VĐHN: Phim truyền hình nhiều nhưng nhạt

(VOH) - Thời gian qua, phim truyền hình Việt Nam “nở rộ” với rất nhiều phim dài tập, phim Hàn Quốc & Trung Quốc không còn độc chiếm màn ảnh nhỏ như trước. Đã có những bộ phim từng để lại dấu ấn trong lòng người hâm mộ như Đất Phương Nam, Giã từ dĩ vãng, Đồng tiền xương máu… hay mới đây là phim Chạy án, “Tuyết nhiệt đới” và “Bỗng dưng muốn khóc”, “Cổng mặt trời”, v.v… đã chứng tỏ phim Việt cũng có chỗ đứng.

Ước tính, mỗi ngày có... gần chục tập phim truyền hình do các hãng nhà nước và tư nhân sản xuất. Hầu như tuần nào cũng có một dự án phim mới được khởi động. Phim Việt bùng nổ với cường độ mạnh, tốc độ cao và lan trên diện rộng theo mức độ tăng dần trong đó có sự đóng góp không nhỏ của các hãng phim tư nhân. Cổng mặt trời - bộ phim rất hút khán giả - Ảnh: Lasta Khán giả giờ đây đã có thể xem phim Việt nhiều hơn, bất kể giờ nào cũng có thể xem được phim Việt bởi khung phát sóng đa dạng của các kênh truyền hình. Đài Truyền hình TP Hồ Chí Minh (HTV) vừa mở thêm khung 11h và 13h các ngày trong tuần trên HTV7, bắt đầu từ ngày 1/1/2010. Kênh HTV1 của Đài PT-TH Hà Nội, bên cạnh giờ buổi sáng thường phát phim Việt thì cũng kể từ thời điểm trên, dành riêng khung 19h45 các ngày từ thứ hai đến thứ tư hằng tuần, để phát sóng phim Việt, thay cho các phim nước ngoài “án ngữ” nhiều năm nay. Chưa kể, kênh VTV9 Let’s Việt, kênh Today TV… đều đặn mỗi ngày một tập phim Việt mới. Các đài địa phương cũng bắt đầu nô nức làm phim như Bình Dương, Đồng Nai, Đà Nẵng, Hải Phòng, Vĩnh Long … khiến bộ mặt phim truyền hình năm nay càng trở nên sôi động hơn bao giờ hết. Có lẽ với hình thức nhà nhà làm phim này thì người được lợi nhất sẽ là khán giả. Nhưng, nhìn đi nhìn lại thì số lượng phim Việt để lại ấn tượng cho khán giả là một con số quá ít ỏi. Hàng chục đơn vị tư nhân nhảy vào cuộc chiến sản xuất phim nhưng không phải ai cũng am hiểu về lĩnh vực phim ảnh khiến cho khán giả phải chịu trận. Bên cạnh đó, những bộ phim na ná nhau về nội dung càng khiến cho khán giả không thể nhớ được mình đang xem phim gì và phim đang đề cập đến là vấn đề gì. Kịch bản thiếu tính thuyết phục, xa rời với cuộc sống nên người xem cảm thấy chán nản, không theo dõi nguyên vẹn bộ phim. Khi bế tắc về kịch bản thì các nhà làm phim lại chọn giải pháp Việt hóa phim nước ngoài. Những bộ phim Việt hóa làm không đến nơi nên nó mang tính chất “nửa nạc nửa mỡ” như muốn đánh đố người xem là mình đang xem phim Việt hay phim Hàn hay phim của nước nào khác. Bên cạnh đó việc Việt hóa phim cũng gặp rất nhiều khó khăn, thiếu về phương tiện, máy móc nên kĩ xảo không đạt chất lượng cao như phim gốc. Điều đo càng khiến cho người xem … mỏi mệt với những kịch bản phim Việt hóa. Thực tế thời gian qua, nhiều dự án phim “Việt hóa” không thể đi hết được chặng đường dài: bộ phim “Những người độc thân vui tính” dừng ở tập 171 thay vì kế hoạch hơn 300 tập, phim “Cô nàng bất đắc dĩ” chỉ sản xuất 100 tập, trong khi dự án khoảng 150 tập… Hay phim “Mùi ngò gai” kịch bản của Hàn Quốc thì kéo dài và thay đổi diễn viên làm người xem đôi khi không biết mình đang xem 1 hay 2 phim? Nhìn chung, phim Việt Nam chưa có nội dung thật cuốn hút, nhiều sạn, tính logic và thuyết phục chưa cao, chưa có chiều sâu đủ để tạo dấu ấn cho từng nhân vật và cho phim. Phim truyền hình trong nước đang đứng trước vận hội lớn, một khi được khán giả cực kỳ ưu ái nhưng nếu cứ làm phim theo cách chạy theo số lượng mà không chú ý đến chất lượng thì phim truyền hình trong nước sẽ bị mất khán giả chỉ trong một sớm một chiều mà thôi. Trong thời đại thông tin như hiện nay, nếu không phải là những bộ phim Việt Nam lôi cuốn thì khán giả cũng không ngại gì để chuyển kênh qua Star Movies, HBO… hoặc mua đĩa về nhà. Hy vọng, trong tương lai không xa, khi nhắc đến phim Việt, khán giả cũng sẽ nhớ đến như từng nhớ đến Osin của Nhật hay Anh em nhà bác sĩ của Hàn Quốc. Điều đó sẽ giúp cho phim truyền hình Việt Nam đứng vững trong lòng công chúng trong dòng thông tin giải trí hiện nay. Ngọc Bích

Nguồn VOH: http://voh.com.vn/news/newsdetail.aspx?id=17512