Vào mùa mưa bão, Đà Nẵng vẫn bị đe dọa thiếu nước nghiêm trọng

Đã đến tháng 11/2018, ngay giữa mùa mưa bão nhưng Đà Nẵng lại bất ngờ bị đe dọa thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng do sông Cầu Đỏ bị nhiễm mặn gấp từ 12,3 đến 16,3 lần quy chuẩn. Đây là điều rất bất thường, chưa từng xảy ra trong các năm trước!

Bất ngờ với độ nhiễm mặn vượt gấp 16,3 lần quy chuẩn!

Hằng năm, đến tháng 11, khi Đà Nẵng đã bước vào mùa mưa bão thì không còn tình trạng nhiễm mặn trên sông Cầu Đỏ và nguồn nước sinh hoạt cung cấp cho TP rất dồi dào. Thế nhưng rất bất thường so với cùng thời điểm này của nhiều năm trước, sáng nay 5/11, Công ty CP Cấp nước Đà Nẵng (Dawaco) đã phát thông báo tới khách hàng dùng nước trên toàn TP cho biết, hiện nay nguồn nước sông Cầu Đỏ đang nhiễm mặn có lúc lên đến 3.288 mg/lít.

Ông Hồ Hương, Tổng Giám đốc Dawaco, lo lắngkhông đợi tới hè sang năm mà ngay trong dịp Tết sắp tới, Đà Nẵng cũng sẽ bị nhiễm mặn, thiếu nước sinh hoạt (Ảnh: HC)

Ông Hồ Hương, Tổng Giám đốc Dawaco, lo lắngkhông đợi tới hè sang năm mà ngay trong dịp Tết sắp tới, Đà Nẵng cũng sẽ bị nhiễm mặn, thiếu nước sinh hoạt (Ảnh: HC)

Để đảm bảo chất lượng nguồn nước thô, Dawaco đang tăng cường lấy nước từ Trạm bơm An Trạch. Do đó lưu lượng và áp lực nước trong mạng lưới đang thấp so với bình thường. Dawaco khuyến khích các khách hàng trên toàn TP sử dụng nước tiết kiệm nước trong thời gian này.

Trước đó, như Infonet đã đưa tin, từ ngày 31/8 đến ngày 5/9, độ mặn thường xuyên của nguồn nước thô tại cửa thu nước Nhà máy nước (NMN) Cầu Đỏ dao động ở mức 260 đến 2.000 mg/lít, cao nhất là 2.019 mg/lít vào lúc 9h00 ngày 5/9, nghĩa là nhiễm mặn gấp 10 lần so với quy chuẩn.

Để đảm bảo nguồn nước thô cho NMN Cầu Đỏ và NMN Sân Bay, Dawaco phải kết hợp lấy nước tại cửa thu Cầu Đỏ và bơm nước thô từ Trạm phòng mặn An Trạch. Tuy nhiên, công suất của trạm An Trạch chỉ đáp ứng 70% công suất cấp nước hiện nay, dẫn đến tình trạng không đủ nước thô để xử lý. Do đó lượng nước sạch cấp vào mạng lưới giảm 50.000 - 70.000m3/ngày khiến khu vực cuối nguồn các quận Ngũ Hành Sơn, Sơn Trà, Liên Chiểu nước rất yếu.

Trước kiến nghị của UBND TP Đà Nẵng, ngày 12/9, Cục Quản lý Tài nguyên nước đã gửi Công văn hỏa tốc 2037/TNN-NM cho chủ đầu tư các nhà máy thủy điện trên thượng nguồn sông Vu Gia điều tiết, cấp nước cho hạ du sông Vu Gia. Thực hiện chỉ đạo này, thủy điện Đăk Mi 4 (Quảng Nam) đã xả nước về hạ lưu sông Vu Gia tăng từ 3,2 m3/s lên tối đa 12,5 m3/s bắt đầu từ lúc 07h00 sáng 13/9 nên tình hình nhiễm mặn trên sông Cầu Đỏ cơ bản được giải quyết!

Ít ai ngờ nay đã tháng 11, giữa mùa mưa bão nhưng sông Cầu Đỏ vẫn tiếp tục bị nhiễm mặn, đe dọa việc cung cấp nước sạch an toàn, ổn định cho hơn 1 triệu dân TP Đà Nẵng. Theo báo cáo nhanh của Dawaco, đợt nhiễm mặn này bắt đầu từ giữa tháng 10 và kéo dài tới nay. Đặc biệt, ngày 4/11, độ mặn nước thu tại cửa thu nước lên tới 3.288mg/lít; hôm nay 5/11 tuy có giảm nhưng cũng ở mức 2.494mg/lít – tức gấp từ 12,3 đến 16,3 lần quy chuẩn!

Thiếu hụt lượng mưa ngay giữa mùa mưa bão!

