VĐHN: Tiếp tay tàn sát động thực vật hoang dã cũng là bôi nhọ thể diện quốc gia

(VOH) - Giữa tháng 2 vừa rồi, tại thủ đô Luân Đôn của Vương Quốc Anh, chính phủ Việt Nam cùng hơn 40 quốc gia khác đã Thông qua tuyên bố Luân Đôn về buôn bán trái phép các loài động vật hoang dã. Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, ông Hà Công Tuấn đã cam kết mạnh mẽ giải quyết vấn đề buôn bán động vật hoang dã. Trước đó ít ngày, một video clip do Thái tử Charles và hoàng tử William thực hiện bằng 5 ngôn ngữ trong đó có tiếng Việt kêu gọi mọi người bảo vệ động vật hoang dã đã thu hút sự chú ý của giới truyền thông và dư luận. Tại sao lại là Việt Nam và Trung Quốc mà không phải là nhiều quốc gia khác trên thế giới bởi vì hai nước đang là thị trường tiêu thụ sừng tê lớn nhất.

Việt Nam và Trung Quốc là thị trường tiêu thụ sừng tê lớn nhất. (ảnh minh họa: TNO)

Chỉ riêng trong năm 2013 đã có hơn 1.000 con tê giác bị giết ở Nam Phi và đây cũng là năm tồi tệ nhất được ghi nhận về tình trạng giết trộm tê giác ở quốc gia này. Sự đồn thổi về những tác dụng thần kỳ của sừng tê trong đời sống gối chăn, hay có khả năng thần kỳ trong chữa trị, những căn bệnh hiểm nghèo đã khiến cho loài vật này đứng trên bờ tuyệt chủng mà có người đã ví von rằng nếu có thể dồn được hết tất cả tê giác trên thế giới vào cùng một chỗ thì chắc chỉ lấp đầy 1 sân bóng đá mini. Đâu chỉ có tê giác, ước tính mỗi năm có khoảng 30.000 động vật linh trưởng, 5 triệu con gia cầm, 10 triệu động vật bò sát và 500 triệu cá nhiệt đới bị buôn bán bất hợp pháp. Năm 2013 có 3.000 con voi bị giết. Trong vòng 10 năm qua, 62 % voi rừng châu Phi đã biến mất. Nếu tỷ lệ này tiếp tục duy trì, voi rừng có thể sẽ tuyệt chủng trong vòng 10 năm tới. Cách đây khoảng 100 năm, số lượng hổ hoang dã sống ở châu Á là 100.000 con. Nhưng ngày nay, chỉ còn chưa đến 3.200 con sống trong môi trường tự nhiên. Vấn đề quan trọng là buôn bán động vật hoang dã trong đó có những sản phẩm được cho là “ quý hiếm” như sừng tê, cao hổ cốt hay ngà voi đâu phải chỉ đơn giản là vấn đề liên quan tới môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học mà nó còn là mối đe dọa tới an ninh xã hội cùng nhiều hệ lụy khác nữa.

Theo thống kê, ngành kinh doanh động vật hoang dã chiếm vị trí thứ 3 trong số những ngành kinh doanh lậu có lợi nhuận lớn nhất thế giới sau vũ khí và ma túy. Nạn săn bắn và buôn bán trái phép động vật hoang dã hiện được xem là tội phạm nghiêm trọng xuyên quốc gia có tổ chức. Những hiểm nguy và xung đột cũng từ đây mà ra. Do vậy không dễ gì mà những người tham gia vào vòng xoáy này có thể từ bỏ một cách dễ dàng, họ sẵn sàng nghĩ ra nhiều chiêu thức tinh vi để đối phó, lách luật thậm chí “đổ máu” để bảo vệ hàng hóa siêu lợi nhuận này. Phương tiện truyền thông từng đăng tải rằng đằng sau một sản phẩm từ ngà voi đơn giản được bán tại Thượng Hải hay Hồng Kông, thì có thể sẽ có cả mạng người bị giết ở Châu Phi, một người vợ mất chồng, một đứa trẻ trở thành mồ côi. Và ai sẽ là người chịu trách nhiệm cho việc này, chính là người tiêu dùng và những thương nhân buôn bán ngà voi.

Như đã phân tích, lợi nhuận quá lớn sẽ khiến cho thương nhân mờ mắt và rất ít người tiêu dùng nhận biết được hệ lụy thật sự mà họ phải bỏ ra cho món hàng đó. Đơn giản họ chỉ nghĩ rằng có tiền thì mua, mà đâu biết rằng chỉ một món trang sức rất nhỏ từ ngà voi đã đẩy loài voi đến bên bờ tuyệt chủng, hay một số tiền đáng kể được bỏ ra để thể hiện đẳng cấp cho một món hàng “đẳng cấp” như sừng tê giác, lại chỉ có thành phần tương đương như móng tay. Mới đây, ca sĩ Thu Minh đã chia sẻ một thông tin rằng ở Nam Phi bắt đầu tẩy chay hàng Việt Nam bởi người ta không muốn sử dụng sản phẩm của một quốc gia tiêu thụ quá nhiều động vật hoang dã. Một số tổ chức ở các quốc gia khác còn đánh tiếng sẽ không đến Việt nam cũng vì lý do tương tự. Vậy mới thấy, “miếng ăn” ảnh hưởng không nhỏ đến hình ảnh của một quốc gia. Đã có những cam kết mạnh mẽ từ phía chính phủ, chỉ thị của Thủ tướng, người ta chờ đợi những hành động tiếp theo sẽ là gì? Có lẽ sẽ phải mạnh tay với những nhà hàng, quán ăn vô tư cắt tiết thú rừng cho thực khách thoải mái chiêm ngưỡng, quay phim chụp ảnh giữa thanh thiên bạch nhật. Rồi thì sóc, nhím, chim trời được người ta chở đi bán dạo ngoài đường mà chẳng ai ngó ngàng tới. Thậm chí trên mạng nhan nhản những lời quảng cáo, rao vặt sản phẩm từ động vật hoang dã nhưng vẫn chưa thấy ai vào cuộc. Dân gian có câu "có cầu ắt có cung " và đôi lúc những nhu cầu mang tính xa xĩ, phù phiếm xuất phát từ niềm tin thiếu cơ sở cũng là tác nhân gây ảnh hưởng xấu đến môi trường và xã hội. Đó còn là hành vi tiếp tay cho những cá nhân, tổ chức phạm pháp. Riêng hiện tượng tiêu thụ "sừng tê giác" (nếu có) ít nhiều cũng làm mất thể diện VN trong lòng bạn bè thế giới. Thiết nghĩ, ngoài cam kết giải quyết mạnh mẽ vấn đề buôn bán động vật hoang dã thì các cơ quan chức năng nên đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân hiểu và xem đó là mối quan tâm hàng đầu trong thời điểm hiện nay./.

Nguồn VOH: http://voh.com.vn/news/newsdetail.aspx?id=69136