Về Bờ Rạ thăm lớp báo chí đầu tiên

TP - Bờ Rạ (xã Tân Thành), một địa danh trong An toàn khu thuộc huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên là nơi Tổng bộ Việt Minh mở lớp báo chí đầu tiên (tháng 1-1949) lấy tên là lớp báo chí Huỳnh Thúc Kháng.

Kỉ niệm 60 năm ngày thành lập Hội nhà báo Việt Nam (21/4/1950 - 21/4/2010), báo Nhân Dân, Đài phát thanh - Truyền hình Thái Nguyên đã có một cử chỉ đẹp và ý nghĩa là mời nhà thơ - nhà báo Hải Như (học viên lớp báo chí Huỳnh Thúc Kháng) từ thành phố Hồ Chí Minh ra thăm Bờ Rạ, thăm An toàn khu Định Hóa để nhớ về một thời làm báo cách mạng trong kháng chiến chống Pháp gian khổ nhưng vẻ vang. Nhà thơ Hải Như nổi tiếng với nhiều bài thơ hay viết về Đảng, Bác Hồ như: Chúng cháu canh giấc Bác ngủ, Bác Hồ ơi, Hoa sữa… Những bài thơ được phổ nhạc “Đi cùng năm tháng” như: Thành phố hoa phượng đỏ, Như hoa hướng dương v.v… nhưng Hải Như – nhà báo thì ít người biết hơn. Ông “vào nghề báo” từ năm 1946, lúc 24 tuổi, tham gia tòa soạn báo Sông Lô của quân khu 10. Năm 1949 ông được đơn vị cử đi học lớp báo chí Huỳnh Thúc Kháng. Sau lớp học ông về công tác ở báo Vệ Quốc Quân (tiền thân của báo Quân đội nhân dân và báo Văn nghệ quân đội). Tuổi 87 mà vẫn còn khỏe mạnh và tinh anh, đó là hạnh phúc cuộc đời ban tặng nhà thơ- nhà báo Hải Như - một người thèm đi. Ông lúc nào cũng cảm thấy như còn mắc nợ Tổ quốc, mắc nợ nhân dân: “Ta còn nợ bao khoảng trời tổ quốc/Một khúc Thu Bồn, một dốc đứng Trường Sơn/ Áng mây chiều trên lưng đèo Mụ Dạ/Buổi trưa xanh, rừng đước sáng tâm hồn”. Suốt quãng đường đi từ thành phố Thái Nguyên lên Bờ Rạ, nhà thơ - nhà báo Hải Như chìm trong ngẫm ngợi, suy tưởng. Ông nói nhỏ chỉ đủ cho tôi nghe: “Uyên ơi! Tôi thật sự hạnh phúc. Lớp báo chí Huỳnh Thúc Kháng hồi đó có 42 người (3 nữ), nay còn lại ít người lắm. Những người bạn cùng lớp, người còn, người mất: Đạo diễn Bành Châu, đạo diễn Trần Vũ, các nhà văn, nhà thơ, nhà báo: Hữu Mai, Từ Bích Hoàng, Lý Thị Trung, Mai Cương… Những người thầy trẻ trung, đáng kính: Nhà báo – nhà thơ Xuân Thủy (chủ nhiệm lớp), nhà báo Như Phong, giáo sư Đỗ - Đức - Dục… khổ mà vui và tự hào vì cả 42 người đều thành đạt và đặc biệt là không ai bỏ cuộc”. Tôi ngồi nghe ông trải lòng trong tiếng sóng vỗ mạn xuồng trên đường từ bến xuồng Hồ Núi Cốc ra vị trí Bờ Rạ - Vâng, Bờ Rạ giờ chỉ còn xác định được vị trí vì tất cả đã chìm dưới lòng hồ Núi Cốc. “Không ai bỏ cuộc cả”. Tôi cảm nhận được ý nghĩa của câu nói nhiều hàm ý của ông. Khi nói câu đó trong mắt ông ánh lên niềm tự hào chân chính, bởi lớp nhà báo đầu tiên mà ông là một học viên đã đồng cam, cộng khổ, vững vàng đi cùng nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng tới thắng lợi cuối cùng. Và chính vì như thế, những người làm báo thuộc những thế hệ sau ông tự hào được tiếp bước những người làm báo cách mạng vững bước trên con đường đổi mới. Xuồng đi chậm lại rồi ghé vào một đảo nhỏ trên hồ Núi Cốc – một mỏm đồi cao thuộc khu vực Bờ Rạ chưa bị chìm. Nhà thơ Hải Như bước chầm chậm trên những nẻo đường “chốn xưa”, nhớ lại “người cũ” và những ngày học tập sôi nổi, hào hứng: Tài liệu nghiên cứu là một số tờ báo cách mạng; báo H’umanite (Nhân Đạo) của Đảng Cộng sản Pháp; nhớ những chuyến đi thực tập ở Quán Triều, Quán Vuông; nhớ những buổi sáng tập thể dục xong xuống tắm nước sông Công… Nhớ nhà báo Xuân Thủy, Như Phong những người thầy, người bạn; nhớ các bạn như nhà báo Thép Mới, nhà báo Trần Kiên, nhà báo Mai Thanh Hải (học viên ít tuổi nhất lớp) giờ vẫn viết đều cho báo An ninh thế giới…. Trong dòng hồi tưởng ông bỗng trở lại hiện thực: “Hay thật, Uyên ạ! Nông dân mình rất khéo phiên âm. Bờ Rạ được phiên âm từ tiếng Pháp Monpeza (Mông-pơ-da). Nơi này, xưa là đồn điền của ông chủ người Pháp tên là Mông-pơ-da”. Tôi chỉ còn biết à! lên một tiếng thích thú khi biết được “điều lạ” này. Trong liên tưởng quá khứ, hiện tại, tương lai, nhà thơ - nhà báo Hải Như tâm sự: “Ngày nay, báo chí nước nhà phát triển mạnh. Các nhà báo được học hành có bài bản, phương tiện tác nghiệp đầy đủ, hiện đại. Điều cần nhất là những người làm báo phải giữ cho được tâm sáng và dũng khí để đi lên”. Cảm ơn tình cảm của báo Nhân Dân, Đài Phát thanh – Truyền hình Thái Nguyên, những người bạn gắn bó với Thái Nguyên như các anh Nguyễn Bắc Son, Phan Hữu Minh, Nguyễn Liêu... và những đồng nghiệp, những nhà báo trẻ Thái Nguyên đã tổ chức hoàn mỹ chuyến đi nhiều ý nghĩa này.

Nguồn Tiền Phong: http://www.tienphong.vn/tianyon/index.aspx?articleid=191718&channelid=7