“Mọi năm chưa từng xảy ra tình trạng thế này. Như năm ngoái, nhiễm mặn trên sông Cầu Đỏ không đáng kể, chủ yếu vào các tháng mùa hè và từ tháng 9 trở đi thì gần như không còn ngày nào bị nhiễm mặn. Nhưng năm nay rất đặc biệt, đã vào mùa mưa lũ rồi mà vẫn không có mưa nên tình trạng nhiễm mặn trên sông Cầu Đỏ rất cao!” – Ông Hồ Hương, Tổng Giám đốc Dawaco cho hay.

Trước đó, từ tháng 7/2018, Infonet đã đưa tin Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia dự báo từ tháng 10 – 12/2018, lượng mưa phổ biến tại khu vực Trung bộ thấp hơn từ 15 – 30% so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ. Đồng thời cảnh báo có khả năng thiếu hụt lượng mưa trong những tháng chính mùa mưa ở khu vực Trung bộ.

Như thế, đến tháng 11/2018 mà nước sông Cầu Đỏ vẫn còn bị nhiễm mặn, gây ảnh hưởng đến việc cung cấp nước sinh hoạt cho TP Đà Nẵng tuy bất thường so với mọi năm, nhưng là điều đã được cơ quan khí tượng thủy văn dự báo. Và với tình hình này thì cũng không thể chỉ trông chờ vào việc xả nước của các nhà máy thủy điện để đẩy mặn, bởi thiếu mưa, không có lũ thì chính các nhà máy thủy điện cũng không có nước để tích trữ phát điện cho mùa khô năm sau!

“Thời tiết diễn biến bất thường, đặc biệt Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia cảnh báo khu vực Trung bộ, Tây Nguyên ít mưa trong những tháng cuối năm 2018 và đầu năm 2019 do có khả năng chịu tác động của hiện tượng El Nino. Như vậy, liệu an ninh nguồn nước cho Đà Nẵng trong năm tới có đảm bảo được không khi mà nguy cơ hạn nặng trong mùa khô năm 2019 là rất lớn?”PV Infonet đặt câu hỏi với lãnh đạo Dawaco sáng 5/11.

Thủy điện cũng không tự “cứu” được thì lấy nước đâu để cứu Đà Nẵng?

Ông Hồ Hương cho hay, không chỉ trong đợt nhiễm mặn hồi tháng 9 mà liên tiếp những ngày qua, nhờ các nhà máy thủy điện ở thượng nguồn sông Vu Gia, Thu Bồn xả nước theo yêu cầu thực tế của Dawaco nên mới phần nào đẩy được mặn trên sông Cầu Đỏ, đảm bảo duy trì được việc cung cấp nước sạch cho TP Đà Nẵng. “Nếu họ không hỗ trợ mình, xả nước theo yêu cầu thực tế mà chỉ xả theo quy trình thì chắc mình “chết” luôn rồi!” – Ông Hồ Hương nói.

Ông cho hay, theo quy trình thì thủy điện chỉ xả nước với lưu lượng trên 3m3/s, nhưng do tình hình căng quá nên Dawaco đã đề nghị thủy điện Đăk Mi 4hiện nay xả tới 12,6m3/s. Nhờ vậy mới có nước để xử lý trong bối cảnh mực nước ở Trạm bơm An Trạch nhiều thời điểm xuống chỉ còn 1m – 1,05m,

“Hiện nay, khi sông Cầu Đỏ nhiễm mặn, Dawaco vận hành trạm bơm phòng mặn An Trạch công suất thiết kế 240.000m3/ngày thì khả năng đáp ứng nước thô để xử lý trong điều kiện chiều cao mực nước tại đập An Trạch tối thiểu +2.0m. Nếu mực nước thấp hơn 2.0m thì khả năng cấp nước sẽ giảm xuống, mực nước thấp đến cao trình +1.4m thì trạm bơm An Trạch ngưng hoạt động và NMN Cầu Đỏ sẽ không có lượng nước thô để sản xuất!” – Ông Hồ Hương nói.

Ông cho biết thêm, điều rất đáng lo là qua theo dõi thì hiện mực nước ở các hồ thủy điện thượng nguồn sông Vu Gia, Thu Bồn cũng đang cực kỳ thấp. Chỉ có thủy điện Đăk Mi 4 còn được 11m nước (thấp hơn cả mức bình thường trước đón lũ); trong khi thủy điện A Vương thấp hơn mực nước bình thường trước đón lũ tới 30m nên dù rất muốn giúp Dawaco nhưng không có nước để xả…

Tổng Giám đốc Dawaco Hồ Hương không giấu được lo lắng: “Mực nước trung bình tại Trạm quan trắc khí tượng thủy văn Ái Nghĩa là 2,6 – 2,7m nhưng mấy ngày nay có nhiều lúc xuống chỉ còn 1,8m – 1,9m. Tình hình đang cực kỳ căng thẳng. Chúng tôi đang rất lo, nếu trời tiếp tục không có mưa thì không đợi tới mùa hè sang năm mà ngay trong dịp Tết sắp tới cũng sẽ bị nhiễm mặn, thiếu nước sinh hoạt cung cấp cho TP!”.

HẢI CHÂU

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/vao-mua-mua-bao-da-nang-van-bi-de-doa-thieu-nuoc-nghiem-trong-post280916.info