Vào thế giới logo

Triển lãm tranh, tượng thì nhiều nhưng triển lãm logo thì hiếm. Vì thế, cuộc triển lãm 'Logo Việt Nam 2018' vừa diễn ra tại Hà Nội đã nhận được sự quan tâm đặc biệt. Có lẽ đây là cuộc triển lãm chuyên đề logo lớn đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam, với sự tham gia của 60 họa sĩ thiết kế logo chuyên nghiệp trong cả nước cùng gần 500 tác phẩm.

Họa sĩ Lê Tiến Vượng bên những logo do anh thiết kế.

Thơ bằng ngôn ngữ đồ họa

Ý tưởng cho cuộc triển lãm này đến vào một buổi chiều cuối năm 2017. Khi ấy, 4 họa sĩ chuyên về thiết kế logo: Lê Tiến Vượng, Trần Hoài Đức, Trọng Minh, Nguyễn Đăng Phú ngồi với nhau.

Và họ tự hỏi: Tại sao không để công chúng hiểu hơn về thế giới của logo? Và nửa năm sau, ý tưởng đó đã thành cuộc triển lãm xôm tụ, do Chi hội Đồ họa 2 - Hội Mỹ thuật Việt Nam tổ chức.

Theo họa sĩ thiết kế Trần Hoài Đức, dưới góc nhìn của ký hiệu học, logo là tín hiệu thị giác tạo nên thế giới văn hóa của nhân loại. Logo là một hình ảnh mà ở đó có tích hợp được những giá trị tinh thần của con người.

Do vậy, để hiểu logo quả thật là một vấn đề không dễ dàng gì. Trong góc độ của nhà thiết kế mỹ thuật, theo họa sĩ Đức, mỗi logo có mục đích của nó, là truyền thông- truyền đi một thông điệp, gửi đến một thông tin.

“Sứ mạng của logo sinh ra là để phục vụ nhu cầu giao tiếp của con người”- họa sĩ Trần Hoài Đức nói, và nhấn mạnh: “Logo vừa mang dấu hiệu thị giác để nhận biết nhưng đồng thời để nó tốt hơn, thì logo phải hàm chứa một lượng thông tin thông qua kênh liên tưởng của người nhìn logo. Hay nói cách khác, ngoài việc có một tạo hình hấp dẫn, độc đáo, cá tính và thân thiện thì logo trong thời đại hiện nay cần phải mang một ý nghĩa, mang theo một câu chuyện. Có như vậy, việc truyền thông cho logo đó mới có kết quả tốt và logo được khắc sâu trong tâm trí của nhiều người”.

Trong khi đó, họa sĩ Lê Tiến Vượng (biệt danh “Vượng Logo”) thì cho rằng, một logo đẹp cần phải có bố cục đẹp, đơn giản, khúc triết, dễ xem, dễ nhớ, dễ vẽ lại hay mô tả lại, còn logo mà ngược lại những yêu cầu trên chắc chắn không thành công.

Lê Tiến Vượng quan niệm, với anh, mỗi logo như một bài thơ bằng ngôn ngữ của đồ họa, chỉ cần số nét ít nhất, số màu ít nhất, bố cục đơn giản và khúc triết nhất nhưng phải nói lên, nói trúng và đúng được cái bản chất, ước vọng, khát khao của đơn vị yêu cầu thiết kế.

Sống tốt với nghề

Trong xã hội hiện đại, mỗi ngày chúng ta đều tiếp xúc với hàng trăm biểu tượng, logo, nhãn hiệu… có xuất xứ từ khắp nơi.

Theo họa sĩ Lê Tiến Vượng, dưới góc nhìn của tín hiệu học, logo là tín hiệu thị giác đại diện cho chủ thể như địa phương, tổ chức, doanh nghiệp dịch vụ nhằm phân biệt các chủ thể với nhau.

Còn với khía cạnh văn hóa, logo cần thể hiện được vẻ đẹp đặc trưng mang tính cốt lõi và mang những ước vọng thầm kín của chủ thể.

Dưới góc độ mỹ thuật, logo cần thể hiện được vẻ đẹp của nghệ thuật đồ họa với ngôn ngữ tối giản về đường nét, hình, màu sắc sao cho vừa hài hòa vừa dễ nhận biết.

