Vào điểm nóng phá rừng ở vùng biên giới Đác Lắc

Tình trạng phá rừng tự nhiên và rừng phòng hộ dọc theo tuyến Quốc lộ 29 khu vực giáp ranh giữa hai huyện biên giới Buôn Đôn và Ea Súp, tỉnh Đác Lắc đang diễn ra rầm rộ và nóng bỏng.

Rừng tự nhiên nằm trên địa bàn xã Cư M’lan, huyện Ea Súp cho Công ty TNHH chế biến thực phẩm và lâm nghiệp Đác Lắc quản lý bị triệt hạ.

Rừng tự nhiên nằm trên địa bàn xã Cư M’lan, huyện Ea Súp cho Công ty TNHH chế biến thực phẩm và lâm nghiệp Đác Lắc quản lý bị triệt hạ.

Mặc dù nằm ngay sát mặt đường Quốc lộ 29, hàng ngày có nhiều người và xe cộ qua lại, có lực lượng quản lý bảo vệ rừng (QLBVR) của các đơn vị..., nhưng khi diện tích rừng bị phá lên đến hơn chục ha thì mới được chủ rừng và các ngành chức năng của hai huyện Buôn Đôn và Ea Súp phát hiện. Liệu chủ rừng và các ngành chức năng của hai huyện này buông lỏng công tác QLBVR trong thời kỳ cao điểm của mùa khô Tây Nguyên hiện nay?

Từ nguồn tin báo của nhân dân, chúng tôi đã vượt gần 100 km để vào tận khu vực phá rừng thuộc lâm phần của Công ty TNHH chế biến thực phẩm và lâm nghiệp Đác Lắc nằm trên địa bàn xã Cư M’lan, huyện Ea Súp và Ban Quản lý rừng phòng hộ Buôn Đôn nằm trên địa bàn xã Krông Na, huyện Buôn Đôn, đây là vùng giáp ranh giữa hai huyện. Trời Tây Nguyên những ngày giữa tháng 3 nắng như đổ lửa, nhưng theo nguyện vọng của người dân là vụ việc phá rừng nghiêm trọng này cần phải được đưa lên công luận nên chúng tôi bất chấp nắng nóng, gian khổ và nguy hiểm để tìm đến hiện trường, được tận mắt chứng kiến cảnh phá rừng trái phép đang diễn ra ở đây.

Từ thành phố Buôn Ma Thuột, theo Tỉnh lộ 1 khoảng 60 km, chúng tôi rẻ vào Quốc lộ 29 đi thêm khoảng 20 km nữa, đây là khu vực giáp ranh giữa huyện Buôn Đôn và Ea Súp. Theo quan sát của chúng tôi, dọc theo tuyến Quốc lộ 29 thuộc địa phận của Công ty TNHH chế biến thực phẩm và lâm nghiệp Đác Lắc nằm trên địa bàn xã Cư M’lan, huyện Ea Súp quản lý và một số dự án trước đây UBND tỉnh Đác Lắc giao cho các doanh nghiệp tư nhân thực hiện dự án sản xuất nông-lâm nghiệp, nhiều diện tích trước đây là rừng tự nhiên, nay đã bị phá trắng, chỉ còn một vùng đất khô cằn và đồi núi trơ trụi giữa trời xanh. Tại những cánh rừng còn sót lại của Công ty TNHH chế biến thực phẩm và lâm nghiệp Đác Lắc và rừng phòng hộ Buôn Đôn dọc hai bên đường, cảnh rừng tự nhiên bị chặt phá không thương tiếc, cây rừng bị triệt hạ nằm ngổn ngang, cành lá khô khốc, nhiều cây bị đốt cháy đen nhẻm. Vài khu vực, diện tích rừng bị chặt phá rộng vài ha và tình trạng phá rừng ở đây diễn ra khốc liệt đúng như những gì mà người dân thông tin trước đó, khiến cho thời tiết, không khí ở vùng biên giới này vốn đã nóng bức, ngột ngạt thì nay càng trở nên nóng bức, ngột ngạt hơn.

Nhiều cây rừng có đường kính lớn bị lâm tặc triệt hạ nhưng chủ rừng và các ngành chức năng không hề hay biết.

