VDSC: Dự báo VN-Index tháng 5 bước qua vùng trũng, tìm kiếm cơ hội từ nhịp điều chỉnh

VDSC kỳ vọng VN-Index sẽ giao dịch trong biên độ 1.165-1.280 điểm trong tháng 5 khi mùa báo cáo kết quả kinh doanh và Đại hội đồng cổ đông dần đi qua, không kỳ vọng có động lực thông tin từ phía doanh nghiệp quá nhiều.

Trong báo cáo triển vọng thị trường mới cập nhật, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng khi mùa báo cáo kết quả kinh doanh và Đại hội đồng cổ đông dần đi qua, không kỳ vọng có động lực thông tin từ phía doanh nghiệp quá nhiều trong tháng 5. Tuy nhiên, sự điều chỉnh của thị trường trong tháng 4 kết hợp với kết quả kinh doanh tăng trưởng quý I tích cực và triển vọng trong các quý còn lại làm định giá thị trường trở nên hấp dẫn. Đây sẽ là yếu tố chính giúp thị trường có sự phục hồi trở lại sau những biến động mang tính chất tâm lý trong tháng 4.

Diễn biến của VN-Index trong tháng 4. Ảnh: VDSC

Tín hiệu tích cực từ mùa ĐHĐCĐ góp phần củng cố tâm lý thị trường sau sóng gió

Tổng hợp số liệu từ FiinPro, VDSC ước tính đã có khoảng 449 doanh nghiệp niêm yết, chiếm hơn 63% tổng vốn hóa sàn HSX và HNX, công bố kế hoạch lợi nhuận trước thuế 2024 với mức tăng trưởng chung là 17,5% so với mức lỗ trước thuế 5,3% của nhóm doanh nghiệp này trong năm 2023.

Trong đó, với ngành ngân hàng, tổng LNTT 2024 theo kế hoạch ước tính tăng trưởng 20% so với cùng kỳ. Tổng thu nhập hoạt động kỳ vọng tăng trưởng 16% nhờ mở rộng tín dụng và NIM phục hồi khiêm tốn; trong khi chi phí dự phòng rủi ro tín dụng chỉ tăng 7% là những động lực của tăng trưởng lợi nhuận.

Mặc dù vậy, tốc độ tăng trưởng có sự phân hóa đáng kể, trong đó, các ngân hàng thương mại đã trích lập dự phòng mạnh trong năm 2023 kỳ vọng sẽ tăng trưởng tốt hơn trong năm 2024 khi chi phí dự phòng giảm. Ở chiều ngược lại, nhóm Ngân hàng Quốc doanh và ACB vẫn duy trì quan điểm thận trọng khi lên kế hoạch tăng trưởng LNTT trong khoảng 10 – 15%.

Ngành thép, hàng tiêu dùng và dịch vụ tiêu dùng (gồm bán lẻ và dịch vụ hàng không) cũng được kỳ vọng sẽ phục hồi mạnh từ mức nền thấp của năm 2023.

Ngành bất động sản, bao gồm dân dụng và KCN, được nhận định hầu như chưa cho thấy sự phục hồi từ mức nền thấp của năm 2023. Trong ngắn hạn, quan điểm nhìn chung của các nhà phát triển BĐS là các Luật sắp hiệu lực (Luật đất đai, Luật kinh doanh BĐS, Luật nhà ở) sẽ chưa có ảnh hưởng đáng kể khi quỹ đất sạch hiện hữu để khai thác còn hạn chế và sức cầu còn yếu khiến tốc độ phục hồi sẽ phân hóa giữa các khu vực.

Dù vậy, xét trong dài hạn, ngành BĐS dân dụng dự kiến sẽ là ngành được hưởng lợi lớn nhất khi mà các luật mới này có hiệu lực từ tháng 7/2024 và hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông tiếp tục được đẩy mạnh.

LNTT kế hoạch 2024 của nhóm dầu khí (PVD) ghi nhận tăng trưởng âm, theo VDSC phần nhiều do quan điểm đặt kế hoạch của nhóm này. Thực tế, nhóm phân tích kỳ vọng PVD sẽ ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận dương trong năm 2024 khi giá cho thuê giàn vẫn ở mức cao.

Mặt bằng định giá đã được đưa về vùng hấp dẫn, tìm cơ hội từ các nhịp điều chỉnh

Ảnh: VDSC

Về kết quả kinh doanh quý I, VDSC thống kê báo cáo tài chính của 397 doanh nghiệp niêm yết trên sàn HSX cho thấy tăng trưởng lợi nhuận sau thuế (LNST) ước đạt 10,7% so với cùng kỳ 2023, cao hơn kỳ vọng 7% mà nhóm phân tích đưa ra trước đó.

Với mức giảm 5,9% của VN-Index trong tháng 4, trong khi LNST toàn thị trường vẫn duy trì tăng trưởng hàng quý, nhóm phân tích cho rằng mặt bằng định giá nhìn chung đã được đưa về vùng hấp dẫn (P/E 13,9x lần so với mức P/E mục tiêu được đưa ra từ đầu năm là 15.x lần).

Cho các quý còn lại của năm, VDSC kỳ vọng tốc độ tăng trưởng trên 2 chữ số sẽ tiếp diễn nhờ 3 yếu tố: (1) sự tăng trưởng của ngành ngân hàng và công nghệ, (2) sự phục hồi biên lợi nhuận của nhiều nhóm ngành sẽ được duy trì, đặc biệt là ngành du lịch và giải trí với sự đóng góp của nhóm cổ phiếu hàng không, và (3) mức nền thấp của cùng kỳ năm trước.

Nhìn chung, nhóm phân tích nhận định thị trường chứng khoán tháng 5 dự kiến sẽ chưa có nhiều thông tin tích cực hỗ trợ, do vậy kỳ vọng chỉ số sẽ giằng co trong biên độ tương đương tháng 4.

“Trong sự vận động đó, chúng tôi cho rằng cơ hội tái cấu trúc danh mục cũng như giảm giá vốn danh mục đầu tư vẫn luôn xuất hiện tại những điểm thấp và điểm cao của thị trường. Những thời điểm thị trường đi xuống trong tháng 5 sẽ là những điểm mua tiềm năng đối với cả nhà đầu trung dài hạn và cả nhà đầu tư ưa thích giao dịch”, báo cáo của VDSC cho hay.

Về điểm số, VDSC kỳ vọng VN-Index sẽ giao dịch trong biên độ 1.165-1.280 điểm trong tháng 5. Ở kịch bản cơ sở, kết quả kinh doanh tích cực có thể giúp tâm lý giao dịch của thị trường đưa chỉ số về vùng đỉnh của năm 2024. Nếu những dữ liệu vĩ mô tiếp tục gây thất vọng cho kịch bản cắt giảm lãi suất hoặc những cơn gió ngược bất ngờ cũng có thể kích hoạt trạng thái điều chỉnh của thị trường.

Nguồn Doanh Nhân VN: https://doanhnhanvn.vn/vdsc-du-bao-vn-index-thang-5-buoc-qua-vung-trung-tim-kiem-co-hoi-tu-nhip-dieu-chinh.html