Vào toa-lét uống trà chiều ở London

Ở góc đường Foley và Great Titchfield ngay trung tâm London, có một toa-lét công cộng dành cho quý ông, nhưng rất nhiều quý cô nương thích lạc vào đấy. Tôi tìm đến toa-lét ấy và khám phá ra lắm điều thú vị.

Vị trí Attendant ở góc đường Foley - Great Litchfield

“Attendant” - tấm bảng to chình ình nằm giữa sạp báo Mirror và quán bia Crown & Sceptre trên góc ngã tư Foley và Great Titchfield - là tên gọi quen thuộc mà người Anh sử dụng miêu tả nhà vệ sinh công cộng, thường nằm dưới tầng hầm nơi các ngã tư đường phố. Cái cớ để tôi tìm đến nhà vệ sinh công cộng ở góc Foley này, không phải chuyện nhằm thỏa mãn nhu cầu sinh học, mà là để thưởng thức tiệc trà chiều đúng kiểu Anh, trong không gian “thuần khiết” của một toa-lét công cộng, có từ năm 1890, thuộc thời kỳ Victoria (1837 - 1901).

Toàn cảnh bồn tiểu và chiếc ghế cách điệu, tạo thành những chỗ ngồi thú vị trong Attendant

Chưa đầy 35m2 nhưng toa-lét công cộng được biến thành quán trà chiều đầy phong cách

Anh Quốc là xứ tiêu thụ trà hàng đầu thế giới, đây cũng là cái nôi khởi phát ra thú tiêu dao uống trà chiều, thường bắt đầu ở khung 3 - 5 giờ chiều. Thú trà chiều hình thành, chính do thói quen ăn ngày hai bữa của dân Anh ở thế kỷ 19, và khoảng cách giữa hai bữa sáng - tối trong ngày có thời gian dài đến hơn 10 giờ đồng hồ. Để xoa dịu bao tử cồn cào đói giữa buổi, nữ công tước Anna Maria của xứ Bedford đã bày ra chuyện thưởng thức trà chiều năm 1830 tại lâu đài Woburn Abbey với hai món chính là trà và bánh ngọt. Giới quý tộc Anh khi ấy dần bắt chước theo, cốt yếu cũng chỉ để… chống đói, có thêm năng lượng làm việc đại sự. Cứ thế món trà chiều lan rộng, thoát khỏi phạm vi hoàng tộc và các lâu đài danh giá, dần xâm nhập và gắn chặt trong đời sống thường nhật của người Anh.

Ô cửa nhỏ nơi thu tiền khách đi vệ sinh ngày xưa, giờ là nơi gọi phục vụ đồ ăn trong quán

Trở lại chuyện cái toa-lét ở Foley. Việc gán ghép giữa hai thái cực (đều là sung sướng cả nhưng trái ngược nhau) ẩm thực và xả thải thật không liên quan, và càng không liên quan hơn nữa trong cùng một không gian… toa-lét. Thế nhưng, người phá vỡ khoảng cách có thể nói là khủng khiếp ấy để đưa hai yếu tố ẩm thực và toa-lét chạm vào nhau, thậm chí hòa quyện với nhau, tôn nhau lên trong cùng một không gian, địa điểm, không ai khác hơn là hai tay chơi Ryan và Bosh - chủ nhân của cái toa-lét cổ đại nơi góc đường Foley - biến toa-lét thành nơi thưởng trà chiều đầy… lãng mạn.

Bàn ăn đặc biệt trong không gian Attendant

Nguyên cớ để cái toa-lét ở Foley hiện hữu, bởi gần đấy có khu chợ địa phương trên đường Great Titchfield, toa-lét xây nên nhằm phục vụ nhu cầu dân đi chợ và người bán hàng, chính thức rộng cửa đón khách từ 1890. Người Anh không dùng từ toa-lét, mà dùng Attendant bởi khi thấy một không gian “xả thải” có chữ Attendant, nghĩa là sẽ có người phục vụ, có thu phí cho mỗi lần sử dụng hẳn hoi chứ không phải chốn sinh hoạt miễn phí.

