Vay online lãi suất tới 700%, rủi ro và trách nhiệm

Các dịch vụ tài chính, từ ngân hàng đến cầm đồ, đại lý bảo hiểm, đều thuộc lĩnh vực kinh doanh có điều kiện. Thế mà các công ty cho vay online chưa nằm trong khung pháp lý nào.

Vay tiền nhanh trong 10 phút, vay tiền nóng online, vay tiền mặt không cần giấy tờ"..., những lời rao như vậy đang ngày càng phổ biến. Tiếp cận tín dụng chưa bao giờ dễ dàng đến vậy tại Việt Nam. Và đi liền với nó là không ít hệ lụy, mà trước hết là lãi suất trên trời, tới 700%/năm và sự bùng nổ của đòi nợ thuê. Các hình thức vay online nằm trong hạng mục cho vay ngang hàng (P2P Lending) đang phát triển với tốc độ chóng mặt ở Việt Nam. Trong vài năm, hàng chục công ty cho vay ngang hàng xuất hiện ở Việt Nam từ Tima, Mosa, Mofin, Moneybank, Meup 68, Fiin, Lendbiz, AHO… Đa số các công ty tập trung vào vay tiêu dùng giá trị thấp, nhưng cũng có công ty chọn phân khúc doanh nghiệp nhỏ với các khoản vay phổ biến vài trăm triệu đồng như Lendbiz.

Hình thức cho vay online có gì khác biệt? Ai chịu trách nhiệm quản lý hình thức này, và quản ra sao?

Bùng nổ vay online, ai quản lý?

Vay ngang hàng tương đối khác với loại hình tín dụng truyền thống như ngân hàng/công ty tài chính khi người cần tiền vay trực tiếp từ ngân hàng/công ty tài chính (gọi chung là tổ chức tín dụng). Bản thân tổ chức tín dụng phải đi huy động tiền gửi từ khách gửi tiền, phải chịu trách nhiệm về tiền gửi cho khách và hưởng lãi suất chênh lệch giữa huy động và cho vay.Trong khi đó, công ty cho vay ngang hàng (P2P) không phải là tổ chức tín dụng, chỉ thuần túy đóng vai trò trung gian giúp người cần tiền vay từ một cá nhân khác thông qua một platform (nền tảng) như trang web hoặc app điện thoại. Có người còn ví cho vay ngang hàng như là Grab/Uber trong lĩnh vực tín dụng. Tuy vậy, công ty P2P hầu như chỉ khác ngân hàng ở việc không phải chịu trách nhiệm với người gửi tiền còn vẫn làm mọi việc từ thu thập hồ sơ vay, thẩm định khoản vay, giải ngân và thu nợ.

Trong mô hình P2P, không có người gửi tiền mà chỉ có người đầu tư, là người trực tiếp cho vay để hưởng lãi suất cao hơn lãi tiền gửi ngân hàng.

Đằng sau sự bùng nổ của vay ngang hàng tại Việt Nam là gì? Có thể nhìn thấy 2 nguyên nhân. Thứ nhất, ai làm tín dụng lâu năm đều hiểu một thực tế là người vay lúc nào cũng nhiều hơn người cho vay. Nói cách khác, cầu tín dụng luôn lớn hơn cung. Mười người lên ngân hàng vay thì chỉ vài người thấy cái gật đầu của ngân hàng. Lý do đơn giản là ngân hàng chỉ đồng ý với ai mà họ tin có đủ khả năng trả nợ đúng hạn. Các nhà băng chỉ chấp nhận một tỷ lệ nợ xấu khoảng 1%-3%.

Đến khi công ty tài chính tiêu dùng tham gia thị trường, họ hạ điều kiện vay xuống thấp hơn ngân hàng và khách hàng tìm tới nườm nượp. Tuy nhiên nhu cầu vay vẫn còn rất lớn. Các công ty tài chính cũng bị giới hạn về nguồn vốn do không được trực tiếp huy động từ dân cư như ngân hàng.

P2P xuất hiện, tiêu chuẩn cho vay thậm chí còn đơn giản hơn công ty tài chính, và gỡ bỏ nút thắt về nguồn vốn bằng cách đứng ra làm trung gian giữa người cần vay và người muốn cho vay trực tiếp. Cả một bầu trời rộng mở cho P2P.

