Vay trực tuyến: Lời hoa mỹ và sự thật tín dụng đen

Chỉ cần CMND hay thẻ căn cước và một chiếc smartphone là người vay có thể được vay siêu tốc với mức vay thông thường từ 1-10 triệu đồng.

Quảng cáo hấp dẫn

Hàng loạt trang web cho vay trực tuyến đang nở rộ như doctordong, ATMonline, monily, SHA... với lời quảng cáo hoa mỹ như đăng ký ngay, nhận tiền liền tay, giải pháp tài chính trong vòng 24 giờ...

Đối tượng cho vay của các trang web này là người có độ tuổi từ 22-60, có thu nhập hàng tháng ổn định và có tài sản cam kết để đảm bảo khoản vay theo các điều kiện của bên cho vay. Người vay chỉ cần có chứng minh nhân dân hay thẻ căn cước công dân, đang sở hữu tài khoản ngân hàng bất kỳ và còn hiệu lực, sở hữu hợp pháp tài sản đảm bảo như smartphone, xe máy, điện máy... là trong vòng 1 giờ có thể vay được số tiền từ 1-10 triệu đồng.

Sau bước điền thông tin, lập tức trong vòng 5 phút, khoản vay của khách sẽ được xét duyệt và người vay nhận được tiền qua tài khoản ngân hàng hoặc điểm giao dịch của bên cho vay. Khách sẽ thanh toán khoản vay vào cuối kỳ tại bất kỳ điểm giao dịch nào của đối tác.

Theo thông tin chính thức trên các trang cho vay trực tuyến, ngoài lãi suất, người vay cần trả thêm phí dịch vụ và phí tư vấn quy định trong hợp đồng. Cụ thể, lãi suất vay ở doctordong là 10,95%/năm, ATMonline 12%/năm và kèm theo phí dịch vụ, tư vấn.

Trong khi đó, tại Monily, tỷ lệ lãi suất là 1-1,2%/ngày. Ví dụ, khách vay 2 triệu đồng trong 30 ngày, tỷ lệ lãi suất là 1%/ngày thì cuối kỳ khách phải trả 2,8 triệu đồng.

Một trong những website cho vay trực tuyến.

Điều đáng nói, trên các trang web cho vay trực tuyến không hề đề cập đến mức phí quản lý, loại phí đẩy lãi suất cho vay lên mức "cắt cổ" mà rất nhiều người vay trực tuyến phản ánh trên báo chí.

Theo phản ánh của nhiều người vay trực tuyến trước đó, họ chỉ biết đến loại phí quản lý này sau khi đã hoàn tất thủ tục vay. Theo đó, đơn vị cho vay không tính lãi theo lãi suất như đã thể hiện trong hợp đồng cho vay cầm cố mà thu phí quản lý khoản vay với mức 2%/ngày, tức 60%/tháng, 720% /năm.

Liên hệ với nhân viên tư vấn của doctordong, người này cho biết, đối với người vay lần đầu, đối tác cho vay của doctordong là Công ty TNHH MTV TMDV Vạn An Phát (VAP) chỉ hỗ trợ cho vay từ 1-2,5 triệu đồng trong kỳ hạn vay là 10, 20 hoặc 30 ngày.

Chẳng hạn, khách vay 2,5 triệu đồng trong 30 ngày thì tổng số tiền cần thanh toán là 3,480 triệu đồng, trong đó đã gồm phí quản lý hồ sơ và phí dịch vụ vay. Khi thanh toán, khách chỉ cần thanh toán theo đúng mức tiền được thông báo.

Còn nhân viên của ATMonline khẳng định, bên công ty không có loại phí nào gọi là phí quản lý. Số tiền khách thanh toán cho mỗi khoản vay (đã được tính tự động trước cho khách trên website khi khách gõ số tiền cần vay) đúng như thông báo trên website mà không thêm bất kỳ khoản nào khác. Số tiền đã gồm cả lãi suất và phí dịch vụ.

"Chẳng hạn, khách vay 3 triệu đồng tại ATMonline với kỳ hạn 3 tháng, tính ra mỗi tháng khách phải trả góp 1.425.066 đồng. Khách chỉ cần đóng đúng số tiền này, ngoài ra không còn bất kỳ số tiền nào khác.

ATMonline là công ty tài chính, không qua trung gian gì hết và số tiền công ty cho mượn là tiền của công ty luôn. Có nhiều người bình luận, nói xấu công ty, tất cả đều không đúng sự thật", nữ nhân viên ATMonline nói.

Hình thức cho vay nặng lãi

Trao đổi với Đất Việt, chuyên gia kinh tế-tài chính Trịnh Đoàn Tuấn Linh cho hay, cho vay trực tuyến là loại hình cho vay ngang hàng Peer to Peer (Lending) phổ biến, hiệu quả và văn minh ở nhiều quốc gia trên thế giới. Loại hình cho vay này không thông qua ngân hàng, mà cho người có tiền và người thiếu tiền gặp nhau để giảm bớt phí trung gian của ngân hàng. Đơn vị đứng ra làm trung gian cho người có tiền và người có nhu cầu vay gặp nhau chỉ hưởng chút phí môi giới rất hợp lý.

Hình thức cho vay này khiến nhiều ngân hàng nước ngoài lo lắng vì nó đe dọa đến thị phần của ngân hàng.

Tuy nhiên, khi qua Việt Nam, hình thức cho vay nói trên lại bị biến tướng, thường được quảng cáo bằng những lời rất hoa mỹ rằng đó là hình thức cho vay hiện đại nhưng thực ra đó là tín dụng đen, cho vay nặng lãi.

Theo ông Linh, khi đi vay trực tuyến, người vay phải chịu một chi phí để sử dụng số tiền vay trong thời gian thỏa thuận. Chi phí đó gồm 2 phần: lãi suất và phần phí.

"Hiện nay Ngân hàng Nhà nước và pháp luật dân sự và chỉ quy định lãi suất và một số loại phí. Tuy nhiên, pháp luật không thể nào quy định chi tiết loại phí nào cấm, loại phí nào không cấm. Cho nên mới sinh ra những loại phí không nằm trong danh mục và để xử lý các đơn vị cho vay trực tuyến nói trên không phải là dễ.

Phải phân tích từng trường hợp cụ thể, đối chiếu các quy định cụ thể thì mới có thể biết được hành vi ấy có vi phạm quy định của pháp luật hay không. Những người cho vay hình thức này chắc hẳn cũng đã nghiên cứu luật rất kỹ, từ đó đưa ra những loại phí mà pháp luật không cấm", vị chuyên gia nhận xét.

Ông cũng khẳng định, hiện nay các ngân hàng, công ty tài chính chính danh có rất nhiều sản phẩm lành mạnh, phục vụ nhu cầu vay của khách hàng. Những người tham gia vay trực tuyến không phải không biết điều này nhưng có thể họ không đáp ứng được yêu cầu mà phía ngân hàng đưa ra.

Chẳng hạn, không có nguồn thu nhập hay không chứng minh được thu nhập hợp pháp... Cũng có một số ít trường hợp khách hàng chưa biết đến kênh ngân hàng và chỉ vô tình biết đến kênh vay trực tuyến.

Bởi cho vay trực tuyến đang phát triển nhanh và phức tạp nên ông Linh khuyến cáo, hình thức rất cần được kiểm soát và quản lý chặt chẽ bởi các quy định của pháp luật.

Thành Luân

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/tai-chinh/vay-truc-tuyen-loi-hoa-my-va-su-that-tin-dung-den-3365879/