Vào mùa hạn, thợ giếng Nghệ An làm không hết việc

Theo dự báo, mùa hè năm nay, Nghệ An sẽ trải qua nhiều đợt nắng nóng kéo dài, theo đó, nhiều nơi lâm vào hạn hán, thiếu nước sinh hoạt, tưới tiêu. Những ngày đầu hè, nhiều tổ thợ đào, khoan, khảo giếng làm không hết việc…

Mới đầu hè, nhiều giếng nước đã khô cạn. Ảnh: Thanh Phúc

Gia đình anh Nguyễn Văn Hà (xã Tào Sơn, Anh Sơn) gần 1 tháng nay phải đánh xe trâu vào nhà ông bà ngoại chở nước giếng về sinh hoạt do giếng cạn.

“Gia đình có 1 giếng khơi, một giếng khoan. Trước ít khi thiếu nước nhưng năm nay, nắng hạn đầu mùa gay gắt, thêm vào đó, vì kinh doanh dịch vụ gội đầu, tiêu tốn lượng nước khá nhiều nên nước giếng khô cạn. Do đó, chúng tôi đi chở nước giếng khơi từ nhà ông bà ngoại cách đây hơn 1km, hiện đang liên hệ thợ khảo giếng nhưng do khách đông nên họ chưa hẹn ngày làm”, anh Hà cho biết.

Gia đình chị Lang Thị Thanh phải thuê người khảo giếng để có nước sinh hoạt. Ảnh: Thanh Phúc

Mới bước vào mùa hè nhưng đã nhiều ngày nay, giếng của gia đình chị Lang Thị Thanh (Thị trấn Kim Sơn, Quế Phong) đã cạn nước. Trong khi đó, nguồn nước máy cũng hạn chế. Gia đình chị chật vật xoay xở mới đủ nước sinh hoạt.

“Để chủ động nước sinh hoạt mùa hè, gia đình đã thuê nhóm thợ khảo giếng để khơi mạch nước ngầm”, chị Thanh cho biết.

Không riêng gì gia đình chị Thanh, ở thị trấn Kim Sơn, tình trạng giếng khô hạn, thiếu nước sinh hoạt khá nhiều. Theo đó, khoảng 30-40% hộ dân có giếng nước bị khô cạn.

Nhu cầu nước tưới cho cây cối, rau màu vào mùa hè cũng rất bức thiết. Ảnh: Thanh Phúc

Các địa phương vùng bãi ngang như Quỳnh Lưu, Diễn Châu thì không chỉ thiếu nước sinh hoạt mà nhu cầu nước tưới tiêu cho vùng rau màu cũng rất bức thiết. Từ đầu mùa hạn, nhiều người dân đã phải liên hệ thợ để đào, khoan thêm giếng ở các chân ruộng, chủ động nguồn nước tưới.

Nhu cầu nước sinh hoạt, tưới tiêu của người dân tăng cao, trong khi đó, nhiều nơi giếng khô cạn nên dịch vụ đào, khoan, khảo giếng rất “đắt khách”. Từ tháng 2 đến nay, nhóm thợ 8 người của anh Ngân Văn Nhất (Kim Sơn, Quế Phong) phải làm việc hết công suất để đáp ứng nhu cầu của người dân.

“Chỉ trừ những ngày mưa to còn lại ngày nào cũng làm từ sáng sớm đến tối mịt mới về. Ngày nào cũng có người gọi điện đặt lịch đào, khảo giếng. Nhưng do chỉ có 8 người, chia làm 2 tổ, cũng cố gắng lắm nhưng chỉ đáp ứng được khoảng 60-70% nhu cầu của người dân. Có những nhà, phải chờ đợi cả tháng mới đến lượt”.

Mùa hạn cũng là khi cánh thợ đào giếng tại làng Nhân Huống, Tân Khôi ở Quỳnh Diễn (Quỳnh Lưu) vào “mùa làm ăn”. Không chỉ các xã vùng bãi ngang ở Quỳnh Lưu cần nước tưới cho hoa màu mà người dân các địa phương ở Diễn Châu, Yên Thành, Hoàng Mai cũng liên hệ với họ để đào, khảo giếng.

