VBF 2018: Chính sách thuế phải khuyến khích đầu tư, thúc đẩy doanh nghiệp phát triển

Tại Diễn dàn VBF vừa được tổ chức hôm qua tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho biết, Bộ Tài chính cam kết luôn đồng hành cùng DN, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, thúc đẩy sản xuất kinh doanh của DN, góp phần phát triển kinh tế đất nước.

Nhiều ý kiến về cải cách môi trường đầu tư được kiến nghị tại Diễn đàn VBF 2018.

Cam kết đồng hành cùng DN

Tại Diễn đàn VBF 2018, trả lời ý kiến của Hiệp hội DN Anh quốc và Nhóm công tác Thuế, Hải quan có nêu về việc dường như có xu hướng tăng thuế để bù đắp thâm hụt ngân sách, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho biết:

Việc thực hiện khai thuế, thu thuế của cơ quan thuế phải thực hiện theo quy định của pháp luật về thuế. Việt Nam hội nhập sâu với quốc tế và khu vực đòi hỏi chính sách thuế phải được rà soát và cơ cấu lại, điều này thể hiện tại Nghị quyết 25/2016/NQ-QH14 của Quốc hội về cơ cấu lại ngân sách Nhà nước.

“Tuy nhiên, một nguyên tắc căn bản mà Bộ Tài chính đã, đang và sẽ thực hiện, là chính sách thuế phải tiếp tục công khai, minh bạch, rõ ràng, đồng thời khuyến khích thu hút đầu tư và tạo điều kiện cho sản xuất kinh doanh của DN phát triển”, Thứ trưởng Vũ Thị Mai nói.

Thứ trưởng Vũ Thị Mai cũng phản hồi ý kiến cho rằng cơ quan thuế thiếu nhân viên nên không thực hiện kiểm tra hàng năm và đề nghị cơ quan thuế thực hiện thanh tra, kiểm tra hàng năm kịp thời, không nên thực hiện thanh tra kiểm tra 5 năm thời kỳ dài, rồi truy thu, xử phạt…

“Việc thanh tra, kiểm tra của cơ quan thuế thực hiện theo nguyên tắc rủi ro. Với những DN thực hiện tốt, chấp hành pháp luật tốt, cơ quan thuế cung cấp dịch vụ hỗ trợ và khuyến khích DN tuân thủ thực hiện. Các DN có rủi ro về thuế thì tập trung thanh tra. Đây là nguyên tắc quản lý thuế của các nước tiên tiến trên thế giới”, Thứ trưởng Vũ Thị Mai nói.

Vì vậy sẽ không tập trung thanh tra toàn bộ DN mà chỉ với những DN có rủi ro, khi kiểm tra thì kiểm tra chấp hành pháp luật về thuế trong một thời kỳ. Do đó, mong các DN cập nhật các chính sách về thuế để tuân thủ tốt.

Về ý kiến XNK tại chỗ, Thứ trưởng cho biết đã nhận được nhiều kiến nghị của DN về vấn đề này và đã tiếp thu nhiều ý kiến của DN để sửa đổi Nghị định 134/2016/NĐ-CP hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thuế XK, thuế NK.

“Hiện nay Nghị định sửa đổi Nghị định134 hướng dẫn Luật thuế XNK đang ở những khâu hoàn thiện cuối cùng, chúng tôi sẽ tiếp thu ý kiến này để quy định rõ, khuyến khích hoạt động XNK tại chỗ. Nghị định này dự kiến trình Chính phủ trong cuối tháng 12 hoặc đầu tháng 1/2019 và sẽ ban hành sớm nhất có thể”, Thứ trưởng Vũ Thị Mai cho biết.

“Các đề xuất chung đối với ngành Hải quan, chúng tôi xin ghi nhận để nghiên cứu, các ý kiến hợp lý sẽ tiếp thu. Bộ Tài chính cam kết luôn đồng hành cùng DN, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, thúc đẩy sản xuất kinh doanh của DN, góp phần phát triển kinh tế đất nước”, Thứ trưởng Vũ Thị Mai nói.

Một số phản ánh cụ thể

Trước đó, phát biểu tại Diễn đàn VBF 2018, đại diện Hiệp hội DN Anh Quốc tại Việt Nam (BBGV) cho rằng, việc thiếu nhân viên thuế, hải quan dẫn đến việc thanh tra thuế thường diễn ra muộn, có thể lên đến 5 năm sau kì báo cáo thuế. Trong những trường hợp như vậy, DN lại bị phạt hành chính với lỗi thanh toán chậm, khoản phạt thanh toán muộn được tính theo lãi suất xấp xỉ 20% một năm, sau thời hạn 5 năm sẽ gấp đôi số tiền ban đầu.

