Vào mùa vải, đường lên Lục Ngạn tắc như Hà Nội giờ tan tầm

Chỉ gần 40km từ thành phố Bắc Giang lên đến huyện Lục Ngạn (vựa vải thiều của tỉnh này), thế nhưng xe chúng tôi đã phải dừng khá lâu và nhiều lần khi qua các điểm người dân bán vải cho thương lái.

Mục sở thị "thủ phủ" vải thiều Bắc Giang

Vào khoảng cuối tháng 5 đến tháng 6, vải thiều Bắc Giang bắt đầu vào mùa. Thời điểm này, hình ảnh dễ bắt gặp nhất trên cung đường hướng về các huyện Lục Ngạn, Lục Nam, Yên Thế... của Bắc Giang là từng đoàn xe tải nối đuôi nhau chở hàng tấn vải thiều.

Ngay từ buổi sáng sớm, đường về Lục Ngạn đã tắc do ô tô nườm nượp về thu mua vải của người dân.

Tại "thủ phủ" vải thiều Bắc Giang, đặc biệt ở ngã ba Kim, ngã ba Chũ, Kép tình trạng ùn tắc, tấp nập luôn diễn ra mỗi khi vào vụ mùa vải thiều. Tất cả các hàng quán đều trong tình trạng "dẹp tiệm" tạm thời để nhường sân vườn cho người dân đóng hàng vải thiều.

Phải mất cả tiếng đồng hồ, đoàn chúng tôi mới vào được đến tận Thôn Giành Mới, xã Quý Sơn, huyện Lục Ngạn, nơi hàng ngàn hộ dân đang gấp rút thu hoạch vải thiều. Vụ mùa năm nay, vườn vải nhà ông Ngô Duy Long (thôn Giành Mới, xã Quý Sơn, huyện Lục Ngạn) có hơn 200 gốc. Thế nhưng, vào mùa vụ, gia đình ông vẫn phải thuê người để thu hoạch.

Đây là hình ảnh quen thuộc vào mùa vải thiều ở Lục Ngạn.

Chia sẻ với chúng tôi, ông Long phấn khởi cho biết: "Năm nay được mùa, sản lượng của cả vụ cũng phải 20 tấn vải thiếu. Về giá vải thì cũng tùy loại, loại đẹp to, vỏ hồng, to đều giá trung bình cũng phải 12 - 17 ngàn đồng/kg, loại xấu hơn thì giá ít nhất cũng 7 ngàn đồng/kg. Vải thu hoạch được chúng tôi chủ yếu bán cho các thương lái Trung Quốc, một số ít thì từ các địa phương lân cận."

Được biết, ở thôn Giành Quý nói riêng và xã Quý Sơn nói chung thì gần như 100% các hộ gia đình đều tham gia trồng vải. Chính vì vậy, vào những ngày này, đi từ đầu làng đến cuối xóm, nhà nào cũng hối hả "luôn tay luôn chân", người cắt vải, người đóng vải trong thùng xốp, người chất vải lên xe container.

Tìm hướng phát triển du lịch tại "thủ phủ" vải thiều

Tại cuộc khảo sát mới đây, một doanh nghiệp du lịch ở Hà Nội cho rằng, Lục Ngạn rất có tiềm năng trong việc xây dựng Tour du lịch miệt vườn như một số tỉnh ở miền Nam đã thành công. Tuy nhiên, mùa vải chỉ diễn ra trong vòng 1 tháng, nếu như để xây dựng một Tour du lịch thì cần phải xây dựng nhiều hơn nữa các sản phẩm du lịch do chính người dân tự làm.

Gia đình ông Ngô Duy Long (thôn Giành Mới, xã Quý Sơn, huyện Lục Ngạn) đang thu hoạch vải thiều.

Lấy ví dụ như việc mùa hoa tam giác mạch ở Hà Giang, đại diện doanh nghiệp này cho hay, đây chính là sản phẩm du lịch rất thành công của người dân địa phương nơi đây. Trong khi đó, ngoài vải thiều thì Lục Ngạn còn nổi tiếng bởi các loại cây ăn quả khác như: cam, nhãn, bưởi...Đây là một lợi thế không phải địa phương nào cũng có được.

Nếu nhìn rộng hơn, Tour du lịch vải thiều chỉ là một sản phẩm trong chiến lược phát triển du lịch của Bắc Giang. Do vậy, trước hết cần phải có lộ trình, phương án xây dựng, hoàn thiện ngay từ sản phẩm này thì mới kỳ vọng thúc đẩy được du lịch của địa phương.

Nói về vấn đề này, ông Nguyễn Đạo Dũng - Phó Vụ trưởng Vụ Lữ hành, Tổng cục Du lịch cho rằng, nếu như muốn phát triển Tour du lịch này lâu dài thì địa phương cần phải tính toán rất kỹ lưỡng, cụ thể như nếu vải mất mùa thì sẽ có phương án gì thay thế. Ngoài ra, vấn đề về giao thông cần phải khắc phục, không để tắc nghẽn như hiện nay. Theo đó, phải xây dựng các điểm thu mua rộng rãi, không làm ảnh hưởng đến giao thông đi lại khi khách du lịch đến thăm quan địa phương.

Người dân thu hoạch vải.

Theo ông Trần Văn Dũng - Phó Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Bắc Giang, toàn huyện Lục Ngạn có 27 ngàn ha cây ăn quả, trong đó có trên 15 ngàn ha cây vải thiều. Mùa vải thiều ở địa phương thường diễn ra trong khoảng 1 tháng. Chính vì vậy, bên cạnh hoạt động mua bán của người dân, chúng tôi đang xây dựng Tour du lịch đưa du khách thập phương đến để trải nghiệm không khí mùa vải chín.

Được biết, bên cạnh vải thiều, du lịch Bắc Giang cũng được mọi người đều biết đến với các điểm đến văn hóa tâm linh, di tích lịch sử như Chùa Vĩnh Nghiêm, Khu di tích lịch sử chiến thắng Xương Giang, Khu du lịch sinh thái Tây Yên Tử. Do đó, cần phối hợp với các địa phương lân cận để xây dựng các điểm đến, nhằm tạo phong phú cho Tour du lịch về Bắc Giang.

Thế Công

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/thoi_su/vao-mua-vai-duong-len-luc-ngan-tac-nhu-ha-noi-gio-tan-tam-345082.html