Vay TQ nghiên cứu đường sắt Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng: Băn khoăn

Hiệu quả của tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng sẽ như thế nào nếu cảng Hải Phòng đang quá tải?

Kỳ vọng vận chuyển 50% số lượng hàng hóa

Ngày 10/3/2019, Bộ GTVT đã có buổi làm việc với Công ty hữu hạn Tập đoàn Viện Khảo sát thiết kế số năm Đường sắt Trung Quốc (đơn vị tư vấn lập quy hoạch) về dự án đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng.

Dự án là điểm nối hoạt động kinh tế giữa Trung Quốc với Hà Nội và cảng Hải Phòng. Dự án đi qua 8 tỉnh của Việt Nam với chiều dài khoảng 392km, gồm: Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng.

Đơn vị tư vấn đã đưa ra 2 phương án, một là cải tạo đường hiện có thành đường khổ lồng. Phương án hai là xây dựng tuyến mới khổ tiêu chuẩn (1.435 mm). Qua phân tích ưu nhược điểm của từng phương án, tư vấn kiến nghị lựa chọn phương án hai.

Ngày 11/3/2019, chia sẻ với Đất Việt về dự án đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, ông Lê Duy Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội Logistics Việt Nam bày tỏ quan điểm ủng hộ dự án. "Tôi kỳ vọng khi dự án đi vào hoạt động sẽ vận chuyển 50% khối lượng hàng hóa từ các tỉnh Tây Bắc đến cảng Hải Phòng để đi ra các nước trên thế giới".

Theo Chủ tịch Hiệp hội Logistics Việt nam, hiện nay để kết nối Lào Cai với Hải Phòng đã có 2 tuyến đường cao tốc lớn là Lào Cai - Hà Nội và Hà Nội - Hải Phòng, việc đi lại cũng dễ dàng nhưng mất nhiều thời gian và chi phí.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Ông Hiệp cho biết: "Độ rủi ro của việc di chuyển đường bộ thường cao hơn đường sắt. Khả năng tắc đường, tai nạn của đường sắt luôn ít hơn nên nếu như vận chuyển hàng hóa bằng đường sắt sẽ an toàn, tiết kiệm được hơn nhiều.

Hiện nay, chất lượng đường sắt của Việt Nam đang rất lạc hậu, những tuyến đường sắt chuyên trở hàng không có trong khi các nước trên thế giới thì phát triển từ lâu. Trong tương lai, Việt Nam cũng rất cần phát triển thêm những tuyến đường sắt khổ rộng như thế".

Để dự án này đạt hiệu quả cao, ông Hiệp cho rằng, tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng không nên gộp cả việc vận chuyển hành khách mà chỉ nên chuyên về hàng hóa. Việc vận chuyển hành khách nên để cho tuyến đường sắt Bắc - Nam hoạt động.

Lo ngại không hiệu quả

Tuy nhiên, một chuyên gia (xin được phép giấu tên) nhìn nhận, dự án đang đặt ra nhiều lo ngại về vấn đề hiệu quả kinh tế. Bởi theo vị chuyên gia này, thực tế lượng hàng hóa từ Lào Cai, Vĩnh Phúc, Yên Bái đi Hải Phòng không nhiều.

Trục đường cao tốc Lào Cai - Hà Nội và Hà Nội - Hải Phòng hiện có cũng đang đáp ứng tương đối tốt cho việc vận chuyển hàng hóa. "Nếu dự án đường sắt mới được làm sẽ tăng thêm khả năng vận chuyển hành khách, hàng hóa nhưng chưa cần thiết. Khả năng vận chuyển bằng đường bộ hiện nay cũng đáp ứng đủ nhu cầu, hiện mới chỉ khai thác hết khoảng 30%.

Trong bối cảnh nợ công tăng cao thì việc đầu tư dự án hiệu quả thế nào là điều cần phải tính đến chứ không chỉ nghĩ cứ có thêm hạ tầng là vui. Điều đó chẳng khác nào nhà nghèo nhưng vẫn thích mua sắm..." - vị chuyên gia bày tỏ.

Cũng theo vị chuyên gia này, để tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng phát triển hiệu quả thì phải kết nối được với cảng Hải Phòng. Tuy nhiên, cảng Hải Phòng đang hoạt động hết công suất và có nguy cơ quá tải trong tương lai.

Ông đặt câu hỏi: "Cảng Hải Phòng quá tải, hàng hóa dồn về đây bị ùn ứ, khó xuất khẩu ra nước ngoài thì hiệu quả của tuyến đường sắt sẽ tới đâu?"

TS Nguyễn Xuân Thủy - Giám đốc Nhà xuất bản Giao thông cũng cho rằng, dự án đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng rất xa xôi, thậm chí cảm thấy hơi... vô duyên. Bởi, bài toán chính của ngành giao thông hiện nay là nâng cấp, cải tạo tuyến đường sắt Bắc-Nam hiện tại vì đã rất lạc hậu, sau đó đến giai đoạn 2025-2030 thì làm nghiên cứu tiền khả thi dự án đường sắt cao tốc Bắc-Nam tốc độ 350km/h.

Mặc khác, ông Thủy cũng đặt ra vấn đề, Việt Nam cần cẩn trọng khi đơn vị tư vấn là của Trung Quốc, phía Trung Quốc cho Việt Nam vay 10 triệu nhân dân tệ để nghiên cứu tuyến đường sắt này.

"Chúng ta phải rút kinh nghiệm, bài học đã có đối với tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông, việc ký hợp đồng và chọn đối tác phải hết sức thận trọng. Chúng ta phải cho chuyên gia đi xem từng mét đường và nhưng người được cử đi phải là người đúng nghề, có trách nhiệm với đất nước chứ không phải những người đi cưỡi ngựa xem hoa rồi về làm không hiệu quả" - ông Thủy nói.

Vân Nam

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/vay-tq-nghien-cuu-duong-sat-lao-cai-ha-noi-hai-phong-ban-khoan-3376125/