Chúng tôi ghé vào Trạm QLBVR số 2 thuộc Ban Quản lý rừng phòng hộ Buôn Đôn nằm sát bên Quốc lộ 29, ông Nguyễn Minh Sơn, Trạm trưởng cho biết: Trạm chỉ có hai người hiện quản lý hai tiểu khu 444 và 455 với diện tích hơn 2.000 ha. Do diện tích rộng, lực lượng mỏng nên công tác QLBVR gặp rất nhiều khó khăn. Lợi dụng vào đó, trong những ngày cuối tháng 2 vừa qua, các đối tượng đã ồ ạt dùng cưa lốc vào phá rừng ở khu vực giáp ranh giữa huyện Buôn Đôn và Ea Súp, trong đó có hơn một ha tại tiểu khu 444 thuộc rừng phòng hộ Buôn Đôn do trạm quản lý. Ngay sau khi phát hiện sự việc, trạm đã báo cáo lãnh đạo Ban Quản lý rừng phòng hộ Buôn Đôn và các ngành chức năng của huyện để thống kê thiệt hại và tiến hành điều tra, xử lý đối tượng phá rừng trái phép.

“Do không có công cụ hỗ trợ, trong quá trình tuần tra, kiểm soát rừng, nếu gặp lâm tặc, chúng tôi phải nhờ sự trợ giúp của các lực lượng chức năng chứ không thể ngăn chặn được. Trong khi đó, các đối tượng ở đây thường phá rừng vào đêm tối và rất manh động, sẵn sàng tấn công lực lượng QLBVR khiến cho công tác QLBVR càng thêm khó khăn”, ông Sơn chia sẻ.

Từ hiện trường vụ phá rừng nghiêm trọng này, chúng tôi tìm vào Công ty TNHH chế biến thực phẩm và lâm nghiệp Đác Lắc, nằm ở trung tâm thị trấn Ea Súp, huyện Ea Súp cách hiện trường vụ phá rừng khoảng 25 km. Trao đổi với chúng tôi, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH chế biến thực phẩm và lâm nghiệp Đác Lắc Nguyễn Văn Quyến cho biết: Vụ phá rừng nghiêm trọng này xảy ra vào các ngày từ 26 đến 28-2 vừa qua, tại khoảnh 4 thuộc tiểu khu 296, xã Cư M’lan, huyện Ea Súp thuộc lâm phần của công ty quản lý. Qua kiểm tra hiện trường có ba đám rừng bị hủy hoại, với diện tích được đo đếm được là 8,13 ha. Hiện trường của vụ phá rừng này cho thấy có hàng trăm cây gỗ dầu, cà chít, chiêu liêu và một số cây gỗ tạp khác có đường kính từ năm đến 20cm bị cắt hạ bằng cưa lốc. Sau khi phát hiện vụ việc, công ty đã báo cáo cụ thể vụ việc cho các ngành chức năng của huyện và đang tích cực phối hợp với các ngành chức năng của huyện, tỉnh tiến hành điều tra, xử lý.

Tuy vậy, theo ghi nhận của chúng tôi tại hiện trường cho thấy có nhiều cây gỗ bị chặt hạ có đường kính trên 40cm, nhiều cây trong số đó đã được đánh số, kiểm đếm của cơ quan chức năng.

Cũng theo báo cáo của Công ty TNHH chế biến thực phẩm và lâm nghiệp Đác Lắc, trong hai ngày 6 và ngày 7-3-2019, các cơ quan chức năng của huyện Buôn Đôn phối hợp với công ty đã kiểm tra diện tích rừng bị phá tại khu vực giáp ranh với huyện Buôn Đôn và Ea Súp bằng máy định vị GPS 78, đo đến diện tích rừng bị chặt phá là 11,009 ha. Tại thời điểm thống kê rừng bị phá, vẫn chưa xác định được thủ phạm.

Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH chế biến thực phẩm và lâm nghiệp Đác Lắc Nguyễn Văn Quyến cho rằng: “Mục đích của việc phá rừng này là để lấy đất mặt tiền theo Quốc lộ 29. Hiện vẫn chưa xác định được khối lượng gỗ bị thiệt hại trên diện tích bị chặt phá là bao nhiêu, các cơ quan chức năng đang tiếp tục thống kê, kiểm đếm. Trạm bảo vệ rừng của công ty tại khu vực này có sáu nhân viên quản lý địa bàn. Tuy nhiên, do đường sá đi lại xa xôi, các đối tượng lại lợi dụng đêm vắng để phá rừng nên rất khó phát hiện. Tuy vậy, sắp tới công ty sẽ có hình thức xử lý đối với những nhân viên QLBVR ở đây vì để xảy ra vụ phá rừng nghiêm trọng này mà không phát hiện để ngăn chặn kịp thời”.

