Vay online lãi suất tới 700%, một dạng tín dụng đen mới?

Thủ tục vay tương đối giống nhau đi kèm lãi suất vài trăm phần trăm mỗi năm khiến hình thức vay trực tuyến có nhiều điểm tương đồng với loại hình vay nặng lãi.

Trong khi các quan hệ cho vay dân sự thông thường đều phải tuân theo mức trần lãi suất của Bộ Luật Dân sự 2015 là không được vượt quá 20%/năm, mức lãi suất của mô hình vay trực tuyến được niêm yết lên tới vài trăm phần trăm mỗi năm, thậm chí cao hơn mức lãi suất vay nặng lãi hiện nay.

Dịch vụ cho khách hàng dưới chuẩn

Cũng giống vay nặng lãi, đối tượng chủ yếu của vay trực tuyến hiện nay chính là những khách hàng dưới chuẩn, không đáp ứng đủ điều kiện vay ngân hàng hay qua công ty tài chính.

Anh Phạm Văn V (22 tuổi, Phú Thọ) cho biết đã vay được 3 triệu đồng từ hình thức vay trực tuyến này mà không cần cầm cố tài sản nào. Tuy nhiên, đổi lại cậu sinh viên này đang phải chịu mức lãi suất “cắt cổ” lên tới 600%/năm, bao gồm cả tiền lãi suất vay và phí quản lý khoản vay.

Các yêu cầu đối với người vay của loại hình vay online, vay trực tuyến cũng tương đối đơn giản khi chỉ yêu cầu là công dân từ 18-60 tuổi (tại một số công ty yêu cầu mức tuổi tối thiểu là 20) đang sinh sống và làm việc tại Hà Nội hoặc có hộ khẩu nội thành tại TP.HCM. Ngoài ra, các công ty này không hề xác minh về nhân thân, nguồn tiền thu nhập hàng tháng, lịch sử tín dụng... để đưa ra mức chấm điểm tín dụng cho khách hàng.

Các khoản vay trực tuyến thường có giá trị nhỏ từ 2-10 triệu đồng và thời gian trả nợ ngắn. Ảnh chụp màn hình.

Một điểm tương đồng khác giữa 2 loại hình vay tiền này chính là giá trị khoản vay nhỏ, chủ yếu đáp ứng nhu cầu cấp bách trong ngắn hạn. Thông thường các công ty cho vay trực tuyến chỉ giải ngân các khoản vay từ 2-10 triệu đồng. Một số công ty đã hoạt động lâu năm có mức giải ngân tối đa 30 triệu đồng. Thời gian vay cũng chỉ dao động trong vòng 1-3 tháng, và người vay sẽ trả góp hàng ngày với mức lãi suất tính theo ngày lên tới 1-1,2% chưa bao gồm chi phí quản lý khoản vay, chi phí môi giới mà các công ty cung cấp phần mền cho vay.

Các chuyên gia tài chính cho biết khác với quan hệ vay tại ngân hàng hay các công ty tài chính, việc vay tiền qua tín dụng đen cũng như vay trực tuyến vẫn chưa có quy định hướng dẫn cụ thể nào và tiềm ẩn nhiều rủi ro với người đi vay.

Tín dụng đen với lãi suất “cắt cổ” vẫn tồn tại bởi ưu thế thủ tục nhanh gọn và giải ngân ngay lập tức. Chính việc vay dễ dàng của loại hình này khiến nhiều khách hàng dưới chuẩn vẫn tìm đến khi có nhu cầu về tài chính. Tương tự khi các khoản vay trực tuyến thường được giải ngân rất nhanh chóng từ khi đăng ký vay. “Vay tiền siêu nhanh”, “giải ngân chỉ sau 10 phút”… cũng là những chiêu quảng cáo của các website cho vay trực tuyến để thu hút khách hàng.

Vay dân sự, lãi suất “cắt cổ”

Theo chuyên gia tài chính ngân hàng, bản chất của cho vay trực tuyến là loại hình cho vay ngang hàng (P2P), vốn phổ biến tại một số quốc gia. Loại hình này luôn có một công ty, tổ chức làm trung gian cung cấp công nghệ kết nối người cho vay và người vay. Bên cho vay và bên vay sẽ tự thỏa thuận lãi suất, doanh nghiệp đóng vai trung gian, thu phí dịch vụ.

Căn cứ theo mô hình này, thực chất vay trực tuyến là những quan hệ vay dân sự, nên phải tuân thủ theo quy định của Luật Dân sự 2015 về lãi suất cho vay không quá 20%/năm và quy định lãi suất không quá 100%/năm của Luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).

Tuy nhiên hiện nay, cả vay tín dụng đen lẫn cho vay trực tuyến đều đưa ra mức lãi suất lên tới vài trăm phần trăm một năm.

Lãi suất vay trực tuyến thậm chí còn cao hơn lãi suất vay tín dụng đen. Ảnh minh họa: Quang Thắng.

Theo khảo sát của Zing.vn, hiện lãi suất phổ biến của các tiệm cầm đồ khu vực Hà Nội vào khoảng 3.000-5.000 đồng/triệu/ngày, tương đương 180%/năm với khoản vay có tài sản thế chấp. Với những khoản vay không có tài sản thế chấp, mức lãi suất được đẩy lên 7.000-9.000 đồng/triệu/ngày, tương đương 324%.

Mức lãi suất này cao hơn nhiều so với các loại hình vay vốn còn lại của nền kinh tế khi hầu hết bị áp trần lãi suất không được vượt quá 20%. Trừ trường hợp cho vay của các công ty tài chính hiện nay được cho phép lãi suất thỏa thuận giữa các bên, nhưng dải lãi suất phổ biến cũng khoảng 20-39%/năm.

Trong khi đó, hầu hết công ty cho vay trực tuyến hiện nay đều đưa ra mức lãi suất vào khoảng 39%/tháng, tương đương 468%/năm. Một số công ty niêm yết mức lãi suất là 1,65%/tháng (19,8%/năm) nhưng lại thu phí quản lý khoản vay và phí thẩm định tư vấn khiến chi phí người vay phải chịu đội lên rất nhiều lần.

Như trường hợp gần đây, khi một công ty cho vay đã tính lãi bằng lãi suất cộng với phí dịch vụ. Do chỉ đưa ra lãi suất 8-20%/năm nên công ty đã né được quy định của Luật Dân sự 2015. Tuy nhiên, mức phí dịch vụ cùng phí quản lý khoản vay, công ty này đang thu lãi của khách hàng lên tới 720%/năm.

Các chuyên gia cũng cho rằng vay trực tuyến nằm ngoài khuôn khổ của Luật các tổ chức tín dụng nên bên cho vay thường tính lãi theo dư nợ ban đầu, đặt ra nhiều loại phí liên quan đến khoản vay. Mục đích là để thu hồi vốn cho vay càng nhanh càng tốt qua đó giảm rủi ro trong các khoản vay. Các công ty này cũng thường đi kèm quy định như có quyền tăng lãi suất, phí dịch vụ… nhằm đẩy chi phí vốn vay lên cao.

Quang Thắng

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/vay-online-lai-suat-toi-700-mot-dang-tin-dung-den-moi-post879752.html