VCCI: Thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư tại Luật Đầu tư và Luật Nhà ở chưa thống nhất

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã công bố báo cáo 'Dòng chảy pháp luật kinh doanh 2019', với nhiều phát hiện đáng quan tâm về thực trạng pháp luật về kinh doanh hiện nay.

Theo báo cáo, thời gian gần đây, hệ thống pháp luật về kinh doanh của nước ta dần được hoàn thiện và có những bước tiến đáng kể trong tư duy quản lý và cách thức thiết kế chính sách.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, hệ thống pháp luật về kinh doanh đang đối mặt với vấn đề bất cập lớn, đó là sự thiếu thống nhất, chồng chéo giữa các văn bản luật khi cùng điều chỉnh về hoạt động đầu tư, kinh doanh.

Trong năm 2019, VCCI đã rà soát, phân tích hơn 20 luật, hàng chục văn bản dưới luật để xác định các điểm thiếu thống nhất, chưa rõ ràng giữa các văn bản pháp luật điều chỉnh quá trình đầu tư, kinh doanh của nhà đầu tư.

Qua đó cho thấy sự chồng chéo, mâu thuẫn tập trung chủ yếu trong 15 luật, đó là: Luật Trồng trọt năm 2018, Luật Đấu giá tài sản năm 2016, Luật Đầu tư năm 2014, Luật Đất đai năm 2013, Luật Xây dựng năm 2014, Luật Nhà ở năm 2014, Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014, Luật Bảo vệ môi trường năm 2014, Luật Đấu thầu năm 2013, Luật Tài nguyên nước năm 2012, Luật Khoáng sản năm 2010, Luật Quy hoạch đô thị năm 2009, Luật Đa dạng sinh học năm 2008, Luật Hóa chất năm 2007, Luật Thương mại năm 2005.

Ảnh minh họa (nguồn: internet)

Ảnh minh họa (nguồn: internet)

Trong đó, mâu thuẫn, chồng chéo nhiều nhất liên quan đến điều kiện, trình tự, thủ tục đầu tư, tập trung tại các Luật về: đầu tư, đất đai, xây dựng, kinh doanh bất động sản, nhà ở, khoáng sản, bảo vệ môi trường, tài nguyên nước… Ngoài ra, giữa các văn bản pháp luật về kinh doanh còn có sự thiếu thống nhất khi quy định về các khái niệm; sự chồng lấn khi ban hành các Danh mục ngành nghề, lĩnh vực cấm kinh doanh hoặc kinh doanh có điều kiện…

Đáng quan tâm, chưa có sự thống nhất về thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư quy định tại Luật Đầu tư và Luật Nhà ở. Cụ thể, Luật Nhà ở quy định, đối với dự án xây dựng nhà ở thuộc diện quyết định chủ trương đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư thì thực hiện theo quy định của Luật Đầu tư.

Đối với dự án không thuộc diện quyết định chủ trương đầu tư theo Luật đầu tư thì phải thực hiện chấp thuận chủ trương đầu tư theo quy định của Chính phủ. Nghị định 99/2015/NĐ-CP quy định chi tiết về các trường hợp và thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư của các dự án đầu tư về nhà ở.

Quy định này được hiểu, bất kỳ dự án xây dựng nhà ở nào cũng phải thực hiện thủ tục liên quan đến đầu tư trước khi triển khai dự án. Trong khi đó, theo Luật Đầu tư thì những dự án không thuộc diện phải chấp thuận chủ trương đầu tư, những dự án có vốn đầu tư nước ngoài trong đó nhà đầu tư nước ngoài sở hữu dưới 51% thì sẽ không phải thực hiện bất kỳ thủ tục nào liên quan đến chấp thuận chủ trương đầu tư trước khi triển khai dự án đầu tư.

Như vậy, giữa Luật Nhà ở và Luật Đầu tư chưa thống nhất về các thủ tục liên quan đến đầu tư của các dự án không thuộc diện phải chấp thuận chủ trương đầu tư. Trên thực tế đối với thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư dự án xây dựng nhà ở, một số địa phương chỉ yêu cầu nhà đầu tư thực hiện thủ tục quyết định chủ trương đầu tư một lần; nhiều địa phương khác lại yêu cầu nhà đầu tư phải thực hiện quy trình thủ tục hai lần, theo quy định của Luật Đầu tư và Luật Nhà ở.

Luật Đầu tư quy định về các tài liệu trong hồ sơ dự án đầu tư để thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư và không có câu quét “các tài liệu khác theo quy định của pháp luật”. Quy định này được hiểu, hồ sơ dự án đầu tư chỉ gồm những tài liệu được liệt kê tại Luật đầu tư, các văn bản pháp luật khác không được quyền yêu cầu thêm tài liệu.

Tuy nhiên, khoản 2 Điều 171 Luật Nhà ở lại yêu cầu thêm các loại tài liệu ngoài các tài liệu đã quy định tại Luật Đầu tư. Sự không thống nhất giữa hai luật này khiến cơ quan đăng ký về đầu tư gặp lúng túng khi thẩm định hồ sơ chấp thuận chủ trương đầu tư, thực hiện theo Luật Đầu tư hay theo Luật Nhà ở?

Bên cạnh đó, giữa các Luật Nhà ở, Luật Đất đai và Luật Đầu tư cũng chưa thống nhất về thủ tục đầu tư đối với dự án có thay đổi mục tiêu dự án. Trên thực tế, nhiều dự án đầu tư phải thay đổi mục tiêu dự án nhưng lại gặp vướng về thủ tục, điều này khiến cho hoạt động đầu tư, kinh doanh của nhà đầu tư gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí bị đình trệ.

H.L

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/vcci-thu-tuc-chap-thuan-chu-truong-dau-tu-tai-luat-dau-tu-va-luat-nha-o-chua-thong-nhat-176228.html