VĐV wushu Đặng Tiểu Bình: Hướng về những mục tiêu xa hơn từ SEA Games 31

'Thành tích 2 HCĐ là tạm hài lòng so với hiện tại, còn trong tương lai với tôi thì vẫn chưa đủ.' - VĐV wushu của Hà Nội Đặng Tiểu Bình chia sẻ với phóng viên báo Kinh tế và Đô thị ngay sau khi gặt hái được thành công trên sàn diễn.

Đến với Wushu vì… ốm vặt

Những ngày qua, người hâm mộ đã không quá xa lạ với cái tên Đặng Tiểu Bình - vận động viên (VĐV) môn Wushu ở nội dung Taolu (biểu diễn). Tiểu Bình năm nay 22 tuổi và là VĐV của đoàn thể thao Hà Nội. Tại SEA Games 31, Tiểu Bình thi đấu cùng những người đàn chị trong đội như Dương Thúy Vi, Hoàng Thị Phương Giang…

“Tôi đã hoàn thành mục tiêu đề ra, nội dung Taolu nói riêng đã có HCV của Thúy Vi, Quốc Khánh và Phương Giang. Đối với riêng tôi, thành tích đạt được thì có thể không quá nổi trội nhưng đó là thành quả mà tôi đã cố gắng hết sức mình nên tôi cảm thấy đã hài lòng về bản thân” - Tiểu Bình chia sẻ.

Đặng Tiểu Bình giành 2 HCĐ tại SEA Games 31.

Đặng Tiểu Bình giành 2 HCĐ tại SEA Games 31.

Sinh năm 2000, Đặng Tiểu Bình đã có 15 năm gắn bó với Wushu và cái duyên trở thành một võ sĩ đến nay vẫn là bất ngờ với cô.

“Ngay từ khi lên 7 tuổi, tôi thường xuyên bị ốm vặt nên mẹ đã cho đi học và tập luyện bộ môn thể thao Wushu ở nội dung kiếm thuật nữ nhằm cải thiện sức đề kháng. Sau thời gian tập luyện, cụ thể chỉ 2 năm, tôi đã được các thầy đánh giá có tố chất, tài năng trong bộ môn này. Các thầy đã nhận đào tạo tôi lên chuyên nghiệp và bắt đầu theo đuổi bộ môn Wushu đến nay” - võ sĩ sinh năm 2000 chia sẻ.

Sau hơn 1 thập kỷ gắn bó, Wushu đã thay đổi con người của Tiểu Bình, giúp cô ngày càng mạnh mẽ, tự tin hơn từ trong tập luyện, thi đấu cũng như ngoài đời thường. Cô gái luôn nghiêm túc trong tập luyện, đặt ra những mục tiêu cho bản thân nhưng vẫn luôn hòa đồng, nhí nhảnh bên ngoài sân tập.

Gắn bó với môn võ - vốn nhiều người nghĩ thuộc về phái mạnh nhưng với Tiểu Bình thì hoàn toàn khác, từ Wushu, cô đã có được tính mạnh mẽ và nghị lực tràn đầy.

“Trong tập luyện có động tác mỗi ngày phải tập đi tập lại 30 - 40 lần và số lần bị chấn thương nhẹ xảy ra thường xuyên. Tôi từng bị chấn thượng nặng là giãn dây chằng cổ chân trái và rạn xương mắt cá chân phải, nhưng tôi vẫn không được nghỉ tập, chỉ là mức độ tập luyện được giảm nhẹ hơn. Những lần gặp chấn thương, tôi đã thận trọng và chăm chỉ luyện tập hơn để chủ động trong những động tác có độ khó cao. Tôi thích tính cách của những người con gái tập võ - mạnh mẽ, độc lập. Tôi muốn mình trở thành một người như thế, có thể tự bảo vệ bản thân mình và bảo vệ cả những người khác” - Tiểu Bình cho biết.