Đường nét của bồn tiểu tạo duyên dáng cho chiếc bàn ăn ở Attendant

Gọi là toa-lét công cộng, nhưng người Anh thật biết đầu tư khi sử dụng toàn những vật liệu đẳng cấp để xây nên không gian tình yêu ấy. Với các chất liệu kiến trúc đỉnh cao như gạch bông phối màu, bồn sứ của công ty Doulton, cùng các thiết bị tráng men, đặc biệt là lớp hàng rào sắt uốn mang đậm phong cách thiết kế của thời kỳ Victoria, tạo thành chốn sinh hoạt có thể gọi là thượng đẳng lúc đương thời. Có lẽ vì quá sang chảnh, cộng thêm chuyện thu phí, thế nên sau 70 năm hoạt động, toa-lét ở Foley phải đóng cửa vào năm 1960 (khả năng cao là do ế ẩm), rồi trở thành hoang phế, ngập trong rác rưởi.

Thương hiệu đóng dấu trên đồ sứ của công ty Doulton

Chị em ngồi làm việc trong không gian toa-lét cổ từ thời Victoria

Đến 2013, Ryan và Bosh đã làm hồi sinh lại không gian toa-lét cổ này, biến 33,4m2 của toa-lét ngập trong rác, hôi thối, cũ nát, xuống cấp trở thành một không gian thưởng thức trà chiều độc đáo nhất ở Anh.

Hai ông chủ trẻ Ryan và Bosh, người hồi sinh vẻ đẹp toa-lét cổ Attendant

Ấn tượng đầu tiên khi đứng trước lối vào của Attendant - giờ trở thành quán trà và café, cùng các món ăn nhẹ - ấy là nó quá đẹp và sang trọng từ ngoài vào trong. Lớp lưới sắt mỹ nghệ mang phong cách thiết kế của thời kỳ Victoria được phục chế nguyên bản, đẹp hoàn hảo, hiếm gặp những thiết kế tương tự ở các công trình cổ khác quanh London. Nấc thang dẫn lối xuống tầng hầm mở ra trong tôi sự kinh ngạc khác, bởi không thể hình dung một toa-lét công cộng, trở thành một thương hiệu Attendant, và là chốn thư giãn, thưởng trà - café… chất đến thế.

Vẻ đẹp ấn tượng của lớp mái vòm làm từ sắt uốn thời kỳ Victoria trước lối vào Attendant

Sàn nhà bằng gạch bông tuy cổ kính, cũ kỹ, phối nhau bằng hai màu xanh - trắng, nhưng vẫn đủ kiêu hãnh để khoe với đời một quá khứ vàng son từ cách đây hơn trăm năm. Nơi… bồn tiểu quý ông với các thiết bị sứ trắng cao cấp của nhà Doulton vẫn nguyên vẹn, được biến tấu tài tình trở thành chỗ ngồi, làm bàn ăn để thực khách úp mặt vào ấy, trầm tư, chậm rãi mân mê từng đường nét xưa cũ, và tha hồ tưởng tượng trước tách trà nóng cùng khẩu phần bánh lựa chọn nơi bếp ăn đối diện.

Nhìn góc bàn ăn nhỏ xinh này, thật khó hình dung đây chính là… bồn tiểu

Cách bố trí hợp lý, khoa học, tận dụng tất cả những gì còn lại của một nhà vệ sinh công cộng thời Victoria, chỉ với chút biến tấu, hai vị chủ nhân đã chuyển đổi công năng khéo léo của Attendant từ “lọ lem” trở thành “công chúa” đầy quyến rũ. Đến với Attendant, hẳn ý định ban đầu của mọi người khá giống nhau là ở sự tò mò, và muốn trải nghiệm cảm giác ăn uống trong một không gian nhà vệ sinh thế nào, nhưng khi đã an vị trong không gian quán, vẻ đẹp xưa cũ cùng lối bày trí ấn tượng, dễ khiến người ta quên ngay mình đang ở trong một toa-lét.

Bồn chứa nước được giữ nguyên bản làm chi tiết trang trí

Điểm cộng khác ở Attendant, ấy là bữa trà chiều được phục vụ với mức giá rất rẻ so với quán khác, chỉ khoảng 2 - 5 Bảng (từ 60 - 150 ngàn đồng), đủ cho một ấm trà ngon, kèm vài thứ bánh ngọt hấp dẫn lấy từ thương hiệu danh tiếng London là Bittersweet Bakers. Thế nên, đừng ngạc nhiên khi thấy rất nhiều chị em chăm chú trước máy tính làm việc, hay ngả nghiêng, vui đùa trong Attendant đến quên cả thời gian, là bởi cái toa-lét công cộng ấy quá đặc biệt, thật đáng để khám phá, trải nghiệm nếu có dịp lang thang London.

THIÊN AN

Nguồn TGTT: http://thegioitiepthi.vn/p/vao-toa-let-uong-tra-chieu-o-london-17750.html