Vất vả công nhân đường sông

Sau 4 lần thay tên gọi, 5 lần đổi con dấu và mấy phen tách nhập, phân chia quản lý từng vùng… đến ngày 1.1.2016, đơn vị mang tên gọi mới: Công ty CP Quản lý đường thủy Hải Dương.

Công nhân Công ty CP Quản lý đường thủy Hải Dương kiểm tra biển báo hiệu trên sông Sặt

Ảnh: HÙNG NGUYÊN

Đoạn Quản lý đường sông Hải Dương ra đời từ năm 1967. Sau 4 lần thay tên gọi, 5 lần đổi con dấu và mấy phen tách nhập, phân chia quản lý từng vùng… đến ngày 1.1.2016, đơn vị mang tên gọi mới: Công ty CP Quản lý đường thủy Hải Dương.

Kĩ sư Nguyễn Hùng, Trưởng Phòng Quản lý vận tải - Đăng kiểm kỹ thuật Sở Giao thông vận tải, được bầu làm Chủ tịch Hội đồng quản trị, đại diện nhà nước quản lý 75% số vốn điều lệ của công ty.

Từ đấy, công ty tổ chức được một bộ máy gọn nhẹ, phù hợp xu hướng chung.

Công ty CP Quản lý đường thủy Hải Dương đang quản lý bảo trì hạ tầng đường thủy trên 6 tuyến sông địa phương, bao gồm: Sặt, Ghẽ, Đình Đào, Cửu An, Cầu Xe, Tứ Kỳ và 3 trạm Bến Cậy, Tràng Thưa, Cầu Ràm. Nếu kéo thẳng ra, sẽ đo được chiều dài hơn 120 km đường sông nước. Bình quân mỗi người lao động công ty phải quản lý hơn 3 km. Tưởng thế là ít, nhưng chỉ những người trong nghề mới biết quản lý đường thủy thời nay cũng gian nan khó nhọc, thậm chí hiểm nguy…

Những khó khăn chính công ty gặp phải đó là thiết bị, phương tiện chưa đáp ứng nhu cầu công việc. Môi trường địa bàn quản lý còn nhiều phức tạp. Một số tuyến sông có đặc điểm địa hình cong cua gấp, tiềm ẩn mất an toàn. Trên một số đoạn sông có nhiều bãi cạn, nhiều bến đò lẻ qua sông, bến bãi xếp dỡ vật liệu lan tràn và những công trình tư nhân xây dựng trái phép. Trên các tuyến sông cũng xuất hiện nhiều thuyền bán hàng, bán sim điện thoại di động, cửa hàng đại lý xăng dầu lưu động. Nhiều đoạn sông dày đặc bèo tây. Nhiều ngôi nhà, vườn cây che lấp biển báo ven sông... Những điều này đã làm cho dòng sông bị tổn thương và gây nên tai họa. Tai nạn nhẹ là hỏng tàu, nặng là đắm tàu. Xác tàu không chỉ bị chôn vùi dưới đáy sông, mà còn thải ra chất độc, làm ô nhiễm dòng nước ngọt, gặm mòn đường sinh tồn của các loài thủy sinh.…

Từ đầu tháng 1.2020, thực hiện chủ trương mới, nhà nước thoái hết vốn trong công ty. Từ đây, người lao động đã mua 100% số vốn, để chủ động và duy trì sản xuất.

Nhận thức rõ nhiệm vụ của mình, người lao động, nhân viên công ty đều làm việc với suy nghĩ mới, đạt kết quả cao. Hằng năm, họ đã làm tốt công tác bảo trì trên 2.700 biển báo hiệu từ nguồn sửa chữa thường xuyên; thanh thải gần 3.000 m3 bèo rác, điều tiết bảo đảm giao thông, nạo vét dòng chảy, lắp đặt biển báo hiệu, kiểm tra vi phạm trên các tuyến sông. Công nhân, người lao động của công ty tiết kiệm chi phí, thời gian lao động hữu ích; phấn đấu để một người biết làm nhiều việc, nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất. Nhờ đó đã nâng cao thu nhập, bảo đảm đời sống người lao động, giúp họ yên tâm làm việc. Đơn vị cũng tích cực cử công nhân, người lao động tham gia các phong trào thi đua của ngành đường sông: Thi trạm trưởng giỏi, thuyền trưởng giỏi, tàu tốt, đẹp, an toàn; lắp thêm cột đèn mới.

Nhiều năm liền công ty được đánh giá là đơn vị tiên tiến xuất sắc, được Bộ Giao thông vận tải, UBND tỉnh khen thưởng và tặng cờ thi đua xuất sắc.

Hai năm nay, dù chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid -19 nhưng những người lao động của công ty vẫn gắn bó với nghề. Công ty CP Quản lý đường thủy Hải Dương vẫn tạo thêm việc làm cho lao động. Thu nhập bình quân của công nhân, lao động từ 7,5 - 8 triệu đồng/tháng.

KHÚC HÀ LINH

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/lao-dong---viec-lam/vat-va-cong-nhan-duong-song-195151