Theo nhận định của đại diện Hiệp hội này, các DN, nhà đầu tư nước ngoài cho rằng điều này là không công bằng và không hợp lý. Theo đó, nhiều công ty đang phải chịu phí phạt này do cơ quan thuế không thể tiến hành kiểm tra hằng năm một cách kịp thời, mặc dù DN đã nộp giấy tờ đầy đủ và đúng hạn.

Cũng tại Diễn đàn này, Nhóm Công tác Thuế, Hải quan cũng có ý kiến về quyền XK tại chỗ đối với DN FDI. Theo đại diện Nhóm Công tác Thuế, Hải quan, theo quy định hiện hành về hoạt động mua bán hàng hóa của DN FDI, tại Việt Nam, DN FDI có quyền XK được XK hàng hóa mua tại Việt Nam; hàng hóa do tổ chức kinh tế đó đặt gia công tại Việt Nam; hàng hóa NK hợp pháp vào Việt Nam ra nước ngoài và khu vực hải quan riêng khi đáp ứng được một số điều kiện nhất định.

Căn cứ vào quy định tại Thông tư 04/2007/TT-BTM của Bộ Thương mại (này là Bộ Công Thương), DN FDI được thực hiện XK tại chỗ hàng hóa do DN sản xuất tại Việt Nam khi đáp ứng được một số điều kiện nhất định.

Tuy nhiên, Thông tư 04/2007/TT-BTM hiện tại đã hết hiệu lực và chưa có quy định mới thay thế. Đồng thời, các quy định hiện hành không quy định cụ thể về hoạt động XNK tại chỗ và hàng hóa được XNK tại chỗ của tổ chức có vốn đầu tư nước ngoài. Do đó khó khăn cho cả DN lẫn cơ quan Hải quan địa phương khi thực hiện thủ tục hải quan.

Tiếp tục đẩy mạnh cải cách

Thông tin về những cải cách của ngành Thuế và ngành Hải quan thời gian qua, Thứ trưởng Vũ Thị Mai cho biết, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính đã và đang triển khai trên nhiều mặt công tác, tập trung hoàn thiện thể chế, cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm điều kiện kinh doanh, hiện đại hóa, tạo thuận lợi cho DN, nhất là những lĩnh vực có nhiều ảnh hưởng đến DN như thuế và hải quan.

Theo đó, ngành Thuế và Hải quan đã đẩy mạnh kê khai thuế, nộp thuế điện tử với gần 100% DN thực hiện. Năm 2018, ngành Thuế triển khai hoàn thuế điện tử và chuẩn bị thực hiện hóa đơn điện tử, dự kiến cuối năm 2020, 100% DN triển khai hóa đơn điện tử.

Ngành Hải quan cũng đã đẩy mạnh cải cách, hiện đại hóa hải quan. Đặc biệt, năm 2018 việc triển khai chương trình quản lý hải quan tự động tại cảng biển, cảng hàng không đã tạo nhiều thuận lợi cho các DN, từ các DN kinh doanh XNK, DN cảng, DN kho bãi và các DN liên quan.

Trong đẩy mạnh cải cách một cửa quốc gia, một cửa Asean và kiểm tra chuyên ngành, sau Hội nghị do Thủ tướng chủ trì vào tháng 7/2018, Bộ Tài chính với vai trò cơ quan thường trực đã trình Chính phủ Nghị định một cửa Quốc gia, một cửa ASEAN và kiểm tra chuyên ngành. Nghị định này dự kiến được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành tháng 12/2018.

Nếu được ban hành, Nghị định này là bước thay đổi căn bản trong kiểm tra chuyên ngành, trong các thủ tục hành chính, một cửa Quốc gia, một cửa ASEAN và kiểm tra chuyên ngành, đơn giản hóa, thúc đẩy tạo thuận lợi thương mại và nhiều nội dung khác nữa.

“Thực tế, kết quả triển khai cải cách của ngành Tài chính nói chung, cơ quan Thuế và cơ quan Hải quan nói riêng đã được cộng đồng DN, tổ chức quốc tế ghi nhận tích cực. Đây là sự động viên to lớn đối với Bộ Tài chính để tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp cải cách, tạo thuận lợi cho DN, hướng tới môi trường kinh doanh ngày càng lành mạnh, đáp ứng yêu cầu chính đáng của DN và nhà đầu tư trong và ngoài nước”, Thứ trưởng Vũ Thị Mai nói.

H.Anh

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/vbf-2018-chinh-sach-thue-phai-khuyen-khich-dau-tu-thuc-day-doanh-nghiep-phat-trien.aspx