“Phần đa là các hộ cần nước sinh hoạt, tưới tiêu. Các năm trước, cao điểm vào mùa hạn thì nhu cầu đào, khảo giếng mới tăng. Năm nay, từ đầu tháng 2 âm lịch, đã rất nhiều người đặt lịch đào giếng, tổ thợ của tôi làm việc từ lúc đó đến nay. Cho đến tháng 8 tới, tổ thợ đã kín lịch”, anh Lê Nhân, một thợ đào giếng cho biết.

Ở các địa phương miền núi, nơi khó khăn về mạch nước ngầm và địa chất, người dân phải thuê các tổ thợ có máy khoan thủy lực hạng lớn để tìm nước. Ảnh: Thanh Phúc

Làm nghề khoan giếng đã 5 năm nay, anh Phạm Hoàng Tuyến (xã Quỳnh Châu, Quỳnh Lưu) cho biết, chưa năm nào mà đầu mùa hè, người dân lại có nhu cầu khoan giếng nhiều như năm nay. Sau đợt mưa vừa qua, rất nhiều người dân ở các huyện Quỳ Hợp, Quỳ Châu, Quế Phong gọi điện đặt lịch khoan giếng.

Theo anh Tuyến, do thời tiết khắc nghiệt, nguồn nước ngầm suy giảm, nên để khoan trúng mạch nước cũng khó hơn trước. Trung bình, mỗi ngày, nếu thuận lợi, tổ thợ 4-5 người của anh cùng chiếc máy khoan thủy lực đời mới chỉ hoàn thành được 1 giếng hoàn chỉnh. Còn nếu không gặp trúng mạch nước, gặp đá bàn, địa chất khó thì rất vất vả, thời gian kéo dài, có khi đành “uổng công” vì không tìm ra mạch nước.

“Mỗi giếng khoan hoàn chỉnh, tổ mất khoảng 8-10 tiếng đồng hồ mới xong. Do đã kín lịch từ đầu mùa hạn đến giáp mùa mưa nên khi có khách liên hệ không dám nhận thêm, nể lắm thì cũng phải làm bù vào thời gian nghỉ, có khi làm xuyên đêm phục vụ khách”, anh Tuyến cho biết thêm.

Nhu cầu đào giếng nhiều nên nghề đúc cống để lát giếng cũng rất "đắt khách". Ảnh: Thanh Phúc

Nghề đào, khoan, khảo giếng chỉ mang tính thời vụ song mang lại thu nhập khá cho những lao động theo nghề. Trung bình, vào mùa cao điểm, mỗi ngày, nếu làm việc hết công suất mỗi thợ giếng cũng có thu nhập từ 700 nghìn - 1 triệu đồng/ngày; có những người thu nhập lên đến 1,2-1,5 triệu đồng/ngày.

Theo thông tin từ Phòng Tài nguyên nước, biển và hải đảo, Sở Tài nguyên và Môi trường Nghệ An, việc khoan, đào giếng tự phát, không đảm bảo kỹ thuật là nguyên nhân dẫn đến nhiều giếng không cung cấp nước ổn định. Nhiều giếng khoan không thấy nước, hoặc giếng không sử dụng và không được gia cố hoặc trám lấp, đã gây ô nhiễm nguồn nước ngầm.
Hiện, tỉnh đang triển khai Dự án “Điều tra, đánh giá tiềm năng và trữ lượng nước dưới đất có thể khai thác trên địa bàn tỉnh Nghệ An”- giai đoạn 1” nhằm đánh giá trữ lượng tiềm năng, trữ lượng có thể khai thác, chất lượng tài nguyên nước và xây dựng bộ bản đồ tài nguyên nước dưới đất.
Ngoài ra, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với UBND tỉnh triển khai Chương trình “Điều tra, tìm kiếm nguồn nước dưới đất tại các vùng núi cao, vùng khan hiếm nước" để cung cấp nước sinh hoạt ở một số huyện: Con Cuông, Anh Sơn, Quỳ Châu, Quỳ Hợp, Nghĩa Đàn, Thanh Chương... với 38 công trình giếng khoan.

Thanh Phúc

Nguồn Nghệ An: https://baonghean.vn/vao-mua-han-tho-gieng-nghe-an-lam-khong-het-viec-post269628.html