'Vành đai và Con đường' của Trung Quốc đang thay đổi

Khi lịch sử Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) được viết ra, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã gọi đây là 'dự án của thế kỷ'. Thực tế là sau khi Trung Quốc chi hơn 1 nghìn tỷ USD để xây dựng một mạng lưới các dự án cơ sở hạ tầng trên khắp các quốc gia có thị trường mới nổi được thiết kế để kết nối phần lớn nền kinh tế toàn cầu với Bắc Kinh, các rạn nứt đang bắt đầu hình thành. Nguồn tài trợ đang cạn kiệt, các dự án hiện tại đang tan rã và các nước tiếp nhận đang chìm trong nợ nần. Giới phân tích cho rằng, chiến lược BRI quá lớn để biến mất trong một sớm một chiều nhưng nó sẽ phải thay đổi nhanh chóng để phù hợp với thời cuộc.

Từ dự án của thế kỷ…

Với triển vọng kinh tế toàn cầu đang yếu đi, đã đến lúc đặt ra một số câu hỏi hóc búa về tương lai của BRI và cách Trung Quốc có thể xoay trục các nỗ lực chính sách đối ngoại của mình trong tương lai gần để giải quyết các thách thức đặc hữu của BRI.

Áp phích quảng bá dự án "Vành đai và Con đường" ở Trung Quốc. Nguồn: China Daily

BRI là một phương tiện để mở rộng ảnh hưởng của Trung Quốc trên các thị trường mới nổi, từ châu Á đến Nam Mỹ. Vào giữa những năm 2010, khi BRI đạt được động lực thực sự, các dự án của BRI cũng thổi hy vọng cho các thị trường mới nổi.

Từ Diễn đàn Kinh tế Thế giới cho đến các trang báo tài chính, các thị trường mới nổi được coi là phép màu kinh tế vĩ đại tiếp theo. Kết nối tốt hơn thông qua điện thoại thông minh và liên kết hàng không mang lại hy vọng rằng một tầng lớp trung lưu mới sẽ phát sinh từ Kenya đến Kazakhstan. Được thúc đẩy bởi tốc độ đô thị hóa nhanh và tỷ lệ sinh thậm chí còn nhanh hơn, tầng lớp trung lưu này sẽ thúc đẩy nền kinh tế toàn cầu lên một tầm cao mới.

Là siêu cường thế giới gần các trung tâm dân số này nhất, Trung Quốc đã nhanh chóng di chuyển để hòa mình vào những làn sóng kinh tế đang thay đổi này. Bắc Kinh háo hức kết nối các tổ chức hoạt động kinh tế mới này với nền kinh tế Trung Quốc thông qua việc triển khai các chương trình cơ sở hạ tầng, các khoản vay giá rẻ và quan hệ đối tác công nghệ.

TikTok, ứng dụng truyền thông xã hội lan truyền của Trung Quốc đã gây bão trên toàn thế giới, được cho là một nhánh của sự mở rộng này.

BRI là “dự án của thế kỷ”, theo cách nói của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, sẽ định hình lại trật tự toàn cầu với Trung Quốc ở trung tâm.

Điều này hoàn toàn có thể xảy ra trong thời đại duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng được thúc đẩy bởi lãi suất thấp và tăng trưởng kinh tế vượt bậc của Trung Quốc. Nhưng bức tranh hiện nay ảm đạm hơn. Nền kinh tế Trung Quốc đang phải vật lộn để lấy lại tốc độ tăng trưởng cao trước suy thoái kinh tế toàn cầu và những hạn chế liên tục từ đại dịch Covid-19.

Vấn đề phức tạp hơn là sự tức giận từ một số quốc gia về chất lượng của các dự án BRI của họ. Tạp chí Phố Wall gần đây đã đưa tin về một số dự án BRI từ Ecuador đến Zambia đã gặp phải những sai sót nghiêm trọng trong xây dựng.