Với nền kinh tế hiện nay, thiết kế logo đang trở thành một công việc đầy thú vị và thách thức đối với các họa sĩ trong quy trình xây dựng thương hiệu cho các địa phương, tổ chức và doanh nghiệp.

Các họa sĩ trong nước đã sáng tác hàng trăm nghìn logo, nhãn hiệu. Đó thực sự là những thành quả đáng quý đóng góp cho xã hội và trở thành một phần không nhỏ trong lịch sử mỹ thuật Việt Nam.

Song, vì tính đặc thù, không phải họa sĩ nào cũng có khả năng sáng tạo và thuyết phục thành công đối tác sử dụng logo của mình.

Nhất là khi họa sĩ tham gia các cuộc thi thiết kế logo. Do đó, theo những họa sĩ có nhiều kinh nghiệm ở lĩnh vực này, nghề thiết kế logo hiện nay có nhiều cơ hội, và sống cũng “khỏe”.

Họa sĩ Lê Tiến Vượng thừa nhận, mấy năm gần đây khi mà các tỉnh, thành, thị xã, quận, huyện… kêu gọi đầu tư các khu công nghiệp, du lịch thì nhiều nơi mới quan tâm xây dựng logo và hệ thống nhận diện riêng.

Giá cho mỗi logo được chọn- theo họa sĩ Tiến Vượng- khoảng 20-30 triệu đồng, hiếm lắm mới được 50 triệu đồng. Tuy nhiên, anh cũng thừa nhận, nghề thiết kế đồ họa đã cho anh “nhà lầu xe hơi”.

Vậy, họa sĩ thiết kế logo cần nhiều điều kiện gì? Theo họa sĩ Trần Hoài Đức, người họa sĩ thiết kế logo thực sự là người đưa ra những giải pháp thiết kế sáng tạo và phù hợp cho khách hàng của mình.

Hay nói cách khác họa sĩ thiết kế không phải là nghệ sĩ, mà chỉ là tố chất nghệ sĩ (giúp cho công việc sáng tạo) chỉ là một phần cần nhưng chưa đủ của phẩm chất của một họa sĩ thiết kế (designer).

Ngoài tố chất nghệ sĩ, một designer còn phải tích hợp được tư duy của một nhà marketing, kiến thức của một người am hiểu các vấn đề kinh tế, xã hội và về văn hóa.

“Họa sĩ thiết kế logo được hiểu nôm na là người dịch từ văn viết sang văn hình”- họa sĩ Hoài Đức hóm hỉnh, và nhấn mạnh: Họa sĩ thiết kế logo phải là người bắt được hơi thở của thời đại, hiểu được cội nguồn và hành trình của văn hóa để đưa ra được những giải pháp sáng tạo tốt nhất, mang tính thẩm mỹ cao cũng như những thông điệp và thông tin giá trị cho hình ảnh logo của mình.

Đồng quan điểm, họa sĩ Lê Tiến Vượng cho rằng, nghề thiết kế logo cũng giống như làm toán, cần phải hiểu rõ đầu bài, hiểu doanh nghiệp cần gì và tìm câu trả lời, sau đó biểu tượng hóa nó bằng ngôn ngữ của logo: thật đơn giản, khúc chiết, thông thái nhưng cũng bất ngờ.

Có khi chỉ 10 phút là “giải” xong, nhưng có khi mất cả tháng trời mới hoàn thành một logo.

“Người thiết kế logo chuyên nghiệp cần phải có con mắt của người họa sĩ để luôn có cái nhìn về nghệ thuật thị giác, có cái đầu của một nhà khoa học, một nhà toán học, một nhà kinh tế học và có trái tim của một nhà văn hóa. Ngoài vấn đề kỹ thuật, người họa sĩ phải nhìn thấy góc độ thi vị nhất của sản phẩm, và làm thế nào để người xem cũng cảm nhận thấy sự thi vị đó. Đồ họa không phải là cái gì khô cứng, công nghiệp như người ta hay nghĩ. Nó phải rất sinh động, có hồn”- họa sĩ Lê Tiến Vượng nói.

Hứa Phương Nhi

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/van-hoa/vao-the-gioi-logo-tintuc405253