự Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần 2, vấn đề an toàn của Tổng thống Donald Trump một lần nữa thu hút sự quan tâm của dư luận.

Nhân chuyến thăm Việt Nam để tham dự Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần 2, vấn đề an toàn của Tổng thống Donald Trump một lần nữa thu hút sự quan tâm của dư luận.

Hàng loạt biện pháp bảo vệ được triển khai nhằm đảm bảo an toàn tối đa cho nhà lãnh đạo Mỹ, từ đội ngũ mật vụ cho đến xe bọc thép, máy bay trang bị tối tân...

Các mật vụ Mỹ phụ trách bảo vệ Tổng thống Donald Trump (và các đời tổng thống Mỹ) cùng gia đình ông thuộc Đơn vị Bảo vệ Tổng thống (PPD). Theo Jeffrey Robinson, đồng tác giả cuốn tự truyện của cựu đặc vụ Joseph Petro – "Đứng cạnh lịch sử", các mật vụ Mỹ được đào tạo về y tế để bảo vệ cả tính mạng tổng thống trong trường hợp khẩn cấp.

Khi tháp tùng tổng thống ở bên ngoài, họ luôn giữ hành trình cách bệnh viện hoặc trung tâm điều trị chấn thương không quá 10 phút di chuyển. Ngoài ra, các mật vụ còn mang theo túi máu trong đoàn xe hộ tống để nếu cần sẽ truyền máu tại chỗ.

Năm 1981, cố Tổng thống Ronald Reagan được cứu sống trong một vụ ám sát nhờ vào khả năng chẩn đoán của các mật vụ. Sau khi bị bắn, ông Reagan nghĩ mình chỉ bị thương nhẹ ở sườn và kế hoạch là đưa ông tới Nhà Trắng. Nhưng lúc ở trên xe, đặc vụ Jerry Parr phát hiện có máu đỏ tươi chảy ra từ miệng của tổng thống, dấu hiệu cho thấy ông bị chảy máu từ phổi. Các mật vụ quyết định chuyển tổng thống đến bệnh viện để phẫu thuật.

Trở thành mật vụ đồng nghĩa với việc những nhân viên đặc biệt này sẽ phải theo sát tổng thống như hình với bóng, từ phòng tắm cho đến trung tâm y tế. Họ cũng luôn luôn dò xét cả bạn bè, hàng xóm, cộng sự... nhằm xác định đó có phải là một mối đe dọa hay không.

Mật vụ bảo vệ tổng thống Mỹ

Mật vụ Mỹ thường quay phim các hoạt động của tổng thống và đoàn xe hộ tống để xem lại nếu xảy ra một cuộc tấn công. Chẳng hạn vụ một người nào đó ném đồ vật vào Tổng thống Donald Trump tại khu nghỉ dưỡng tại Mar-a-Lago, bang Florida, các mật vụ có thể xác định nghi phạm nhờ vào đoạn video ghi lại vụ việc.

Các mật vụ cũng giám sát đồ ăn thức uống mà tổng thống sử dụng, đảm bảo chúng không bị bỏ thuốc độc. Trong khi tổng thống đi công cán, đầu bếp của hải quân Mỹ sẽ đi cùng để chuẩn bị thức ăn. Tại khách sạn mà tổng thống lưu trú, các mật vụ sẽ kiểm tra mọi ngóc ngách cùng với lý lịch của nhân viên phục vụ tại đó. Sở Mật vụ cũng kiểm soát toàn bộ tầng trên và tầng dưới phòng của tổng thống, thậm chí dự bị một thợ sửa thang máy trong trường hợp tổng thống bị mắc kẹt.

Một điều khá thú vị, đó là các mật vụ hợp tác với các nhà sản xuất mực viết để khi cần, họ có thể xác định và thu hẹp đối tượng sử dụng giấy tờ dùng loại mực này và nơi bán. Nó tương tự như cách các nhà sản xuất thuốc nổ xác định vật liệu nổ.

[Video] Lịch sử về Mật vụ Mỹ (Nguồn: CNN)

Mật vụ Mỹ thường đeo kính râm. Điều này giúp họ quan sát những hành động đáng ngờ xung quanh mà không cần chuyển động nhiều. Kính còn giúp các mật vụ tránh bị chất lỏng hoặc vật thể ném vào mắt họ.

Tùy thuộc vào mỗi chuyến đi, sẽ có khoảng 3-8 máy bay phục vụ Tổng thống Donald Trump và đoàn tùy tùng. Trong đó, đáng chú ý là chuyên cơ Không lực 1, máy bay vận tải của Không quân Mỹ (thường là "Ngựa thồ" C17, chở xe hơi chống đạn, trực thăng Marine One và các phương tiện hỗ trợ khác của Mật vụ Mỹ), 1-4 máy bay chiến đấu hộ tống và 1 máy bay dành cho phóng viên/nhân viên khác (nếu cần thiết).

Không lực 1 (Air Force One)

Về Không lực 1, đây là loại máy bay Boeing 747-200B được thiết kế lại cho phù hợp với mục đích bảo vệ nhà lãnh đạo Mỹ. Chúng được mua dưới thời chính quyền Tổng thống Ronald Reagan và bắt đầu phục vụ từ năm 1990 dưới thời Tổng thống George H. W. Bush. Tuy nhiên, do Boeing đã ngừng sản xuất 747-200 cách đây vài năm nên việc thay thế các bộ phận của máy bay trở nên cực kỳ khó khăn, theo trang Defense One.

