Về Bảy Núi ăn đào

Mấy mươi năm trước, ở vùng Tịnh Biên (tỉnh An Giang) rộ lên 'phong trào' trồng đào (điều) lộn hột. Loại cây này phù hợp thổ nhưỡng núi non, mang lại sinh kế ổn định cho người dân biên giới.

Mùa này, đi ngang khu vực phường An Phú, phường Tịnh Biên (TX. Tịnh Biên), chợt ngửi mùi thơm “nức mũi” từ những trái đào ven đường. Bà Chín (hơn 50 tuổi) thức từ 4 giờ, chạy xe lên núi bẻ đào, để kịp bày bán đón khách ven đường.

Bà kể, mùa đào bắt đầu từ tháng Giêng, lai rai trĩu cành suốt 1-2 tháng sau đó. Chừng 1 tuần nữa, đào sẽ dứt mùa. Nhiều người ở xa hỏi mua vài chục ký, nhưng bà bán tại chỗ không đủ, lấy đâu gửi đi xa!

Cây đào cho trái rất ngẫu nhiên. Cùng trồng một vườn, nhưng cây này cho trái màu đỏ, cây khác lại chỉ rực màu vàng. Có cây tích tụ nước trên núi cao, nên trái to, mọng nước, phần ngọt lấn át phần chát. Nhưng có cây chỉ toàn quả chát, cắn vào một miếng phải nhè ra ngay!

Nhưng điểm chung của tất cả trái đào là đều nhỏ xinh, tỏa mùi thơm níu bước chân người. Chúng khá “mong manh dễ vỡ”, phải hết sức nhẹ tay, thì mới tránh dập, hư hỏng.

Một trái đào “to đột biến”, gấp 2-3 lần trái đào bình thường. Tuy nhiên, dù trái to hay nhỏ, thì đều được bán với giá khoảng 50.000 đồng/kg hoặc 30.000 đồng/rổ (chừng 10-15 trái).

Bà Hai Coi (72 tuổi) sống nhờ 50 gốc đào của gia đình. Những cây cho trái chát đều bị đốn bỏ, chỉ chừa lại cây cho trái ngọt. Mỗi ngày, bà bẻ vài ký, lặn lội quang gánh đi đến chợ Tịnh Biên bán dạo.

Mấy trái đào vườn nhà bà khá nhỏ, hay bị dập theo nhịp bước nặng nhọc của bà. Bởi vậy, bà bán giá rất rẻ: 20.000 đồng/kg, hoặc 10.000 đồng/10 trái. Nhưng hễ có khách mua, bà lại tặng “trái này ngon nè”, “trái này ngọt nè”, thành ra rẻ càng thêm rẻ.

Phần hột điều sẽ được tách riêng ra sau khi khách quyết định mua trái có lấy hột hay không. Khi số lượng được gom kha khá, nhà vườn lại bán cho thương lái, giá khoảng 12.000 – 15.000 đồng/kg.

Nếu cẩn thận bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh, đào giữ được độ tươi ngon 2-3 ngày. Chúng chín mùi rất mau trong nhiệt độ bình thường. Mỗi trái đào căng mọng thịt, không cần lột vỏ vẫn có thể ăn trực tiếp, chấm với muối ớt là “hết sẩy”. Tuy nhiên, nhược điểm của chúng là dễ gây sặc, làm giảm cảm giác ngon miệng.

Người sành ăn sẽ đem đào nấu canh chua (cùng với khô cá biển); ướp nước đá, đường; ngâm rượu; chế biến thành phương thuốc trị bệnh dạ dày, phổi… Phổ biến nhất là đào đem ngâm nước muối, sau đó được xào với sả ớt, như một món ăn chay lành tính, hương vị rất ngon, “bắt cơm” vô cùng.

Bé Thanh Trúc (4 tuổi) thân thuộc với trái đào từ khi sinh ra. Bé theo chân người lớn ngồi chờ từng mâm đào vơi dần. Bé cũng biết thưởng thức vị ngọt, chát đặc trưng của loại trái cây dân dã này, trở thành thế hệ tiếp nối ở vùng Bảy Núi lớn lên cùng trái đào.

GIA KHÁNH

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/ve-bay-nui-an-dao-a392340.html