VAR hay trọng tài mới quyết định trận đấu?

World Cup 2018 đi vào lịch sử khi lần đầu tiên sử dụng công nghệ video hỗ trợ trọng tài (VAR). Mục đích chính của VAR là bảo đảm sẽ có những quyết định chính xác trong các trận đấu. Thế nhưng nếu VAR ra đời để giảm dần những tranh cãi trên sân cỏ, công nghệ này giờ lại đang tạo ra nhiều chỉ trích hơn.

Công nghệ video VAR cho phép can thiệp sâu vào trận đấu và kết quả thắng thua.

Khi VAR không còn mang đến sự tin cậy nữa

Hai trận đấu giữa Iran - Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha - Morocco là một ví dụ, trong đó riêng trận Iran - Bồ Đào Nha đã có tới 3 quyết định và đều gây tranh cãi. Theo FIFA, họ muốn VAR chỉ sử dụng 1 lần trong 4 trận đấu thay vì 4 lần ở 1 trận đấu. Dễ thấy rằng, việc sử dụng VAR liên tục ở hiệp 2 của trận Iran - Bồ Đào Nha đã khiến diễn biến trên sân bị cắt vụn vì những tranh cãi, va chạm và cả sự can thiệp sâu vào diễn biến trận đấu.

Tình huống đầu tiên mà VAR can thiệp là ở phút 50 khi Cristiano Ronaldo có bóng ở ngoài vòng cấm của Iran, anh di chuyển ngang rồi xô vào một hậu vệ và ngã ở bên trong. Ban đầu, trọng tài người Paraguay là Enrique Caceres yêu cầu anh đứng dậy nhưng rồi ông nhờ VAR tư vấn và thổi 11m. Cầu thủ người Bồ Đào Nha sau đó đã không thắng được thủ môn Alireza Beiranvand.

Ở tình huống thứ hai phút 81 khi Morteza Pouraliganji đột nhiên ngã xuống và cầu thủ Iran lên tiếng phản đối. Xem lại pha quay chậm thì rõ ràng Ronaldo đã đánh cùi chỏ vào mặt Pouraliganji và xứng đáng nhận thẻ đỏ. Khi trọng tài quyết định ra đường pitch kiểm tra lại, có vẻ như mọi chuyện đã kết thúc với đội trưởng của Bồ Đào Nha.

Ông Caceres trở lại sân, cho tay vào túi nhưng chỉ rút ra thẻ vàng thay vì là thẻ đỏ.

Gây tranh cãi hơn là quyết định ông cho đội Tuyển Iran được hưởng 11m ở những phút bù giờ, sau tình huống Cedric Soares để tay chạm bóng. Một lần nữa, giữa những tiếng la ó phản đối, trọng tài người Paraguay kiểm tra VAR và quyết định thổi 11m.

Nếu FIFA khẳng định sự xuất hiện của VAR sẽ giảm sức ép cho các trọng tài và hạn chế những sai lầm vốn thường xuất hiện ở các giải đấu lớn, diễn biến của trận Iran - Bồ Đào Nha lại cho thấy một thực tế hoàn toàn khác. Đó là chưa kể những tình huống gây tranh cãi tương tự xảy ra ở trận Tây Ban Nha - Morocco (pha ghi bàn của Iago Aspas giúp Tây Ban Nha gỡ hòa 2-2), ở trận Saudi Arabia - Ai Cập (Saudi Arabia 2 lần được hưởng 11m) và rất nhiều quả 11m ở trận đấu trước đó.

Không có gì ngạc nhiên khi nhờ VAR với những góc quay xa, chậm, World Cup 2018 đã lập kỷ lục về số quả phạt 11m. Tính đến sau trận Iran - Bồ Đào Nha, có 20 quả phạt 11m được thổi và 7 trong số đó được quyết định nhờ VAR. Kỷ lục trước đó là 18 quả phạt 11m ở các kỳ World Cup 1990, 1998 và 2002.

VAR đang làm World Cup 2018 tệ hơn?

Với những người không ủng hộ VAR, họ sẽ nói ngay rằng, công nghệ mới của FIFA đang phá hỏng World Cup 2018 và biến một trong những giải đấu quan trọng nhất trở nên tồi tệ hơn. Thực tế thì có 4 vấn đề đang xảy ra với VAR.

Thứ nhất, VAR đang làm các trận đấu chậm lại vì quá trình xử lý thông tin rườm rà. Mỗi lần trọng tài nhận thông tin qua tai nghe, trước tiên là ông dừng trận đấu, rồi chạy tới chạy lui xem video rồi trở lại sân để đưa ra quyết định.

Thứ hai, VAR đẩy các trọng tài vào thế bị động, khiến họ phụ thuộc vào công nghệ và không dám quyết định một tình huống có thể gây tranh cãi. Khi đó, trọng tài sẽ chọn cách chẳng làm gì ngoài việc nhận thông tin qua tai nghe, tin rằng mọi thông tin mà ông nhận được từ VAR là chính xác trước lúc đưa ra một quyết định.

Thứ ba, sự hiện diện của VAR đã làm tăng sự thiếu tôn trọng của cầu thủ với trọng tài, thay vì khiến họ tôn trọng quyết định như nguyên tắc luật chơi thì sẵn sàng vây xung quanh để phản ứng, yêu cầu trọng tài dùng VAR xử lý một pha bóng gây tranh cãi.

Thứ tư, VAR lấy đi những sai lầm - con người và sự kịch tính, bất ngờ mà chỉ có bóng đá mới có thể mang lại.

Nói như HLV người Argentina đang dẫn dắt đội Tuyển Peru, Ricardo Gareca thì “sai lầm luôn xảy ra, đó là một trong những điểm hấp dẫn của bóng đá. Tôi nghĩ VAR là một giải pháp có ích nhưng không phải là một giải pháp hoàn hảo”.

Trên tất cả, nếu VAR thực sự cần thiết trong các trận đấu, trọng tài sẽ chẳng cần phải chạy tới chạy lui xem video. Ông chỉ cần nhận thông tin từ đội VAR và ra quyết định. Còn trong trường hợp đội VAR, gồm những trọng tài uy tín giám sát video, không bao quát được các góc quay, công nghệ này sẽ đẩy trọng tài vào tình huống khó xử hơn là hỗ trợ trọng tài như vai trò của nó.

Chưa kể, thông qua công cụ là VAR, những thế lực hay âm mưu vô hình nào đó có thể ngang nhiên can thiệp vào kết quả trận đấu, thông qua tác động vào quyết định của trọng tài với những tình huống đúng sai đôi khi là tương đối và tùy thuộc ở nhận định.

MẠNH HÀO

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/the-thao/var-hay-trong-tai-moi-quyet-dinh-tran-dau-615255.ldo