Không lực 1 được ví như "Phòng Bầu dục bay" hoặc trung tâm chỉ huy di động trong trường hợp xảy ra một cuộc tấn công vào nước Mỹ. Nó có diện tích khoảng 370 m2, bao gồm phòng tổng thống, phòng hội nghị và thiết bị điện tử hiện đại (87 điện thoại và hệ thống hội nghị truyền hình). Ngoài ra, trên máy bay còn có 2 nhà bếp đủ phục vụ 100 người cùng lúc và phòng y tế. Không lực 1 có thể chứa được 70 người, bao gồm khu vực dành cho các cố vấn cấp cao, nhân viên mật vụ, phóng viên và khách mời đi cùng.

Chuyên cơ Không lực 1 dùng để chở Tổng thống Mỹ

Máy bay trang bị thiết bị gây nhiễu điện tử và pháo sáng để đánh lạc hướng tên lửa tầm nhiệt, đồng thời có khả năng tiếp liệu trên không. Nó có thể bay với tốc độ tối đa là 965 km/giờ và độ cao tối đa 13,75 km. Để so sánh, các máy bay thương mại thường bay ở độ cao khoảng 9,1 km. Dưới thời Tổng thống Barack Obama, Không lực 1 tiêu tốn 206.337 USD cho mỗi giờ bay.

Marine One

Không đình đám như chiếc Không lực 1 nhưng trực thăng Marine One – tên gọi của VH-3D Sea King hoặc VH-60N White Hawk – cũng được sử dụng trong các chuyến công du của tổng thống Mỹ. Marine One được trang bị các thiết bị liên lạc hiện đại, giúp tổng thống Mỹ kết nối với Nhà Trắng và Lầu Năm Góc ở bất cứ đâu, vào bất cứ thời gian nào và hệ thống phòng thủ chống tên lửa.

Tổng thống Mỹ bên chiếc trực thăng Marine One

Không được trang bị vũ khí tấn công nhưng Marine One cũng có pháo sáng đánh lừa tên lửa tầm nhiệt hay thiết bị gây nhiễu xạ để chống tên lửa dẫn đường bằng radar cùng hệ thống đối phó hồng ngoại.

"Ngựa thồ" C-17

Máy bay vận tải Boeing C-17 Globemaster III.

Trong khi đó, Boeing C-17 Globemaster III - một trong những máy bay vận tải quân sự chủ lực của Không quân Mỹ - là máy bay không thể thiếu khi tổng thống Mỹ công du nước ngoài.

Nó có thể chở theo 77 tấn hàng hóa, 102 lính dù, tối đa 134 binh sĩ, hoặc kết hợp 36 bệnh nhân và 54 bệnh nhân cấp cứu. Ngoài ra, C-17 có thể chở được 1 xe tăng chiến đấu chủ lực M1 Abrams, 3 xe bọc thép Stryker, 6 xe bọc thép nhẹ M117, 2 trực thăng và một số thiết bị quân sự khác.

Khi công du nước ngoài, Tổng thống Donald Trump thường sử dụng chiếc limousine chống bom có biệt danh "The Beast" (Quái thú). Chiếc xe nặng khoảng 8 tấn, được C17 vận chuyển tới địa điểm mà nhà lãnh đạo Mỹ lưu trú.

Xe trang bị nguồn cung cấp oxy ở phía sau. Chiếc limousine chống đạn này trị giá khoảng 2 triệu USD, chứa một kho vũ khí gồm súng máy, súng bắn đạn ghém và bình xịt hơi cay. "Quái thú" được trang bị lốp chống đạn gia cố bằng Kevlar, camera quan sát ban đêm, hệ thống GPS, khung xe gia cố bằng thép và hệ thống cứu hỏa.

"Quái thú" có 7 chỗ ngồi, cửa bọc thép dày 20 cm, nặng tương đương với một chiếc máy bay Boeing 747. Nó có khả năng chống lại một cuộc tấn công bằng hóa học hoặc sinh học.

Một điện thoại vệ tinh lắp đặt trong xe cho phép tổng thống liên lạc ở bất cứ nơi nào trên thế giới. Thông thường, đoàn xe hộ tống tổng thống Mỹ có 2 chiếc limousine khác nhau, một trong hai chiếc được dùng làm mồi nhử hoặc dự phòng nếu có vấn đề phát sinh.

“Quái thú” chống đạn của Tổng thống Mỹ

Nhắc tới đoàn xe hộ tống không thể không kể đến 20-30 mô-tô của cảnh sát địa phương, làm nhiệm vụ dẹp đường để tổng thống Mỹ di chuyển thuận lợi và an toàn. Theo sau đó là các phương tiện bảo vệ thứ cấp, có thể tách ra và hoạt động độc lập nếu bị tấn công.

Phía trước nhóm này là một chiếc xe đặc biệt trang bị cột sóng tần số vô tuyến để phát hiện và vô hiệu hóa bom điều khiển từ xa.

Thực hiện:

Phạm Nghĩa - Lê Duy

Ảnh: AP, Mentalfloss, Military Machine…

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/emagazine-vanh-dai-bat-kha-xam-pham-cua-tong-thong-my-20190226153552786.htm