Vào mùa sam, đề phòng ngộ độc con so

Hiện nay đã vào mùa sam biển nên sam đang được nhiều tiểu thương bày bán ở các chợ tại các xã, phường, thị trấn ven biển. Mặc dù là món ăn dân dã nhưng sam biển đã dần trở thành món ngon trong các quán hải sản và nhiều nhà hàng. Tuy nhiên, cũng có nhiều người kén không dám ăn vì sợ trúng độc lầm với con so.

Tại thị trấn Gành Hào (huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu) vào những ngày này, dọc theo tuyến lộ chính từ Mũi Tàu đến Kinh 3, sam biển được bày bán rất nhiều. Sam được bán với đủ kích cỡ, từ vài trăm gram đến trên 1 kilôgram. Sam bàn (loại sam lớn) từ 600 gram trở lên có giá từ 200.000 – 250.000 đồng/con, còn sam chìa vôi (loại sam nhỏ) từ 200 – 300 gram chỉ có giá từ 20.000 – 25.000 đồng/con.

Do đó, người dân địa phương và cả những thực khách phương xa khi mua sam ăn thường chọn mua sam chìa vôi giá rẻ. Còn sam bàn thì chủ yếu bán cho các khách sang và các nhà hàng hay các quán hải sản tươi sống.

Sam biển được bày bán tại thị trấn Gành Hào (huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu)

Sam biển được bày bán tại thị trấn Gành Hào (huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu)

Sam biển là loài hải sản được nhiều người ưa thích, bởi rất bổ dưỡng và có vị lạ miệng, do đó sam được vận chuyển sâu cả vào các thành phố lớn. Đặc biệt đối với con sam cái vào mùa sinh sản có trứng ăn rất béo và nếu con sam càng lớn thì trứng càng ngon. Vì thế sam biển được chế biến thành nhiều món ăn ngon như: nướng mỡ hành, nấu súp, làm gỏi bưởi, xào sả ớt, xào chua ngọt...

Sam chìa vôi được rọng oxi và bày bán tại quán Nướng Phú Quốc, khu vực chợ đêm Trần Phú (phường Cái Khế, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ)

Mùa sam thường bắt đầu từ tháng 9 âm lịch cho đến tết nguyên đán thì kết thúc, nhưng nhiều nhất là khoảng tháng 11 âm lịch, đây là thời điểm trứng sam già, sam vào cạn để đẻ (cũng là thời điểm trứng sam ngon nhất). Riêng các tháng còn lại trong năm thì ngư dân không bắt sam vì sam cái không có trứng, nếu sam dính lưới ngư dân cũng thả trở lại biển.

Sam biển là loài hải sản thơm ngon nhưng lại rất dễ nhầm lẫn với một loại hải sản khác là con so chứa chất kịch độc. Đối với con sam lớn thì rất dễ nhận biết, chỉ cần nhìn vào cái đuôi dài thấy rõ ba cạnh là biết ngay con sam, vì con so thì đuôi khi cắt ra có hình tròn hoặc bầu dục. Tuy nhiên, người ăn bình dân thường chọn sam chìa vôi cho rẻ tiền, mà sam nhỏ thì rất khó phân biệt với con so vì hình dạng của chúng gần giống nhau. Do đó, việc trang bị kiến thức phân biệt sam với so trước khi ăn là điều rất cần thiết.

Hình dạng con sam

Bà Nguyễn Thị Thu Thủy, người bán sam nhiều năm ở Mũi Tàu (thị trấn Gành Hào, Đông Hải, Bạc Liêu) chỉ cách phân biệt sam với so cho biết: “Sam thì nó đi cặp. Dân gian có câu dính như sam là vậy. Còn so thì nó có lông, gai góc tùm lum. Sam bán ở đây lấy từ các ghe đi biển lâu năm đâu có cái gì đâu. Hồi đó giờ bán chớ chưa thấy con so nữa”.

Hình dạng con so

Theo Bác sĩ Phạm Việt Khái, Trung tâm Y tế huyện Đông Hải (Bạc Liêu), có thể phân biệt sam với so bằng mắt thường bằng cách quan sát hình dạng, kích thước của chúng. Con sam thì lớn hơn con so và thường đi cặp, trong khi con so nhỏ hơn (trọng lượng dưới 1 kilôgram) và thường đi riêng lẻ. Lưng con sam ít lông hơn con so (vì thế có người gọi so là sam lông), nhưng con so lại có màu xậm hơn con sam. “Về phần đuôi, đuôi con sam dài có hình tam giác kéo dài từ thân tới tận đuôi. Đuôi con so thì thường có hình tròn hoặc trứng. Về kích thước thì con sam kích thước lớn hơn khoảng 17 – 34 cm, con so thì kích thước nhỏ hơn”, BS Khái chia sẻ.

Để thưởng thức món sam lạ miệng, người mua sam cần đến những địa điểm uy tín để tránh ngộ độc chết người vì sam rất dễ lầm với con so. Khi ăn sam cũng cần lưu ý, tuy sam không có độc tố chết người nhưng khi sơ chế cũng phải cẩn thận, không làm vở đường ruột và bao tử. Chỉ ăn thịt và trứng sam, còn toàn bộ phần gan, ruột, bao tử con sam phải lọc bỏ không được ăn, nếu không dễ bị nôn ói, chóng mặt và đau bụng. Trang bị những kiến thức phân biệt sam với so trước khi ăn là biện pháp tốt nhất để thưởng thức món ngon dân dã này.

Hải Âu

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/tieu-dung-va-du-luan/vao-mua-sam-de-phong-ngo-doc-con-so-482110.html