Vay vốn quốc tế, coi chừng rủi ro

TGTTO Gần đây, hàng loạt ngân hàng tìm nguồn vốn vay ngoại tệ từ các tổ chức, định chế tài chính nước ngoài nhằm gia tăng nguồn vốn trung dài hạn, cải thiện nội lực tài chính. Tuy nhiên, thị trường tiền tệ quốc tế đang biến động mạnh với xu hướng đồng USD tăng mạnh mẽ, cần dè chừng rủi ro tỷ giá.

Vì sao phải tìm vốn ngoại tệ?

Trong 3 năm trở lại đây, với tình hình nguồn tiền gửi ngoại tệ giảm sút do trần lãi suất huy động USD về 0% kể từ cuối năm 2015, cũng như để tăng cường nguồn vốn trung dài hạn khi quy định về tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn được điều chỉnh giảm xuống, nhiều ngân hàng trong nước đã tích cực vay vốn ngoại tệ từ các tổ chức, định chế tài chính nước ngoài, thông qua các khoản vay hợp vốn, tài trợ thương mại hay phát hành trái phiếu dài hạn.

Thực tế diễn biến tại các ngân hàng cho thấy, lượng tiền gửi ngoại tệ tại các ngân hàng liên tiếp sụt giảm do khách hàng có xu hướng chuyển dịch vốn từ ngoại tệ sang tiền đồng để được hưởng lãi suất cao hơn, nhất là khi thị trường ngoại hối đã được kiểm soát ổn định, tỷ giá không còn biến động đột ngột như giai đoạn trước, nên vị thế tiền đồng cũng ngày được nâng lên.

Trong khi đó, nhu cầu vay vốn ngoại tệ từ khách hàng vẫn ở mức cao do chênh lệch lãi suất vay giữa ngoại tệ và tiền đồng vẫn ở mức khá cao. Đặc biệt là kênh vay vốn ngoại tệ đối với doanh nghiệp xuất khẩu vẫn tiếp được gia hạn hết lần này đến lần khác, do đó áp lực vốn về ngoại tệ tại các ngân hàng là khá lớn. Nhiều ngân hàng thậm chí phải bán tiền đồng lấy ngoại tệ để đủ vốn cung ứng cho khách hàng.

Xu hướng vay vốn ngoại tệ đặc biệt càng gia tăng kể từ cuối năm ngoái đến nay, khi hàng loạt ngân hàng như Lienvietpostbank, SHB, OCB, VPBank, VIB, ABBank, Tpbank, Vietinbank,...đã tiếp cận thành công nguồn vốn ngoại tệ của các ngân hàng nước ngoài, những tổ chức tài chính như IFC,…

Vay vốn quốc tế - lợi ích và rủi ro luôn song hành

Lợi ích là gì?

Việc vay vốn ngoại tệ không chỉ giúp các ngân hàng đẩy mạnh được hoạt động kinh doanh, đáp ứng được nhu cầu vay ngoại tệ của các doanh nghiệp trong nước, mà còn có thể chuyển sang tiền đồng đem cho vay với lãi suất cao hơn giúp biên lợi nhuận gia tăng đáng kể.

Với lãi suất cho vay USD liên ngân hàng (LIBOR) trên thị trường quốc tế hiện nay gần 3% ở kỳ hạn 12 tháng, thì những khoản vay thương mại trung dài hạn ít nhất cũng tử 5%. Ngoài ra, phí bảo hiểm rủi ro (CDS) của trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 5 năm của Việt Nam hiện ở mức gần 1,6%, thì có thể thấy các khoản vay USD mà các ngân hàng trong nước tiếp cận được lãi suất ít nhất cũng từ 5,6%/ năm trở lên.

Trong khi đó, lãi suất cho vay USD trong nước hiện nay cao nhất cũng chỉ ở mức 6%/năm đối với các khoản vay trung dài hạn (theo cập nhật của NHNN), do đó chênh lệch lãi suất đầu vào đầu ra đối với nguồn vốn vay ngoại tệ này là không đáng kể. Tuy nhiên, từ việc đáp ứng các khoản vay ngoại tệ cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, các ngân hàng có thể bán chéo thêm các sản phẩm khác và giữ chân được nhóm khách hàng đầy tiềm năng này.

Ngoài ra, như đã nói thì các ngân hàng cũng có thể chuyển thành tiền đồng để cho vay. Với lãi suất cho vay tiền đồng ngắn hạn cao nhất lên đến 9%/năm và trung dài hạn là 11%/năm (theo cập nhật của NHNN), thì có thể thấy biên độ lãi suất nhận được là rất lớn.

Nhưng coi chừng rủi ro

Dù vậy, trong bối cảnh các ngân hàng trung ương (NHTW) toàn cầu đang có xu hướng thắt chặt chính sách, tiếp tục theo đuổi lộ trình tăng lãi suất thì các khoản vay quốc tế cũng sẽ đối mặt với rủi ro lãi suất, nhất là với những khoản vay có điều kiện thả nổi lãi suất theo thị trường. Hồi tháng 9 vừa qua, NHTW lớn nhất thế giới là Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) đã có lần tăng lãi suất thứ 3 trong năm nay, thứ 8 kể từ cuối 2015 và dự kiến sẽ còn thêm ít nhất 5 lần tăng nữa.

Ngoài ra trước triển vọng đồng USD tiếp tục mạnh lên, và rủi ro khủng hoảng tiền tệ từ các thị trường mới nổi có khả năng lây lan và gây áp lực phá giá tiền tệ lên những nước còn lại, thì rủi ro tỷ giá cũng là điều đáng lưu tâm. Chỉ số USD Index những ngày qua đã vượt mốc 95 trở lại và có thể tiếp tục hướng tới mốc 100, trong bối cảnh lộ trình tăng lãi suất của FED vẫn còn khá dài trong giai đoạn tới. Ở chiều ngược lại, đồng nội tệ của hàng loạt các thị trường mới nổi, đặc biệt ở những nền kinh tế châu Á như Trung Quốc, Ấn Độ hay Indonesia vẫn tiếp tục lao dốc mạnh mẽ.

Do đó, nếu không có sẵn những giải pháp phòng ngừa hữu hiệu, thì rủi ro kép từ lãi suất và tỷ giá sẽ là điều mà các ngân hàng đang nhận nguồn vốn vay ngoại tệ từ quốc tế sẽ phải đối mặt, với những thua lỗ và thiệt hại tiềm tàng. Rõ ràng mỗi năm tiền đồng mất giá 3% vốn đã được xem là ổn định, thì 5 năm cũng đã mất giá đến 15%. Như vậy, chi phí vay vốn ngoại tệ của các ngân hàng trong nước cũng đã tăng thêm 15% trong cùng giai đoạn, đó là chưa nói đến ảnh hưởng từ lãi suất vay vốn có thể được điều chỉnh tăng lên theo xu hướng thị trường và lộ trình thắt chặt chính sách của các NHTW.

MẪN NHI

Nguồn TGTT: http://thegioitiepthi.vn/p/vay-von-quoc-te-coi-chung-rui-ro-14705.html