Vào lúc cam go, tinh thần sẻ chia dòng máu Việt càng ý nghĩa

Ngoài việc góp sức phòng chống dịch bệnh COVID-19, bảo vệ sức khỏe bản thân, mỗi người còn có thể chung tay giúp cộng đồng, đặc biệt là những bệnh nhân đang cần máu để duy trì sự sống, bằng cách hiến máu tình nguyện.

Hiến máu cứu người là nghĩa cử cao đẹp

Hiến máu cứu người là nghĩa cử cao đẹp

Nắm tay nhau chia sẻ những giọt máu quý giá

Cách đây 20 năm, hoạt động hiến máu tình nguyện của Việt Nam đứng trước thách thức cam go khi nguồn máu cho cấp cứu, điều trị thiếu trầm trọng, chủ yếu chỉ dựa vào người hiến máu chuyên nghiệp.

Do nhận thức về hoạt động hiến máu tình nguyện của người dân còn mờ nhạt nên đa số chưa sẵn sàng tham gia hiến máu, tinh thần, tâm lý sợ hiến máu bị ảnh hưởng đến sức khỏe, lo nhiễm bệnh, sợ cộng đồng kỳ thị…

Chính vì vậy, làm thế nào để cung cấp đủ máu để bảo đảm cho an toàn truyền máu là câu hỏi lớn luôn được đặt ra.

Để cổ động, khuyến khích toàn dân tham gia hiến máu tình nguyện, ngày 7/4/2000, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 43/2000/QĐ-TTG về việc vận động và khuyến khích nhân dân tham gia hiến máu tình nguyện. Đây là bước ngoặt quan trọng trong phong trào toàn dân hiến máu tình nguyện ở nước ta, tạo nên sự chuyển biến nhận thức mạnh mẽ và cả hành động trong mọi tầng lớp nhân dân cả nước.

Trên khắp cả nước, 20 năm qua, những giọt máu quý giá, nghĩa tình đã cứu sống hàng triệu người bệnh, tạo nên phong trào có sức lan tỏa mạnh mẽ trong toàn dân.

Khác với trước kia, giờ đây chỉ cần đủ sức khỏe là người dân đã tích cực tham gia hiến máu tình nguyện. Có những cá nhân đã tham gia hiến máu hàng trăm lần, có những gia đình cùng nắm tay nhau chia sẻ những giọt máu quý giá của cơ thể vì sự sống của người bệnh, vì tình đồng bào đùm bọc, sẻ chia.

Ông Lê Đình Duật (Hà Nội), dù đã 75 tuổi nhưng là tấm gương sáng hiến máu tình nguyện. Không những tình nguyện hiến máu mà ông còn vận động mọi người cùng tham gia. Ông Duật chia sẻ rằng: “Trước đây, tôi chỉ vận động được 10-15 người hiến máu. Nhưng đến những năm gần đây, mỗi năm tôi vận động được ít nhất là 40 người, có năm được 60 người tham gia hiến máu tình nguyện. Lấy gương từ chính gia đình tôi để mọi người thấy rằng cả nhà đều hiến máu nhưng chẳng có ai ốm đau, gầy gò, sức khỏe đều rất tốt”.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác hiến máu tình nguyện ở nước ta còn gặp nhiều khó khăn như máu cho một số thời điểm điều trị trong năm, hoặc khi dịch bệnh, thiên tai, thảm họa xảy ra tỉ lệ người hiến máu nhắc lại, hiến máu thường xuyên còn thấp, trong khi đó lại là lực lượng hiến máu an toàn và chất lượng.

Hiến máu kể cả trong dịch bệnh cũng an toàn 100%

TS.BS. Ngô Mạnh Quân, Phó Giám đốc Trung tâm Máu quốc gia (Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương) cho biết tại Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương, thời điểm này lượng máu giảm, nhóm máu O và A đang sụt giảm nghiêm trọng, trong đó máu nhóm A chiếm 10% tổng lượng máu dự trữ trong khi tối thiểu cần 25%.

Chính những thời điểm cam go như dịch bệnh hiện nay, tinh thần sẻ chia dòng máu Việt càng có ý nghĩa hơn bao giờ hết.

Bác sĩ Quân nhấn mạnh rằng những ai đang có ý định đi hiến máu có thể hoàn toàn yên tâm với việc làm ý nghĩa của mình bởi sự an toàn tuyệt đối trong công tác nhận máu.

Sự an toàn, cách biệt được thể hiện ngay từ cổng bệnh viện, đường vào được phân thành hai lối riêng, một cho bệnh nhân và người nhà, một dành riêng cho người đến hiến máu dẫn vào Trung tâm Máu Quốc gia, biệt lập với khu điều trị.

Trước tiên, người đến hiến máu sẽ điền phiếu kiểm tra dịch tễ, nhân viên y tế kiểm tra ngay, nếu không có yếu tố nghi ngờ sẽ đo thân nhiệt, rửa tay rồi tới khu vực được sắp xếp giãn khoảng cách.

Tất cả dụng cụ đều được chú trọng khử khuẩn. Mỗi người đều được kê giấy dưới tay, sát khuẩn cẩn thận trước và sau khi lấy máu. Khu vực hiến máu được khử trùng toàn bộ vào cuối ngày.

Nhân viên khám, điều trị và tiếp nhận máu chia làm 2 nhóm tách biệt và trang bị dụng cụ bảo hộ đầy đủ.

TS.BS. Ngô Mạnh Quân cho biết, ở nước ta, quy định thể tích người hiến máu có thể hiến toàn phần là 250 ml, 350 ml và 450 ml. Tức là lượng máu không quá 10% tổng lượng máu trong cơ thể.

“Hiện tại, chúng tôi thiếu cả máu toàn phần lẫn cả tiểu cầu, những người hiến máu có thể hiến máu toàn phần nhóm A, O hoặc hiến khối tiểu cầu”, bác sĩ Quân nói.

Anh cũng cho biết việc hiến máu không có hại cho sức khỏe nên mọi người ăn uống bình thường, sinh hoạt bình thường, chỉ có trước và sau khi hiến máu chúng ta uống nhiều nước để bù lại khối lượng tuần hoàn mà chúng ta vừa cho đi.

Với người hiến máu toàn phần sau 3 tháng, có thể hiến máu nhắc lại. Với người hiến tiểu cầu, sau 2-3 tuần có thể hiến tiểu cầu nhắc lại.

Phó Giám đốc Trung tâm Máu quốc gia Ngô Mạnh Quân mong rằng trong thời điểm hiện nay, mỗi người dân không chỉ là chiến sĩ tham gia phòng chống dịch bệnh mà hãy là người tiên phong tham gia hiến máu tình nguyện, những người đủ sức khỏe hãy tham gia hiến máu, vì một xã hội an toàn, nhân văn, đúng với thông điệp “Một giọt máu cho đi, một cuộc đời ở lại”.

Nhật Nam

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/xa-hoi/vao-luc-cam-go-tinh-than-se-chia-dong-mau-viet-cang-y-nghia/392652.vgp