Trong mô hình P2P, không có người gửi tiền mà chỉ có người đầu tư, là người trực tiếp cho vay để hưởng lãi suất cao hơn lãi tiền gửi ngân hàng.

Một lý do khác cho sự bùng nổ này đến từ sự phổ biến nhanh đến mức chóng mặt của của Internet và smartphone tại Việt Nam. Từ bà ngoại đến em bé tiểu học ai cũng biết dùng smartphone. Internet thì phủ đến vùng cao và hải đảo. Mọi người dần có thói quen lên mạng search thông tin trước khi muốn dùng một sản phẩm dịch vụ nào đó.

P2P đang thực sự đóng vai trò trung gian tín dụng, một chức năng vốn chỉ cấp phép cho các tổ chức tín dụng chính thức như ngân hàng hay các công ty tài chính.

Cho vay P2P thực hiện mọi thứ qua mạng, qua app điện thoại, khiến người vay và người cho vay không phải tốn thời gian, công sức. Hơn nữa bản thân công ty P2P không phải tốn nhiều tiền cho mạng lưới văn phòng giao dịch, đội ngũ nhân viên… Không bùng nổ mới là chuyện lạ.

Thế nhưng, sự bùng nổ đi liền với nhiều hệ lụy. Đầu tiên là chuyện pháp lý. Các công ty P2P khẳng định mình là công ty công nghệ chứ không phải ngân hàng. Điều này không sai, nhưng phải thấy rằng P2P đang thực sự đóng vai trò trung gian tín dụng, một chức năng vốn chỉ được cấp phép cho các tổ chức tín dụng chính thức như ngân hàng hay công ty tài chính.

Cụ thể, P2P không phải chỉ là môi giới thuần túy mà đang thực hiện gần như tất cả các công việc mà một tổ chức tín dụng làm khi cho vay: thiết kế loại hình vay, quy định điều kiện vay, thẩm định khoản vay, ký kết giấy tờ pháp lý, giải ngân và thu nợ.

Phải khẳng định thế này, P2P ít nhất cũng đang cung cấp dịch vụ tài chính. Các dịch vụ tài chính từ ngân hàng đến cầm đồ, thậm chí cả đại lý bảo hiểm cũng đều thuộc lĩnh vực kinh doanh có điều kiện. Thế mà hiện nay P2P chưa nằm trong bất cứ khung pháp lý nào cả.

Vậy cơ quan nào giám sát để đảm bảo P2P đủ năng lực và không gây mất an toàn xã hội? Thiết nghĩ, cần thiết phải bổ sung vào các quy định pháp luật hiện tại về hình thức cho vay ngang hàng.

Kế đến, chính NHNN phải đóng vai trò cơ quan thẩm định điều kiện cấp phép thành lập đồng thời giám sát hoạt động của các công ty P2P.

Rủi ro đổ vỡ

Kế đến là chuyện rủi ro. Cho vay ngang hàng nhắm đến các khoản vay nhỏ, đa số là tín chấp và không đủ điều kiện vay ở các tổ chức tín dụng. Vay qua P2P rất dễ dàng, thậm chí có thể loại vay chỉ cần tài khoản iCloud là vay được, và nhanh chóng đến mức nửa tiếng sau khi khai hồ sơ qua mạng sẽ có nhân viên gọi thông báo kết quả rồi giải ngân trong ngày. Quy luật kinh tế là điều kiện vay vận động trái chiều với tỷ lệ không trả nợ. Ngân hàng thường có tỷ lệ nợ xấu trong khoảng 1%-3%, các công ty tài chính tiêu dùng khoảng gấp đôi tỷ lệ đó (FE Credit quý I/2018 là 5,9%). Thế thì tỷ lệ nợ xấu của hình thức cho vay ngang hàng là bao nhiêu? Chưa một công ty P2P nào công bố, và cũng không có quy định nào của pháp luật bắt công bố.

Tỷ lệ nợ xấu của hình thức cho vay ngang hàng là bao nhiêu? Chưa một công ty P2P nào công bố, và cũng không có quy định nào của pháp luật bắt công bố.

