Về Cần Giờ xem người dân làm 'khô một nắng'

Đến huyện Cần Giờ, TPHCM vào những ngày tháng 3, du khách dễ dàng bắt gặp hình ảnh người dân 'túc trực' bên các vỉ cá để làm 'khô một nắng'. Đây được xem là một trong những nghề chủ lực của đa số hộ gia đình ở các xã phía Bắc huyện Cần Giờ như Long Hòa, Lý Nhơn, An Thới Đông…

Chị Nguyễn Thị Hạnh, chủ cơ sở khô Mỹ Anh ở huyện Cần Giờ, chia sẻ trước kia gia đình chị làm nghề chài lưới, cung cấp hải sản tươi sống cho người dân địa phương. Tuy nhiên, nguồn cá đánh bắt tự nhiên ngày càng giảm, để đáp ứng nhu cầu thị trường, gia đình chị Hạnh và một số hộ dân tại xã Long Hòa, huyện Cần Giờ bắt đầu đẩy mạnh nghề nuôi cá dứa, cá sặc, cá đù… để làm khô.

Dần dần, mô hình nuôi cá sản xuất khô đã trở thành nghề chủ lực của đa số người dân các xã phía Bắc huyện Cần Giờ như Long Hòa, Lý Nhơn, An Thới Đông…

Nghề chế biến khô thủy sản ở TPHCM chủ yếu tập trung tại huyện Cần Giờ. Ảnh: Thái Bảo

Theo chị Hạnh, các loại cá dứa, cá đù… phát triển tốt ở vùng ngập mặn Cần Giờ. Các loài cá này khi nuôi trong ao có khả năng thích nghi, phát triển tốt mà không bị ảnh hưởng bởi thời tiết.

Gắn bó với mô hình này được gần 13 năm, chị Hạnh chia sẻ, trừ tất cả các chi phí đầu tư, mỗi năm cơ sở chị thu về gần 2 tỉ đồng.

Trung bình, cơ sở của chị cung cấp cho thị trường mỗi ngày 400 – 500kg khô một nắng cho từng loại, giá dao động từ 100.000 – 180.000 đồng/kg khô cá đù và 250.000 – 350.000 đồng/kg khô cá dứa.

Công đoạn khó nhất trong sản xuất cá khô là phơi nắng. Thời tiết thất thường ảnh hướng rất nhiều trong công đoạn phơi, làm giảm chất lượng của sản phẩm và tiến độ đơn hàng. Thời gian cao điểm để người dân Cần Giờ sản xuất chế biến là từ tháng Giêng cho đến tháng 5 Âm lịch.

Cá tươi sau khi được lóc xương, rửa sạch sẽ đem đi ướp với gia vị và đem ra phơi khô. Cá đù, cá dứa tại đây sẽ được phơi trong “một nắng”, khoảng từ 10:00 giờ đến 15:00 giờ trong điều kiện nắng tốt.

Khi phơi, phải đảm bảo đủ nắng để cá vừa khô tới, vì cá quá khô khi ăn sẽ làm giảm độ ngon. Nếu trời mưa, người dân phải ướp đá, chờ nắng để tiếp tục phơi.

Ngoài lợi ích kinh tế, cơ sở của chị Hạnh còn tạo việc làm cho hơn 20 lao động là các cô, các chị ngoài 40 tuổi.

“Lao động trẻ tại huyện đã vào trung tâm thành phố làm việc, bởi nghề làm khô chỉ mới nở rộ vài năm trở lại đây và là nghề nông nghiệp mới nên vẫn chưa đủ sức giữ chân người trẻ”, chị Hạnh nói.

Chị Lê Thị Khánh Huyền, hộ chế biến khô một nắng tại xã Long Hòa, bộc bạch trước kia gia đình chị làm công nhân tại các khu công nghiệp, nhưng sau khi nghề chế khi chuyển sang làm khô cá đù, cá dứa… chị thấy ổn định hơn.

Chị chia sẻ việc sản xuất khô giúp chị và gia định tự chủ về thời gian, thu nhập hàng tháng cũng được 7-8 triệu đồng/người, đủ trang trải cuộc sống.

Vào mùa nắng, người dân Cần Giờ “túc trực” bên cá vỉ phơi cá. Ảnh: Thái Bảo

Gần đây, làng nghề làm “khô một nắng” ở Cần Giờ cũng bắt đầu thu hút khách du lịch ghé thăm. Chị Nguyễn Thị Hạnh, chủ cơ sở khô Mỹ Anh, cho hay vào các ngày thứ Bảy, Chủ nhật hàng tuần, cơ sở chị cũng đón 5-7 đoàn khách ghé thăm, mua hàng.

Riêng những dịp lễ, Tết số lượng khách du lịch đến thăm tăng gấp đôi, qua đó, cũng giúp chị quảng bá được đặc sản địa phương rộng rãi và có thêm nguồn thu nhập.

Cá dứa một nắng là sản phẩm đặc trưng của huyện Cần Giờ. Ảnh: Thái Bảo

Theo anh Kha Thiên Lộc, hướng dẫn viên du lịch tại Cần Giờ, du khách thường chọn mua các sản phẩm khô để làm quà cho người thân, bạn bè. Anh Lộc chia sẻ, khám phá quy trình làm “khô một nắng” sẽ giúp du khách hiểu thêm những khó khăn của người dân, đồng thời trân trọng và lan tỏa các giá trị truyền thống của làng nghề và đặc sản ở đây.

“Trong các tour tham quan Cần Giờ, chúng tôi luôn có thêm chương trình giới thiệu đặc sản Cần Giờ đến du khách. Nhiều người tỏ ra yêu thích và có phản hồi tích cực về sản phẩm khô cá đù, khô cá dứa tại đây…”, anh Lộc nói.

Khô cá đù một nắng. Ảnh: Thái Bảo

Nguồn Sài Gòn Tiếp Thị: https://www.sgtiepthi.vn/ve-can-gio-xem-nguoi-dan-lam-kho-mot-nang/