Vào cuộc chạy đua mới, Covid-19 trước nguy cơ 'chủ nghĩa dân tộc vaccine'

Cuộc chạy đua để giành mua vaccine phòng dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 là một cuộc cạnh tranh vô cùng khốc liệt. Đây là nỗi lo ngại của các cơ quan y tế toàn cầu, vốn đang lên kế hoạch mua số lượng lớn và phân phối vaccine một cách công bằng trên toàn thế giới.

Nhiều người lo ngại rằng, việc cung cấp và phân phối loại vaccine phòng dịch bệnh Covid-19 sẽ giống như lần xảy ra dịch cúm H1N1 năm 2009-2010. (Nguồn: National Herald)

Xu thế nguy hiểm

Các cơ quan y tế toàn cầu đang theo dõi tình hình bào chế và thử nghiệm vaccine với tâm trạng bất an vì một số nước giàu có hơn đã quyết định hành động một mình, ký kết thỏa thuận với các nhà sản xuất thuốc để đảm bảo họ sẽ có hàng triệu liều vaccine cho công dân nước mình.

Theo các chuyên gia, các thỏa thuận này - bao gồm thỏa thuận của Mỹ, Anh và Liên minh châu Âu (EU) với các hãng như Pfizer, BioNtech, AstraZeneca và Moderna - đang làm suy yếu nỗ lực của toàn cầu.

Seth Berkley, người đứng đầu Liên minh toàn cầu về vaccine và tiêm chủng mở rộng (GAVI), một đơn vị đồng sáng lập chương trình có tên gọi COVAX nhằm đảm bảo vaccine Covid-19 được phân phối nhanh chóng và công bằng trên toàn cầu, nói: "Việc mọi người đều ký kết các thỏa thuận song phương không phải là biện pháp tối ưu".

Trong tuần này, công ty dược Pfizer cho biết họ đang đồng thời đàm phán với EU và nhiều quốc gia thành viên của liên minh này về việc cung cấp loại vaccine có khả năng sắp được điều chế thành công nhằm phòng dịch bệnh Covid-19.

Ngày 29/7, Anh tuyên bố đã đạt được một thỏa thuận nhằm đảm bảo nước này sẽ được cung cấp trước vaccine Covid-19 tiềm năng của hãng dược GlaxoSmithKline và Sanofi.

Theo tổ chức Bác sĩ không biên giới (MSF), điều này sẽ thúc đẩy "một cuộc tranh cướp để dự trữ vaccine giữa các nước giàu", và tạo ra "xu thế nguy hiểm về chủ nghĩa dân tộc vaccine".

Nhiều người lo ngại rằng, việc cung cấp và phân phối loại vaccine phòng dịch bệnh Covid-19 sẽ giống như lần xảy ra dịch cúm H1N1 năm 2009-2010, khi đó các nước giàu đã mua toàn bộ số vaccine có sẵn, khiến lúc ban đầu các nước nghèo không mua được vaccine.

Từ ví dụ này, do bệnh cúm H1N1 là một bệnh nhẹ hơn so với Covid-19 và dịch cúm này cuối cùng cũng kết thúc, nên việc vaccine không được phân phối đồng đều chỉ gây ảnh hưởng ở mức hạn chế.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, dịch Covid-19 là một mối đe dọa lớn hơn nhiều, và việc để người dân trên thế giới bị mắc bệnh không chỉ làm hại tới riêng cá nhân họ, mà còn khiến dịch bệnh lây lan rộng hơn và thiệt hại mà dịch này gây ra sẽ vô cùng khủng khiếp.

Gayle Smith, từng là người đứng đầu Cơ quan Phát triển Quốc tế của Mỹ và hiện là CEO của One Campaign - một tổ chức phi lợi nhuận hoạt động vì mục đích xóa bỏ tình trạng đói nghèo và các bệnh có thể phòng tránh, nói: "Một số nước đang làm chính xác điều mà chúng ta lo sợ - đó là họ chỉ đặt lợi ích của mình lên trên hết".

Nguồn cung có hạn

Hơn 75 quốc gia giàu có hơn, trong đó có Anh, đã bày tỏ quan tâm tới việc hỗ trợ tài chính cho chương trình COVAX - vốn cũng là chương trình có sự phối hợp với Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Liên minh Đổi mới sáng tạo sẵn sàng cho dịch bệnh (CEPI), nhằm hỗ trợ cho 90 quốc gia nghèo hơn - những nước sẽ được hỗ trợ thông qua chương trình tài trợ này.

Tuy nhiên theo GAVI, Mỹ, Trung Quốc và Nga không nằm trong số các nước bày tỏ quan tâm tới COVAX. Và một nguồn tin của EU tuần trước cho biết Ủy ban châu Âu - cơ quan hành pháp của khối EU và cũng là cơ quan dẫn dắt các cuộc đàm phán của EU với các hãng dược, đã khuyên các nước EU không nên mua vaccine Covid-19 thông qua chương trình COVAX.

Thomas Bollyky, Giám đốc Chương trình Y tế toàn cầu của Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, nói: "Cuối cùng thì nguồn cung vaccine chỉ có hạn. Chúng ta có thể mở rộng nhưng chỉ ở mức hạn chế".

Các chuyên gia ước tính thế giới có thể hy vọng một cách có cơ sở rằng sẽ có khoảng 2 tỷ liều vaccine Covid-19 vào cuối năm 2021, nếu nhiều "ứng viên" vaccine Covid-19 được chứng minh có hiệu quả trong các cuộc thử nghiệm cuối cùng đang được tiến hành.

Mục tiêu của COVAX là phân phối vaccine Covid-19 cho ít nhất 20% tổng số dân của các nước đã đăng ký tham gia chương trình.

Thêm 2 năm nữa?

Tuy nhiên, ông Berkley của liên minh GAVI cảnh báo rằng nếu các quốc gia và khu vực chỉ vì lợi ích riêng, tìm cách thu mua vaccine để cung cấp cho toàn bộ dân số của mình thay vì chia sẻ với các nước khác và bảo vệ những người có nguy cơ cao nhất trước tiên, thì đại dịch Covid-19 sẽ không thể được kiểm soát.

Ông nói: "Ví dụ, nếu bạn tìm cách chủng ngừa cho toàn bộ người dân Mỹ, (và) toàn bộ công dân EU, với đủ hai liều vaccine, như vậy sẽ cần 1,7 tỷ liều vaccine. Và nếu đó đó là toàn bộ số vaccine có trên thế giới thì không còn lại gì cho các nước khác".

Theo ông, nếu một nhóm các quốc gia, hoặc thậm chí 30 hay 40 quốc gia có được vaccine, nhưng hơn 150 nước khác thì không, vậy "đại dịch này sẽ vẫn hoành hành".

Ông Berkley, ông Smith và các chuyên gia y tế khác nói rằng việc xóa bỏ đại dịch nghĩa là phải xóa bỏ nó trên toàn cầu. "Có sự khác biệt giữa một đại dịch kéo dài 2 năm với một đại dịch kéo dài 1 năm. Những hậu quả về kinh tế và sức khỏe là rất lớn", ông này nói thêm

(theo Reuters)

Lê Na

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/vao-cuoc-chay-dua-moi-covid-19-truoc-nguy-co-chu-nghia-dan-toc-vaccine-120586.html