'Vành đai xanh' chống biến đổi khí hậu

Dọc đê Đồng Môn (TP Hà Tĩnh), những cánh rừng ngập mặn của dự án IWMC Hà Tĩnh đang phủ một màu xanh mướt mắt, tạo nên một hệ sinh thái bảo vệ đê biển và cải tạo môi trường khu vực.

Rừng ngập mặn là một trong những công trình ưu tiên được dự án "Quản lý nguồn nước tổng hợp và phát triển đô thị trong mối liên hệ với biến đổi khí hậu (BĐKH) tại Hà Tĩnh" (gọi tắt là dự án IWMC Hà Tĩnh) triển khai nhằm mục tiêu tăng cường nhận thức, năng lực cho cán bộ và người dân địa phương về trồng mới, phục hồi và bảo vệ rừng ngập mặn; bảo tồn đa dạng sinh học và ứng phó với BĐKH; cải thiện sinh kế cho người dân địa phương...

Người dân xã Thạch Hạ trồng rừng ngập mặn từ nguồn tài trợ của dự án IWMC

Theo đó, dự án triển khai trồng mới 5 ha rừng ngập mặn ở thôn Liên Hạ, xã Thạch Hạ và 13 ha rừng ngập mặn tại thôn Tiền Tiến, xã Thạch Môn (TP Hà Tĩnh). Ngoài ra, dự án còn trồng xem dắm hơn 7ha rừng ngập mặn ở thôn Tiền Tiến, xã Thạch Môn.

Rừng ngập mặn được trồng mới tại xã Thạch Môn

Ông Trần Đình Quang – điều phối viên Dự án IWMC Hà Tĩnh cho biết: “Những cánh rừng ngập mặn này được trồng từ tháng 10 và đến nay đều đang phát triển tốt. Với dải rừng ngập mặn dọc đê Đồng Môn, dự án mong muốn tạo nên một vành đai chống BĐKH, giảm nhẹ tác động bất lợi của thiên tai, bảo vệ đê biển và cải tạo môi trường khu vực”. Không chỉ chống BĐKH, những cánh rừng ngập mặn sẽ giúp gia tăng nguồn lợi hải sản, từ đó góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân địa phương.

Ngoài 18 ha diện tích trồng mới, dự án còn trồng xen dắm hơn 7ha rừng ngập mặn

Hiện nay, toàn bộ diện tích rừng ngập mặn trồng mới và xen dắm đã được hoàn thành và bàn giao cho chính quyền địa phương quản lý. Không chỉ ưu tiên Hà Tĩnh trồng rừng ngập mặn, Dự án IWMC còn hỗ trợ Hà Tĩnh xây dựng công trình vườn ươm cây rừng ngập mặn tại xã Thạch Môn (TP Hà Tĩnh).

Trên nền diện tích 11.460 m2, dự án đang xây dựng nhà điều hành, hệ thống lưới che, hệ thống cấp điện, hệ thống bơm nước… của vườn ươm rừng ngập mặn. Một khi đi vào hoạt động, vườn ươm rừng ngập mặn sẽ góp phần tạo ra nguồn cây giống ổn định và có tỉ lệ sống cao, phù hợp với đặc điểm khí hậu, thổ nhưỡng vùng nước lợ của Hà Tĩnh, từ đó góp phần phủ xanh, chống xói lở cho bờ đê.

Trồng rừng ngập mặn, dự án giúp người dân địa phương tạo thêm nhiều sinh kế

Ông Nguyễn Tuấn Anh – Chủ tịch UBND xã Thạch Môn, TP Hà Tĩnh nhấn mạnh: “Sau một thời gian diện tích bị mai một, Thạch Môn được dự án hỗ trợ trồng mới và trồng xen dắm rừng ngập mặn nhằm mục đích xây dựng vành đai xanh chắn sóng, bảo vệ đê đập, phòng chống sạt lở ven sông. Là địa phương trực tiếp được hưởng lợi của dự án, chúng tôi sẽ quản lý và khai thác rừng ngập mặn hợp lý để phát triển phong phú các quần thể sinh vật ven cửa sông nhằm tạo sinh kế cho người dân trên địa bàn”.

Dự án IWMC Hà Tĩnh nằm trong chương trình hợp tác Việt - Bỉ về ứng phó với BĐKH giai đoạn 2013-2019, là một trong 4 dự án thành phần (cùng với dự án thực hiện ở tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận và 1 ban hỗ trợ kỹ thuật đặt tại Bộ KH&ĐT). Dự án được Vương quốc Bỉ tài trợ 7,8 triệu EURO và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam trị giá 1 triệu EURO, được thực hiện trong vòng 6 năm (2013-2019), trong đó, tập trung vào TP Hà Tĩnh, TX Hồng Lĩnh và các vùng phụ cận. Mục tiêu của dự án là hỗ trợ phát triển thể chế tỉnh Hà Tĩnh về quản lý nguồn nước tổng hợp và phát triển đô thị liên quan đến BĐKH tại tỉnh Hà Tĩnh.

Phan Trâm

Nguồn Hà Tĩnh: http://baohatinh.vn/kinh-te/vanh-dai-xanh-chong-bien-doi-khi-hau/166784.htm