“Đừng so sánh tôi với… Thúy Vi”

Trong suốt 30 năm qua, Thể thao Việt Nam luôn nhận được sự đóng góp đáng kể từ thành tích của Wushu. Đặc biệt, bộ môn đã khẳng định vị thế vững chắc của mình trong đấu trường khu vực, châu lục và cả trên thế giới với rất nhiều các gương mặt xuất sắc. Những võ sĩ đã làm nên tên tuổi của Wushu Việt Nam phải kể đến Nguyễn Thúy Hiền, Nguyễn Thị Ngọc Oanh, Nguyễn Thị Mỹ Đức, Nguyễn Mai Phương, Vũ Trà My và thời điểm này phải là Dương Thúy Vi, Phạm Quốc Khánh… Cái tên Đặng Tiểu Bình đang nhận được sự kỳ vọng lớn khi là lứa kế tiếp cho các thế hệ vàng của Wushu Việt Nam.

“Tôi cảm thấy khá là may mắn vì vào thời điểm này, khi lần đầu tiên được tham dự SEA Games tổ chức tại Việt Nam, có đông đảo khán giả cổ vũ, giúp khí thế thi đấu tăng lên, cảm giác rất là tự tin, có thêm động lực để mà cố gắng hoàn thành tốt bài thi” - nữ VĐV Hà Nội cho biết.

Dương Thúy Vi và Đặng Tiểu Bình nhận huy chương tại SEA Games 31.

"Tôi và Dương Thúy Vi đều có huấn luyện viên cho những cái bài tập riêng khác nhau phù hợp với từng người, phong cách của mỗi người là hoàn toàn khác nhau nên là để nói rằng là giúp đỡ trong tập luyện thì không có nhiều nhưng mà giúp đỡ một vài cái về đời sống riêng tư cũng có hỗ trợ nhau khi cần thiết" - Võ sĩ Đặng Tiểu Bình.

Ngoài Thúy Hiền được coi là tượng đài của wushu Việt Nam, Dương Thúy Vi được cho là lớp kế cận khi thành tích là khá nổi bật, trong đó có 2 HCV và 1 HCĐ tại SEA Games 31. Lúc này, Đặng Tiểu Bình được giới chuyên môn đánh giá có thể sẽ thay thế Dương Thúy Vi trong tương lai. Tuy nhiên khi phóng viên Kinh tế & Đô thị đặt câu hỏi về vấn đề này, cô gái 22 tuổi cho thấy sự bản lĩnh với mục tiêu của mình.

“Nếu so sánh tôi với chị Thúy Vi thì đây là một sự so sánh không đúng. Tôi không muốn là người thay thế bất kì ai cả. Tôi nghĩ là chị Thúy Vi cũng không muốn nghe thấy những lời như thế. Mỗi người đều có cách tỏa sáng của riêng mình, tôi cũng sẽ đạt được những thành tích và để cho mọi người biết đến với cái tên Đặng Tiểu Bình chứ không phải là người kế thừa của chị Thúy Vi”.

Hai HCĐ của Đặng Tiểu Bình tại SEA Games 31 có thể chưa quá nổi bật so với những tấm HCV của Dương Thúy Vi, Hoàng Thị Phương Giang, nhưng đây sẽ bước đệm vững chắc cho nữ VĐV của Hà Nội trong tương lai: “Thành tích 2 HCĐ là tạm hài lòng so với hiện tại, còn trong tương lai với tôi thì vẫn chưa đủ. Trong tương lai, tôi tự đặt ra thử thách bản thân với một độ khó mới và sẽ cố gắng nhiều hơn nữa để đạt được nhiều thành tích cao hơn. Trước hết, mục tiêu tôi hướng đến sẽ là SEA Games năm sau và có thể là ASIAD nữa”.

Ngọc Tú - Thu Uyên

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/vdv-wushu-dang-tieu-binh-huong-ve-nhung-muc-tieu-xa-hon-tu-sea-games-31.html