Dự án thủy điện Coca Codo Sinclair trị giá 2,7 tỷ USD của Ecuador là một ví dụ điển hình. Hàng ngàn vết nứt đã xuất hiện trong nhà máy do Trung Quốc xây dựng. Vì đây là một trong những nguồn cung cấp năng lượng lớn nhất ở Ecuador, việc sửa chữa nhà máy có thể đẩy đất nước này lún sâu hơn vào nợ nần.

Sự thất bại trong các dự án BRI đang làm gia tăng thêm những nghi ngờ rằng việc Trung Quốc thúc đẩy các hoạt động cho vay (được gọi là ngoại giao bẫy nợ) đã góp phần gây ra khủng hoảng nợ ở những nơi như Sri Lanka. Các nhà phê bình khác thì cho rằng, Trung Quốc đã quá tích cực xây dựng các dự án thường không phù hợp với cơ sở hạ tầng hiện có của một quốc gia hoặc dẫn đến làm ảnh hưởng đến môi trường.

đến Vành đai và Con đường 2.0

Năm ngoái, chính phủ Trung Quốc đã lặng lẽ thực hiện một số thay đổi đối với cấu trúc của BRI. Được mệnh danh là Vành đai và Con đường 2.0 trong các cuộc thảo luận nội bộ, các thị trường chính sách của Trung Quốc đã đồng ý đánh giá các dự án mới một cách chặt chẽ hơn và cho phép đàm phán lại các khoản nợ, vốn là một ranh giới đỏ trước đây.

Những thay đổi có thể sẽ tiếp tục nếu nền kinh tế toàn cầu bước vào suy thoái kéo dài và các dự án thất bại. Các nhà kinh tế Sebastian Horn, Carmen Reinhart và Christoph Trebesch được tờ Wall Street Journal dẫn lời nói rằng các quốc gia gặp khó khăn tài chính nắm giữ gần 60% các khoản vay nước ngoài của Trung Quốc. Con số này được so sánh với chỉ 5% trong năm 2010.

Phá vỡ tình trạng đôla hóa dầu mỏ

Khi BRI tiếp tục gặp khó khăn, các nhà lãnh đạo hàng đầu của Trung Quốc đang tái tập trung vào các mục tiêu chính sách đối ngoại của họ với một cú hích mới ở Trung Đông. Một trong những mục tiêu chính sách đối ngoại dài hạn của Trung Quốc là phá vỡ giao dịch dầu mỏ bằng đồng đôla để dầu được mua và bán bằng các loại tiền tệ khác. Để đạt được mục đích đó, các công ty Trung Quốc đã đầu tư rất nhiều vào các nước sản xuất dầu mỏ. Trung Quốc thậm chí còn ra giá mua cổ phần đáng kể trong Saudi Aramco.

Chủ tịch Trung Quốc gần đây đã tới vùng Vịnh và tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Trung Quốc-Ảrập đầu tiên tại Ảrập Xêút. Tại đây, Bắc Kinh cam kết hợp tác kinh tế sâu sắc hơn trên nhiều lĩnh vực khác nhau. Trọng tâm thực sự là về dầu mỏ và đảm bảo cho Trung Quốc nhập khẩu nhiều dầu thô từ Trung Đông hơn.

BRI quá lớn để có thể biến mất chỉ sau một đêm nhưng nó sẽ phải thay đổi nhanh chóng. Khi những người cổ vũ cho các nền kinh tế thị trường mới nổi im lặng, Trung Quốc đang âm thầm điều chỉnh lại các mục tiêu đối ngoại của mình, từ các dự án được xây dựng chưa bảo đảm ở các quốc gia đang nợ nần sang các lĩnh vực hứa hẹn mang lại lợi nhuận thực sự.

Phá vỡ giao dịch dầu mỏ bằng đồng đôla là một trong những lĩnh vực như vậy. Điều này có nghĩa là trong thời gian tới, chúng ta sẽ chứng kiến các nhà lãnh đạo Trung Quốc bận rộn hơn nữa ở Trung Đông nhiều hơn nữa.

Quốc Đạt

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/viet-nam-va-the-gioi/vanh-dai-va-con-duong-cua-trung-quoc-dang-thay-doi-i316639/