Khu vực phá rừng này nằm ngay cạnh Quốc lộ 29, giáp ranh giữa hai huyện Buôn Đôn và Ea Súp.

Vụ việc phá rừng nghiêm trọng này xảy ra đến nay đã hơn nửa tháng, nhưng theo tìm hiểu của chúng tôi thì công tác điều tra, xử lý của các ngành chức năng địa phương gặp nhiều khó khăn, do khu vực phá rừng này nằm giáp ranh giữa hai huyện Buôn Đôn và Ea Súp. Bởi theo Quyết định số 1030/QĐ-UBND ngày 16-5-2007 của UBND tỉnh Đác Lắc về việc phê duyệt kết quả rà soát, quy hoạch ba loại rừng thì vị trí rừng bị phá nêu trên tiếp giáp với khoảnh 3, 5 tiểu khu 444, xã Krông Na, huyện Buôn Đôn, nghĩa là nằm ngoài địa giới hành chính huyện Buôn Đôn. Còn theo kết quả kiểm kê rừng năm 2014, phê duyệt tại Quyết định số 255/QĐ-UBND ngày 27-1-2015 của UBND tỉnh Đác Lắc thì khu vực phá rừng thuộc lô 1, khoảnh 3; lô 1 khoảnh 5, tiểu khu 444, hiện trạng là rừng lá rộng rụng lá nghèo kiệt. Còn theo Quyết định số 1148/QĐ-UBND ngày 11-5-2009 của UBND tỉnh Đác Lắc về việc cho Công ty lâm nghiệp Chư Ma Lanh thuê 11.575,09 ha đất để sử dụng vào mục đích đất nông nghiệp và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho công ty thì vị trí rừng bị phá này thuộc khoảnh 4, tiểu khu 296, xã Cư M’lan, huyện Ea Súp. Chính vì một khu vực mà được phê duyệt thuộc nhiều tiểu khu khác nhau nên để xử lý vụ việc này, các ngành chức năng của tỉnh Đác Lắc và hai huyện Buôn Đôn, Ea Súp phải xác định lại vị trí phá rừng này thuộc tiểu khu nào, do đơn vị nào quản lý và nằm trên địa giới hành chính của huyện nào mới xác định được trách nhiệm của chủ rừng và các đơn vị liên quan. Chính những bất cập này mà khi tình trạng phá rừng xảy ra không được đơn vị, chủ rừng nào phát hiện, năng chặn kịp thời.

Hiện nay, Tây Nguyên đang trong thời kỳ cao điểm của mùa khô năm 2019, đây là thời điểm phá rừng trên địa bàn tỉnh Đác Lắc diễn ra hết sức nóng bỏng. Vì vào mùa này, tất cả mọi hướng vào rừng đều khô ráo. Bên cạnh đó, trên địa bàn hai huyện biên giới Buôn Đôn và Ea Súp, diện tích rừng tự nhiên khá nhiều, địa hình bằng phẳng nên có hàng trăm con đường để lâm tặc xâm nhập phá rừng. Thêm vào đó, Ea Súp là huyện có đông dân di cư tự do từ các tỉnh miền núi phía Bắc vào sinh sống, vào mùa khô này người dân địa phương cũng ít việc làm nên họ thường xuyên tìm cách vào rừng để khai thác gỗ theo đơn đặt hàng của các đầu nậu gỗ và phá rừng lấy đất sản xuất... Trong khi đó, lực lượng kiểm lâm mỏng, diện tích rừng tự nhiên của các huyện còn khá lớn, gây rất nhiều khó khăn trong công tác QLBVR ở đây. Thậm chí khi phát hiện bắt giữ thì các đối tượng phá rừng rất manh động, sẵn sàng chống trả quyết liệt lực lượng QLBVR để thoát thân, khiến cho áp lực giữ rừng càng lớn... Chính vì vậy, cứ vào thời kỳ cao điểm của mùa khô hàng năm, Buôn Đôn và Ea Súp trở thành điểm nóng phá rừng ở Đác Lắc.

Bài và ảnh: NGUYỄN CÔNG LÝ

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/39521302-vao-diem-nong-pha-rung-o-vung-bien-gioi-dac-lac.html