Ngược lại, dễ dàng bắt gặp trên website P2P những lời có cánh về một hình thức đầu tư lãi suất hấp dẫn lại an toàn. Thực chất là có rủi ro mất tiền khi người vay không trả nợ. Biện pháp xử lý khi đó là gì? Công ty P2P có cam kết san sẻ tổn thất với người đầu tư không? Hầu như chưa có câu trả lời cho tình huống tất yếu phải có này.

Theo dữ liệu của Online Lending House, cuối năm 2017 ở Trung Quốc chỉ còn chưa đến 2000 nền tảng cho vay ngang hàng còn hoạt động trong tổng số khoảng 6000 P2P ra đời trong những năm qua. Các công ty P2P là những start-up fintech chịu áp lực đào thải rất lớn khi không cân bằng được giữa thu nhập và chi phí.

Nếu vào một ngày xấu trời một công ty P2P nào đó phải đóng cửa, chuyện gì xảy ra cho những khoản tiền của người cho vay? Một công ty P2P khác đứng ra nhận chuyển giao khách hàng và mọi trách nhiệm đi kèm là giải pháp tốt. Nếu không được như thế, người ta sẽ thấy lại câu chuyện của iFan hay một vài quỹ tín dụng đổ vỡ thời gian qua.

Câu chuyện rủi ro còn có yếu tố khác. Người cho vay thực chất chỉ làm nhiệm vụ cung cấp tiền, còn mọi vấn đề chuyên môn tín dụng đều do công ty P2P đảm nhiệm. Công ty P2P tuyên bố dùng công nghệ hiện đại để đánh giá khoản vay, nhưng công nghệ đó như thế nào, có đảm bảo rủi ro tín dụng ở mức mà nhà đầu tư chấp nhận hay không là vấn đề hoàn toàn bỏ ngỏ. Người đầu tư cho vay qua P2P có vẻ như đang chịu bất cân xứng thông tin khá lớn.

Ngoài ra còn có rủi ro liên quan đến gian lận. Phần lớn công ty P2P cho phép người vay chỉ cần scan một vài tài liệu và gửi qua mạng mà không cần phải đến trực tiếp giao dịch. Chuyện kẻ xấu làm giả mạo hồ sơ để vay vốn ở các tổ chức tín dụng như ngân hàng hay công ty tài chính là câu chuyện thường ngày.

Môi trường vay online 100% càng tạo điều kiện cho gian lận phát sinh. Các công ty P2P liệu có đủ năng lực và kinh nghiệm đối phó với gian lận tài chính, gian lận công nghệ không?

Môi trường vay online 100% càng tạo điều kiện cho gian lận phát sinh. Các công ty P2P liệu có đủ năng lực và kinh nghiệm đối phó với gian lận tài chính, gian lận công nghệ không? Đó là chưa nói đến việc người vay khi gửi hồ sơ như thế phải hoàn toàn tin tưởng là công ty P2P có quy trình quản trị rủi ro tốt, có khả năng bảo mật tuyệt đối dữ liệu khỏi hacker cũng như một vài nhân viên xấu tính.

Cuối cùng, nhìn ở góc độ vĩ mô thì tín dụng luôn là con dao hai lưỡi. Ai cũng hiểu thẻ tín dụng dễ làm người ta vung tay quá trớn như thế nào khi bản thân không thể kiềm chế việc tiêu tiền trước rồi trả sau. Mà để cấp thẻ tín dụng các ngân hàng còn ràng buộc nhiều điều kiện về thu nhập tối thiểu.

Trong khi mô hình cho vay ngang hàng đang khiến cho việc vay vốn gần như còn rất ít rào cản, có nghĩa là phổ cập tín dụng. Hãy hình dung khi mà từ học sinh sinh viên đến bà bán xôi ai cũng có một khoản vay nào đó, thì sự phổ cập đó có phải là điều đáng mừng cho nền kinh tế? Dễ dàng vay vốn thường làm mất kỷ luật tài chính, mà mất kỷ luật tài chính thường là căn nguyên dẫn đến nhiều đổ vỡ về sau.

Phùng Hữu Hạnh
Illustration: Như Ý

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/vay-online-lai-suat-toi-700-rui-ro-va-trach-nhiem-post878530.html