Về chùa Trầm nhớ lại chuyện gần 30 năm trước đi tìm cây cảnh

Giữa trưa hè nắng ơi ả một ngày đầu những năm 90 của Thế kỷ trước, anh cùng người bạn nối khố là Vương Đắc Lực trốn bố mẹ đi xuống Chùa Trầm tìm cây Si về làm cảnh. Hai đứa leo lên tận đỉnh núi Trầm tìm mãi chẳng thấy cây Si nào mà chỉ thấy mấy con rắn thằn lằn ra phơi nắng.

Cổng núi chùa Vô vi bên cạnh núi Trầm

Tìm mãi chẳng thấy mà hai thằng đã mệt nhoài. Họ ngồi nghỉ ở bên một hòn đá lớn và suy nghĩ về cách tìm đường xuống an toàn. Hai thằng đầu trần tìm lối đi đã mòn để bò giật lùi xuống núi. Khi xuống đến lưng chừng núi, Lực nhìn ngang thấy một cây Si nhỏ đúng bằng que tăm bám vào khe đá nằm ở vị trí treo leo thẳng vách đá. Thế là hai thằng lại động viên nhau bò sang để lấy bằng được cho bõ công vất vả kiếm tìm giữa trưa nắng.

Bò sang được mỏm đá có cây Si nhưng lấy được nó xuống thì thật không dễ dàng gì. Anh cõng Lực đứng lên cổ rồi lên đầu phải ngã lên ngã xuống mới lấy được cây Si ra khỏi khe đá. Cầm cây Si nhỏ tý trên tay họ nghĩ về một cây cảnh to lớn sau này. Họ nghĩ sẽ tách nó ra làm nhiều cây khác.

Cây Si được Lực mang về trồng trang trọng trước hiên nhà. Nó lớn lên qua từng năm tháng và chứng kiến anh và Lực học xong cấp hai rồi cấp ba. Cây Si và tập tiểu thuyết ÔSIN của Nhật do anh và Lực chuyển thể từ phim truyền hình là những kỷ niệm đẹp nhất trong ký ức tuổi thơ của anh là Lực.

Anh ra Hà Nội học đại học, Lực ở nhà mở xưởng gia công len sợi rồi lấy vợ đẻ con. Cây Si vẫn cứ lớn lên từng ngày và được bố của bạn Lực tạo tác chăm sóc hàng ngày.

Anh mải miết học và làm nơi phồn hoa phố thị, Lực mải miết lao động nơi quê nhà. Hai đứa càng ngày càng thưa dần gặp nhau. Chằng hiểu duyên nợ thế nào sau khi ra trường anh lại về công tác tại Trung tâm Nghiên cứu Bảo tồn và Phát triển SVC Việt Nam, một cơ quan chuyên về chăm sóc tạo tác cây cảnh. Lực thì rất vui về điều này. Ít nhất những kỷ niệm tuổi thơ năm nào cũng có một chút liên quan đến công việc của anh hiện tại. Thi thoảng anh gửi tặng Lực cuốn Tạp chí Việt Nam Hương Sắc có bài viết của anh.

Năm 2008, Lực sang Cộng hòa Séc xuất khẩu lao động với những mong đổi đời cho con cái đỡ khổ. Thật không may chuyến đi không có nhiều suôn sẻ. Hai đứa thường xuyên gọi điện thăm hỏi nhau và chia sẻ những buồn vui của cuộc sống xa nhà, xa quê hương và nỗi nhớ người thân da diết...

Cây Si núi; Ảnh minh họa

Triển lãm SVC Việt Nam chào mừng Đại lễ 1000 năm Thăng Long Hà Nội năm 2010 đã vang xa tới tận Séc và nhiều nước Châu Âu. Lực từ nước ngoài gọi điện chức mừng anh vinh dự được tham gia sự kiện này. Hai đưa trò chuyện với nhau thật nhiều về chuyện đời chuyện nghề và cả những khó khăn nơi đất khách quê người...

Có ai ngờ đâu sau cuộc nói chuyện đó không lâu Lực đã ra đi mãi mãi sau một cơn đau tim đột ngột. Vẫn biết cuộc đời là vô thường. Có đến có đi. Có sinh có diệt. Nhưng sự ra đi của Lực lại khiến anh suy sụp đến vậy. Anh thức trắng nhiều đêm cũng chỉ để nhớ lại những kỷ niệm cùng Lực những ngày xưa thơ ấu và kỷ niệm đẹp về chuyến đi tìm cây Si và hơn một năm chép lại tiểu thuyết ÔSIN.

Rồi sóng gió cuộc đời lại đến dồn dập với anh. Nó vùi lấp tất cả. Ngay cả những ký ức tốt đẹp của thời thơ ấu cũng mờ dẫn theo tháng năm. Để rồi hôm nay về lại nơi gần 30 năm trước anh và Lực có những kỷ niệm đẹp lại dội về mãnh mẽ biết bao. Anh cảm nhận ở nơi xa xăm cõi Cực lạc Lực đang ngậm cười dõi theo và phù hộ cho muôn người ở lại.

Anh chợt nhận ra những ký ức tuổi thơ, quê hương, tình bạn...và cả những thói hư tật xấu của một thời trẻ trâu chân đất tinh nghịch ham chơi vẫn nằm sâu và còn nguyên vẹn trong tâm hồn nhiều chai sạn lẫn cả bụi bặm của cuộc đời trong cõi nhân sinh ba vạn sáu nghìn ngày!

Quyết Tuấn |

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/ve-chua-tram-nho-lai-chuyen-gan-30-nam-truoc-di-tim-cay-canh-61400